Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Kỷ niệm lần thứ 199 năm ngày sinh Các Mác 5/5 (1818 - 2017)
Nhiệt tình cách mạng, lòng tự trọng và sự xấu hổ
Thứ sáu: 10:22 ngày 05/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các Mác (1818-1883) là nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại. Gắn liền với tên tuổi của Các Mác và mang tên Các Mác là một thế giới quan tiên tiến nhất, thật sự cách mạng, thật sự khoa học - thế giới quan duy vật biện chứng. Ông còn là con người của sự nghiệp đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản toàn thế giới.

Nhận ra chính mình, tự biết mình là cực kỳ quan trọng nhưng biết rồi thì phải dũng cảm và hăng hái trong hành động. Muốn vậy, bất cứ ai cũng cần phải có nhiệt tình cách mạng. Nhiệt tình tựa như ngọn lửa bùng cháy, là động lực của tất cả. Ông đã có những trang viết với thái độ quyết liệt để “đánh” vào những cái lỗi thời, hủ bại, những sự đê tiện thấp hèn, những cái ở dưới tầm nhân tính: “Nhất định phải đánh. Những trật tự ấy thấp hơn tầm lịch sử, thấp hơn mọi sự phê phán nhưng vẫn là đối tượng của sự phê phán”.

nhiet tinh cach mang long tu trong va su xau ho

Các Mác cho rằng, làm cách mạng là đấu tranh, phê phán cái lỗi thời cũng như việc đề ra các quyết sách, các chủ trương và biện pháp để xây dựng cái mới, cái tốt đẹp, đòi hỏi phải kiên quyết, phải hăng say, nhiệt tình nhưng không thể là sự hăng say mù quáng, trái lại, sự hăng say phải được chỉ dẫn bởi sự hiểu biết, có cân nhắc, có kế hoạch, có kiểm tra.

Đó là “lý tính của sự hăng say”, là sự hăng say thông minh, một sự thống nhất giữa tình cảm cách mạng và lý tưởng cách mạng, giữa lòng nhiệt tình của trái tim nóng và sự chín chắn của trí tuệ. Thực tiễn đã cho ta những bài học về sự hăng hái và ấu trĩ. Biết bao dự án, công trình đã không có sự tính toán, cân nhắc, lắng nghe ý kiến của những nhà chuyên môn và nhân dân nên đã gây thiệt hại lớn tiền của, công sức và tổn hại không nhỏ uy tín của Đảng và Nhà nước…

Và để khắc phục tình trạng đó, Các Mác đã lưu ý tới một triết lý cho sự phát triển: “Chúng ta là những người cùng thời về mặt triết học của thế kỷ hiện nay, chứ không phải là cùng thời về mặt lịch sử của thế kỷ hiện nay”. Chỉ có tầm nhìn như vậy chúng ta mới không mắc phải sai lầm là lặp lại bước đi trong lịch sử của những người khác một cách vụng về.

Theo Các Mác, “tự trọng” và “xấu hổ” là 2 khái niệm gần như đồng nghĩa. Nó đều là loại ý thức về nhân cách của mình, về danh dự, phẩm giá của mình; nó là cái tiềm ẩn ở mỗi dân tộc cũng như mỗi con người. Tự trọng làm cho người ta biết giữ gìn, trân trọng và tự biết những giá trị tốt đẹp đích thực của mình. Tự trọng bao giờ cũng đi liền với sự khiêm nhường, có chừng mực, biết đánh giá đúng mình và đúng người, biết nhận ra những cái lố bịch, xấu xa, hèn kém của bản thân, làm cho người ta tự hào đúng mực về cái mình có, tự hổ thẹn về sự yếu kém của chính mình. Và chính vì thế mà từ sâu thẳm trong tâm hồn toát ra một sức mạnh, một ý chí vươn lên.

Tự trọng khác tự hào. Tự hào thể hiện ở sự hãnh diện, mãn nguyện về cái mình đã làm được, cái mình đang có. Tự hào đúng mực đòi hỏi một sự tự trọng; nếu tự hào quá mức, hoặc không đúng thì lại là sự hợm hĩnh, kiêu ngạo và lố bịch, là tự hạ thấp mình. Các Mác nói: “Tính tự cao, tự đại của tư duy bao giờ cũng đi song song với sự phiến diện và tính tự hạ thấp mình”…

Một dân tộc cũng như một con người cần phải biết tự hào và tự trọng, lại càng cần đề phòng “thừa lòng tự hào” (tự hào quá mức, không đúng) và “thiếu lòng tự trọng”. Vì cả hai đều là kệch cỡm, đáng xấu hổ.

Các Mác cho rằng, làm cách mạng phải biết tự hào, tự trọng và xấu hổ. Ông nhấn mạnh: “Xấu hổ là một loại cách mạng… xấu hổ là một loại nổi giận nhưng chỉ hướng vào bên trong. Và nếu như cả một dân tộc thực sự cảm thấy xấu hổ thì nó sẽ giống như một con sư tử thu mình lại để chuẩn bị nhảy”.

Tổ quốc ta, nhân dân ta vì có lòng tự hào dân tộc, tự trọng về danh dự và phẩm giá của mình và biết xấu hổ vì sự mất nước, vì nghèo nàn, lạc hậu mà vùng đứng lên làm cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng XHCN.

Dân tộc Việt Nam đã biết “thu mình lại” và cũng đã biết “vùng dậy”, để có độc lập, tự do và có bước phát triển như ngày nay. Và tương lai sẽ còn có những bước “nhảy” mạnh hơn để tiến tới dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, nếu như mỗi người chúng ta đều biết xấu hổ khi làm những việc như tham nhũng, lãng phí, quan liêu, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân…

Kỷ niệm 199 năm ngày sinh của Các Mác, bài học rút ra từ những lời dạy của ông có rất nhiều, trên đây chỉ là một khía cạnh nhỏ. Thiết nghĩ, đó là cách chúng ta tỏ lòng thành kính, biết ơn Các Mác, người thầy vĩ đại của nhân loại cần lao.

Nguồn BHT

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục