Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiệm vụ cơ bản của năm học 2021-2022

Cập nhật ngày: 11/09/2021 - 00:16

BTN - Trên cơ sở những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong năm học trước cũng như tình hình dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022.

Trước hết, ngành Giáo dục cụ thể hoá các quan điểm, chủ trương của Ðảng và Nhà nước về phát triển GD&ÐT, rà soát, hoàn thiện các quy định về chức năng quản lý Nhà nước quy định trong Luật Giáo dục, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Ðổi mới quản lý Nhà nước trong lĩnh vực GD&ÐT theo hướng phân cấp phân quyền, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách trong việc xã hội hoá giáo dục, tháo gỡ các nút thắt, tạo hành lang pháp lý cho việc thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển GDÐT. Ðổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực GDÐT và cơ chế quản trị của các nhà trường theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành Giáo dục thích ứng với dịch Covid- 19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá.

Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương. Trong đó, triển khai có hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch, phối hợp với ngành Y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid- 19 dự báo còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp.

Bộ GD&ÐT yêu cầu các địa phương tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát. Tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng dạy học trực tuyến cả trong trường hợp bình thường lẫn trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, không để bị động lúng túng, bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm học, giữ vững mục tiêu chất lượng giáo dục.

Nhà trường có hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến đối với các lớp 1 và lớp 2. Cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến, xây dựng nền tảng dạy học trực tuyến.

Bộ GD&ÐT đặc biệt lưu ý địa phương, cơ sở giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng, đặc biệt với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021-2022. Cần chuẩn bị các điều kiện thực hiện dạy học môn tin học và môn ngoại ngữ bắt đầu triển khai đối với lớp 3 từ năm học 2022-2023.

Nhà trường có nhiệm vụ thực hiện hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên.

Ðặc biệt quan tâm và có giải pháp để ổn định tâm lý, tư tưởng của học sinh, sinh viên bị tác động do tình hình dịch bệnh kéo dài. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường - gia đình trong việc quản lý, hỗ trợ học sinh, nhất là học sinh tiểu học, trong việc học trực tuyến tại nhà.

Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, nhất là an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khoẻ học đường.

Vấn đề đội ngũ, triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NÐ-CP của Chính phủ.

Triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện chương trình GDPT 2018.

Ngành giáo dục tại mỗi địa phương tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế và tuyển dụng giáo viên, bảo đảm có học sinh phải có giáo viên đứng lớp. Thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng giáo viên mầm non, phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Ðổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng giáo viên theo hướng linh hoạt để các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được bố trí đủ định mức giáo viên theo quy định. Có giải pháp phù hợp để hỗ trợ giáo viên, người lao động trong ngành Giáo dục bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là giáo viên, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Về cơ sở vật chất, Bộ GD&ÐT yêu cầu ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và Chương trình GDPT 2018.

Ðối với chính sách dành cho người học, huy động các nguồn lực để thực hiện hỗ trợ học sinh, sinh viên có cha mẹ thuộc đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động tự do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, không để học sinh, sinh viên nào vì điều kiện kinh tế mà không thể đến trường.

Ưu tiên đầu tư nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Về công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ÐT, trước hết là để thích ứng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có thể còn kéo dài. Cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý tăng cường chuyển đổi số trong quản trị, quản lý giáo dục, triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục toàn ngành, đồng bộ, triển khai các mô hình quản trị nhà trường tiên tiến trên nền tảng số bảo đảm thiết thực và hiệu quả.

Triển khai các nền tảng chuyển đổi số phục vụ dạy, học, kiểm tra trực tuyến, kết nối nền tảng dạy học trực tuyến với nền tảng quản trị nhà trường, tạo nên hệ sinh thái chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Phát triển kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác.

Liên quan đến dạy học trực tuyến, ngày 8.9, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam chỉ đạo Bộ GD&ÐT cùng các địa phương xây dựng bài giảng của từng môn học, cấp học phát trên tuyền hình để tất cả học sinh đều có thể học trong thời gian chưa thể đến trường. Ðài Truyền hình Hà Nội đã và đang xây dựng chương trình dạy học qua màn ảnh nhỏ được đánh giá “khá tốt”.

Ð.V.T