Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhiệm kỳ thể hiện trách nhiệm cao vì nước vì dân của Chủ tịch nước và Chính phủ
Thứ hai: 23:52 ngày 29/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, ngày 29/3, Quốc hội thảo luận dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.

Theo dõi phiên thảo luận cũng như từ thực tế, các cư tri tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Yên Bái đã có những ý kiến đánh giá về nhiệm kỳ công tác này.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 29/3. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Điều hành quyết liệt để đạt được các kết quả nổi bật
 
Về kết quả hoạt động của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua, bà Đoàn Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn văn hóa - xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã tích cực thực hiện tốt vai trò trách nhiệm trong cương vị của mình, thể hiện tính trách nhiệm cao vì nước, vì dân; góp phần quan trọng đưa đất nước vượt qua những khó khăn thử thách, đạt được những thành tựu về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh và nâng cao vị thế đất nước.

Nhiệm kỳ qua, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đều đã năng nổ, tích cực có mặt tại các “điểm nóng” của đất nước, điều hành công việc với hiệu quả cao, giúp Việt Nam có được những bước tiến ổn định về kinh tế, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống của người dân từng bước được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, những chỉ đạo kịp thời, quyết liệu và đúng đắn của Chính phủ đã giúp ngăn ngừa hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh, hạn chế những thiệt hại tác động đến đời sống nhân dân. Chính sách bảo hộ công dân, triển khai các hoạt động an sinh xã hội hỗ trợ những doanh nghiệp, người nghèo, người gặp khó khăn do dịch COVID-19 của Chính phủ đã tạo niềm tin, sự yên tâm của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ và nâng cao niềm tự hào dân tộc của người dân Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới bị ảnh hưởng sâu sắc từ những tác động tiêu cực của dịch bệnh, các biện pháp, chính sách sáng suốt, kịp thời của Chính phủ trong cải cách thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô…đã giúp Việt Nam trở thành một điểm sáng kinh tế của khu vực và thế giới về sự phát triển ổn định tốc độ cao.

Đặc biệt tâm đắc với bài học từ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thiên tai, lũ lụt, bà Đoàn Thị Thanh Xuân nhấn mạnh, khi người dân có lòng tin với Đảng, với Nhà nước thì sẽ tích cực, tự giác thực hiện các chủ trương, chính sách, chung tay cùng cả hệ thống chính trị đẩy lùi dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai. Có thể nói, Thủ tướng Chính phủ đã làm tốt vai trò người đứng đầu điều hành đất nước, có nhiều chính sách cải cách linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, phù hợp với ý nguyện người dân, phục vụ quyền lợi nhân dân; đồng thời đã đưa ra được những sách lược phù hợp để đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô đạt mức tăng trưởng cao và có những bước đi phù hợp cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đại tá Nguyễn Văn Đức, cựu chiến binh Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh có một góc nhìn tin tưởng khi nói về nhiệm kỳ của Chủ tịch nước. Theo ông Nguyễn Văn Đức, nhiệm kỳ Chủ tịch nước vừa qua có nhiều biến động, thay đổi về nhân sự. Tình hình thế giới và khu vực nhiều diễn biến phức tạp, trong đó có thiên tai, bão lụt, dịch COVID-19 tác động lớn đến đất nước ta. Tuy nhiên, các Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ 2016-2021 đã làm tốt cương vị nguyên thủ quốc gia được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần quan trọng trong những thành tựu to lớn mà đất nước đạt được trong 5 năm qua.

Theo ông Nguyễn Văn Đức, qua theo dõi tình hình thời sự đất nước, 5 năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi sai phạm theo phương châm: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn. Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ. Những việc làm quyết liệt mà hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nâng cao tính chiến đấu của Đảng, củng cố và vun đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ….

Cũng qua thông tin đại chúng cho thấy, trong các chuyến công tác địa phương, cơ sở, tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước đã sâu sát với thực tế, nắm bắt tình hình đời sống, sản xuất của nhân dân; lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của các tầng lớp nhân dân cả trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đối với Đảng, Nhà nước… Qua đó, Chủ tịch nước có ý kiến với các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để nâng cao hiệu quả công tác thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra sức mạnh to lớn của toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
 
Theo dõi trực tiếp phiên thảo luận qua phương tiện thông tin đại chúng, cử tri Nguyễn Hùng Cường, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) cho rằng: Các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ.

“Đây là nhiệm kỳ phải đối mặt với nhiều trở ngại lớn, phức tạp, khó lường, đặc biệt là tình hình dịch COVID -19 và thiên tai nhưng Nhà nước, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt để đạt được các kết quả nổi bật, nâng cao vị thế đất nước. Từ đó niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ ngày càng cao”, ông Nguyễn Hùng Cường bày tỏ.

Cần quan tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng khó khăn  

Cử tri Phạm Thanh Vận, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ) nhất trí cao với các ý kiến đóng góp, đánh giá về những kết quả nổi bật được đề cập trong báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước và Chính phủ, nhiệm kỳ 2016-2021. Ông Phạm Thanh Vận cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu nhiều thiệt thòi, phát triển kinh tế tụt hậu hơn các vùng miền khác nên Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế chính sách mang tính chất đặc thù cho cả vùng. Quốc hội, Chính phủ cần có chế chế không những giúp người dân phát triển kinh tế nâng cao đời sống mà còn triển cả lĩnh vực dân trí, văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục thể thao; có cơ chế chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng, huy động vốn ngoài ngân sách, khuyến khích các nhà đầu tư vào đầu tư, giải quyết việc làm cho người dân; đặc biệt là có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp
         
Cử tri Phạm Thanh Vận cũng cho rằng, công tác cải cách hành chính đã được Chính phủ thực hiện tốt nhưng vẫn còn ách tắc ở nhiều lĩnh vực, cần nghiên cứu việc phân cấp, phân quyền giữa quản lý Trung ương và địa phương cho rõ ràng, hợp lý, tránh chồng chéo như các vấn đề về quản lý đất đai, vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, vấn đề xây dựng, vấn đề cấp phép đầu tư sản xuất kinh doanh...

Cử tri Nguyễn Hoàng Hành, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều (Cần Thơ): Tây Nam Bộ là địa bàn xuất phát điểm hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn hơn so với mặt bằng chung của cả nước, đặc biệt chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số (với khoảng 1,3 triệu người) chưa cao.

Cử tri trên địa bàn Tây Nam Bộ, đặc biệt là cử tri đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nam Bộ đánh giá rất cao công tác lập pháp nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội quyết định rất nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, tạo dấu ấn đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, Quốc hội khóa XIV đã thể chế hóa Kết luận số 65- KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 về công tác dân tộc trong tình hình mới. Tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019, Quốc hội đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, đầu tư nhiều nguồn lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cả nước nói chung và Tây Nam Bộ nói riêng.

Cử tri kiến nghị Quốc hội khóa XV tiếp tục có thêm nhiều nghị quyết mới về nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cả nước nói chung, vùng Tây Nam Bộ nói riêng.

Cử tri Hoàng Hữu, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái đánh giá: Quốc hội khóa XIV đã có những đổi mới rất lớn trong hoạt động, đặc biệt là các phiên chất vấn, thảo luận có nhiều ý kiến rất hay, rất sát thực. Đó thực sự là những ý kiến mà cử tri quan tâm, mong muốn được giải quyết… Điều đó chứng tỏ hoạt động tiếp xúc cử tri của các địa biểu rất sát thực, gần gũi với nhân dân, lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Nguồn TTXVN

Tin cùng chuyên mục