Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nhật ký Trường Sa
Thứ tư: 06:04 ngày 18/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tàu quân y HQ 561 đưa chúng tôi đi thăm 5 đảo nổi, 5 đảo chìm và một nhà giàn với quãng đường di chuyển (đi và về) khoảng 1.100 hải lý, tổng thời gian 116 giờ 30 phút.

Thả tràng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa.

Ðoàn đại biểu đi thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 có sáu tỉnh, gồm Tây Ninh, Khánh Hoà, Vĩnh Phúc, An Giang, Bình Dương và Bình Phước, do Chuẩn Ðô đốc Phạm Xuân Ðiệp- Phó Tư lệnh quân chủng Hải quân làm trưởng đoàn.

Ðoàn Tây Ninh do Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang dẫn đầu. Tàu quân y HQ 561 đưa chúng tôi đi thăm 5 đảo nổi, 5 đảo chìm và một nhà giàn với quãng đường di chuyển (đi và về) khoảng 1.100 hải lý, tổng thời gian 116 giờ 30 phút.

16 giờ ngày 5.4, tàu xuất phát từ cảng quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Sau hai đêm và hơn một ngày lênh đênh trên biển, đoàn đến đảo Song Tử Tây. Từ xa, đảo một màu xanh ngắt, như khu rừng nhỏ ở giữa biển. Không may, sóng to gió lớn nổi lên, ca-nô gặp nhiều khó khăn khi cập mạn tàu đón khách, nhưng rồi tất cả đại biểu đều lên được đảo.

Ngay cạnh đường vào là một âu tàu có sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn, bảo đảm an toàn cho ngư dân đánh bắt xa bờ trú ẩn nếu gặp giông bão. Một chiến sĩ Hải quân cho biết, đảo có một nhà lưu trú miễn phí dành cho ngư dân khi gặp sự cố. Hậu phương cả nước đã hỗ trợ hết mình về tinh thần lẫn vật chất cho Song Tử Tây.

Ðảo có nhiều cây xanh, nhiều nhất là phong ba, tra, bàng… cùng những vườn rau và khu nuôi heo, gà cải thiện. Ðất ở đây cũng trồng được chuối, dừa, đu đủ, có cả hoa giấy, hoàng yến rất đẹp. Sau lễ tặng quà, chúng tôi tham quan và giao lưu với người dân.

Trên đảo có nhà văn hoá, chùa, trạm khí tượng thuỷ văn, trường tiểu học, đặc biệt là tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Ðạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Trạm dịch vụ của đảo còn hỗ trợ nước ngọt miễn phí cho ngư dân.

Trong khu vực có vài tàu đánh bắt xa bờ neo đậu. Một chiếc tàu cá thả thuyền thúng chở ngư dân bị bệnh cố gắng vượt sóng to tiếp cận HQ 561. Người bệnh được các chiến sĩ đưa lên tàu để các bác sĩ chẩn đoán, siêu âm, tiêm thuốc. Hơn nửa giờ sau, cơn đau bụng giảm nhiều, anh được đưa xuống thuyền thúng trở về tàu cá cùng một bọc thuốc, tất cả đều miễn phí. Tình quân dân thể hiện thật nồng ấm, thân thương giữa trùng khơi sóng gió.

Sau khi thăm Song Tử Tây, chúng tôi sang đảo Ðá Nam. Ở đây mỗi năm có tới hơn 130 ngày gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Do thời tiết không thuận lợi, sóng khá to nên đoàn chỉ cử một tổ vào đảo tặng quà.

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang tặng quà cho cán bộ - chiến sĩ đảo Song Tử Tây.

Sáng 8.4, tàu HQ 561 đến đảo Sinh Tồn. Ðoàn lên đảo thăm, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ, các hộ dân và tổ chức giao lưu văn nghệ. Trên đảo có nhà bia tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma. Ðảo cũng có các công trình dân sự, văn hoá tâm linh như Song Tử Tây. Ðất đảo là cát san hô, chỉ có các loài phong ba, bàng vuông, rau muống biển, cỏ dại phát triển mạnh.

Theo một sĩ quan Hải quân, phong ba là loại kiên cường, sống rất khoẻ, xanh tốt trước thiên nhiên khắc nghiệt. Chợt nhiên, tôi lại nghĩ rằng, cán bộ - chiến sĩ trên các đảo còn kiên cường hơn cây phong ba, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ trời biển, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

10 giờ, đoàn rời đảo về tàu. 12 giờ, tàu thả neo giữa biển, làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở Trường Sa. Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu mặc niệm, thành kính tưởng nhớ người đã khuất- những anh hùng quên mình vì sự nghiệp bảo vệ non sông như lời Bác Hồ đã dạy:

“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Ngay sau buổi lễ, tràng hoa được thả xuống biển. Mọi người cùng thả rất nhiều hoa và cánh chim giấy.

Vùng biển xung quanh tàu HQ 561 bừng sáng, dường như anh linh các chiến sĩ cảm nhận được tâm huyết của mọi người, biển tung sóng như cùng ra sức giữ gìn, bảo vệ biển trời của dân tộc Việt.

Sau lễ tưởng niệm, đại diện mỗi đoàn ba người vào thăm đảo Cô Lin. Ðến lúc đó tôi mới hiểu vì sao toàn bộ vùng biển quanh các đảo có màu xanh ngọc, khác hẳn với nước biển bên ngoài luôn có màu xanh thẫm. Là đảo san hô, mực nước ở đây rất cạn, chỉ sâu từ 1 - 1,5 mét, phản chiếu ánh sáng mặt trời khác hẳn.

Trên đảo Cô Lin, chúng tôi phát hiện một điều thú vị, đó là chuyện chiến sĩ Hải quân kể về trận đánh đẫm máu năm 1988 ở nơi này. Khi tàu chiến của ta lao lên đảo làm lá chắn chống lại quân xâm lược, có một sĩ quan rời tàu, lao dưới làn đạn lên đảo cắm lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền.

Ðó chính là Chuẩn Ðô đốc Phạm Xuân Ðiệp, Phó Tư lệnh quân chủng Hải quân hôm nay. Ông cũng lên đảo Cô Lin và rất vui vẻ, thân tình chụp ảnh lưu niệm cùng chúng tôi.

Tàu HQ 561 tiếp tục cuộc hành trình trong đêm. Cho đến sáng ngày 9.4, biển tiếp tục động. Tuy vậy, tàu vẫn đến được đảo Tiên Nữ. Lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy một đàn cá heo gần mười con, nô đùa ở hai bên mạn tàu.

Do sóng quá to, lịch trình phải thay đổi, chỉ có 5 người đại diện mỗi đoàn lên thăm đảo. Tiên Nữ cách Cam Ranh 374 hải lý, là một vùng san hô khép kín. Ðảo gắn với huyền thoại một người con gái luôn xuất hiện giữa trùng dương, mang sự bình yên đến cho mọi người.

Ðầu giờ chiều ngày 9.4, đoàn đến đảo đá Núi Le (Ðá Le). Thời tiết xấu nên mỗi đoàn chỉ cử 3 đại diện vào thăm và tặng quà cho các chiến sĩ trên đảo. Sáng 10.4, tàu HQ 561 đến thăm đảo Ðá Thuyền Chài. Nhìn từ xa thấy đảo như hình dáng của một chiếc thuyền đánh cá, nên ngư dân đã đặt tên cho đảo là Thuyền Chài.

Tác giả chụp ảnh lưu niệm với chiến sĩ Hải quân trên đảo Song Tử Tây.

Cũng buổi chiều ngày 9.4, tàu đến đảo An Bang. Sóng to gió lớn lại nổi lên, ca-nô không thể tiếp cận đảo. HQ 561 phải hạ xuồng cứu hộ, kéo theo một xuồng khác lớn hơn (không có máy) chở các phóng viên vào trước. Do sóng quá to, các thuỷ thủ phải tháo dây xuồng ném xuống, nương theo con sóng dạt vào bờ cát.

Chúng tôi rất cảm động khi thấy các chiến sĩ Hải quân trên đảo lao ngay xuống nước, tìm bắt cho được sợi dây để kéo xuồng bằng tay vào bờ. Một con sóng bao trùm bờ cát với bọt nước trắng xoá. Tuy vậy, xuồng và người vẫn an toàn. Chủ tịch huyện đảo Trường Sa cũng vào cùng phóng viên, riêng xuồng máy phải dạt ra xa chờ đợi.

Trước tình hình này, Chuẩn Ðô đốc Phạm Xuân Ðiệp phải ra lệnh huỷ chuyến thăm đảo. Mọi người trên tàu rất tiếc khi không vào được An Bang, dù nó lồ lộ ngay trước mắt. Gần một giờ sau, chúng tôi hồi hộp khi thấy ca-nô cố gắng vào đảo kéo xuồng chở phóng viên ra. Sau nhiều vòng chạy tránh sóng, ca-nô mới tiếp cận được gần bãi cát. Nhiều chiến sĩ trên đảo lại lao xuống nước, ném dây lên ca-nô để kéo xuồng chở người trở về tàu.

Một thuỷ thủ trên tàu HQ 561 cho tôi biết, An Bang là hòn đảo đẹp nhất và ở trong một vùng biển rất lạ. Vào mùa mưa, đảo chịu đựng sấm sét nhiều nhất trong khu vực. Hướng duy nhất để tiếp cận là bãi cát lớn hình thành ở một góc đảo.

Các chiến sĩ Hải quân thường gọi bãi cạn ở An Bang là “đồng hồ cát”, vì nó di chuyển chung quanh đảo theo mùa, nhìn có thể biết thời tiết đang vào mùa nào. Anh Trần Hữu Hậu- Bí thư Thành uỷ thành phố Tây Ninh bộc bạch: Ra đến đây mới hiểu được câu “giữa biển khơi tứ bề sóng gió”, do An Bang nằm trên vùng bồi đắp san hô nên sóng đánh vào đảo từ bốn hướng, không như các bãi biển du lịch ở nước ta sóng chỉ đánh một chiều từ ngoài vào.

Sáng 11.4, tàu đến Trường Sa Ðông. Ðoàn lên đảo thăm hỏi, tặng quà cho các chiến sĩ. Trên đảo có vườn rau thanh niên trồng các loại rau xanh và khu chăn nuôi heo, gà, vịt. Ðảo có nhiều cây bàng ta, tra, bàng vuông. Ðược biết, hằng năm, số tàu thuyền đi qua khu vực đảo rất lớn, có nhiều tàu trọng tải trên 30.000 tấn.

Cầu tàu vào đảo Trường Sa Lớn.

Chiều 11.4, tàu HQ 561 đưa đoàn đến đảo Trường Sa (Trường Sa Lớn). Ngay khi lên đảo, các đại biểu thắp hương tại đài liệt sĩ, nhà tưởng niệm Bác Hồ và đi thăm các khu vực trong đảo.

Ðây là đảo lớn, thuộc đơn vị hành chính cấp huyện, có nhiều công trình dân sự kiên cố, khang trang, được mệnh danh là “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa”, cách Cam Ranh hàng trăm hải lý.

Một số chiến sĩ cho hay, lúc trước, Trường Sa được cây cối phủ xanh khá tốt, nhưng năm rồi các cơn bão mạnh quét qua đảo làm gãy đổ khá nhiều. Các chiến sĩ Hải quân ở đây tổ chức tăng gia sản xuất rất tốt và tích cực hỗ trợ, cứu chữa ngư dân bị bệnh, tai nạn…

Theo một sĩ quan Biên phòng, ngoài nhiệm vụ chung, các anh còn đảm nhận vai trò “người thầy mang quân hàm xanh”, tham gia dạy ngoại ngữ (tiếng Anh) cho học sinh trên đảo.

Sáng 12.4, đoàn đến thăm nhà giàn DK1/19 (Quế Ðường). Trước khi đến nơi, đoàn tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam- DK1. Các nghi thức được thực hiện, tràng hoa thả xuống biển trong không khí thành kính, trang nghiêm. Sau khi các đại biểu rời nhà giàn, tàu HQ 561 hú ba hồi còi tạm biệt Trường Sa. Ðường về biển rất êm, không có sóng to, gió lớn như lúc đi. Chiều 13.4, tàu đến khu vực vịnh Cam Ranh.

Sáng 14.4, tàu cập cảng. Các đoàn chuẩn bị rời tàu. Bịn rịn, quyến luyến lúc chia tay. Chúng tôi xin chúc tất cả cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa và tàu HQ 561 luôn mạnh khoẻ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ðể góp phần cho đất nước được bình yên, rất cần sự hy sinh, đóng góp công sức của các chiến sĩ Hải quân. Người dân luôn khắc ghi điều đó.

Văn Công Cảnh

Báo Tây Ninh
  • Kết quả SXMT nhanh nhất
Tin cùng chuyên mục