Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bài thơ có 22 câu có thể chia thành 6 khổ, trong đó 5 khổ bốn câu và một khổ cuối chỉ có 2 câu. Ðề tài không mới- nói về một bà má miền Nam bình dị mà kiên cường, chịu đựng gian khổ hy sinh trong thời chiến tranh.
Bài thơ có 22 câu có thể chia thành 6 khổ, trong đó 5 khổ bốn câu và một khổ cuối chỉ có 2 câu. Ðề tài không mới- nói về một bà má miền Nam bình dị mà kiên cường, chịu đựng gian khổ hy sinh trong thời chiến tranh.
Bà mẹ ở đây chỉ là một bà mẹ bình thường, sống trên chiếc xuồng nhỏ, chở dừa tươi đi bán trên sông. Chủ đề bài thơ cũng thuộc loại quen, nhiều người đã viết- nói về tinh thần yêu nước chống giặc của nhân dân ta khắp mọi vùng miền.
Nhân vật không nhiều- chỉ một má và một chiến sĩ đặc công trên cái “sân khấu” Cửu Long giang bát ngát! Ðối lại là những lưỡi lê chọc vào bụng dừa lỗ chỗ/ Tìm đặc công đêm trước đánh tàu. Thế anh bộ đội đặc công đang ở đâu? Anh đang nằm ở đây: Tuổi hai mươi con lại được nằm nôi/ Má đưa đi trên bập bềnh sông nước/ Nôi con nằm là chiếc hầm bí mật/ Dưới đáy xuồng chất đầy dừa tươi.
Trời ơi! Lạ lùng là cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam, cứ biến hoá khôn lường. Hầm bí mật không chỉ trên đất, trong núi, ven rừng…
Căn hầm mà người lính đặc công đêm trước đánh tàu đang nằm ẩn cũng giống như đang nằm trên chiếc nôi tre: Dưới đáy xuồng chất đầy dừa tươi. Hình ảnh thơ vừa lạ vừa lãng mạn lại cực kỳ thực tế, gây ấn tượng vui và tự hào khôn cùng.
Cái cách má đưa người chiến sĩ cách mạng về căn cứ sao nhẹ nhàng như không: Cắt ngang trận càn đưa con về cứ/ Má lại cùng hoa trái giao liên. Ðó là hình ảnh một bà má Việt Nam anh hùng; hãy nhìn bức chân dung tràn đầy tình cảm thương yêu và đau đớn tột cùng của má: Tóc xanh tiễn chồng, tóc bạc tiễn con/ Thương nhớ đỏ môi trầu cắn chỉ/ Chiếc xuồng nhỏ ba bình hương liệt sĩ/ Má bồng bềnh như khói như sương.
Hình ảnh gợi lên biết bao điều mà ngôn từ không thể diễn tả được! Sau chiến tranh, bà má ấy cũng già rồi, thế mà: Năn nỉ mãi má mới rời mặt nước. Rời mặt nước với biết bao kỷ niệm gắn bó, lòng má có yên đâu. Sông nước quen rồi, cứ nhìn, cứ nghe mỗi hình ảnh, mỗi tiếng động trên đất liền má lại thổn thức, bởi không thể quên những hình ảnh cũ: Ðêm cây vườn nhớ sóng đung đưa/ Con dế gáy đầu giường nhớ mạn xuồng cá quẫy…
Cứ tưởng có ngôi nhà mới má sẽ yên lòng hơn, thư thái hơn vì đêm ngủ khỏi lo mưa dột, ngày nắng khỏi sợ cháy da. Nhưng thật buồn, thật đớn đau vì: Nhà tình nghĩa cau vườn chưa kịp hái/ Má đã nhập hồn vào Cửu Long giang.
Lúc còn sống trên đời, mọi hành động của má đều hướng về quê hương, đất nước, má tuyệt không dành riêng cho mình bất cứ thứ gì. Khi xong mọi việc, má rời khỏi cuộc đời để về với cõi vĩnh hằng cũng nhẹ như sương khói. Khổ thơ cuối tác giả đã dùng hai câu cũng nhẹ như sự ra đi của má vậy!
Cảnh Trà