Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhiều án tham nhũng 'đầu voi đuôi chuột'
Thứ tư: 06:41 ngày 04/11/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - "Án treo trong các vụ án tham nhũng quá nhiều, lúc khởi tố thì to như con voi, sau xử lý bé như con chuột. Nếu không làm mạnh sẽ khiến người dân hoài nghi về quyết tâm chống tham nhũng của chúng ta", đại biểu Đặng Văn Xướng phát biểu chiều 4.11.

Thảo luận về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, rất nhiều đại biểu bức xúc về sự đột biến án treo trong năm 2009, chiếm tới hơn 1/3 tổng số vụ án được xét xử, trong đó nhiều nhất là án tham nhũng.

Đại biểu Đặng Văn Xướng không đồng tình với lý giải của Toà án nhân dân tối cao là do nhận thức, áp dụng pháp luật không đúng. Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh nhìn nhận có chuyện tiêu cực dẫn đến án treo.

Theo lý giải của đại biểu Nguyễn Thị Lan, hầu hết vụ án tham nhũng, cơ quan xét xử thường dựa vào điều 60 của Bộ luật hình sự là thân nhân người phạm tội tốt để giảm nhẹ tội phạm. "Điều này là không hợp lý, bởi người tham nhũng thường là quan chức, thân nhân phải tốt", bà Lan nói.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: "Việc xử lý một số vụ án tham nhũng chưa tương xứng với quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng của chúng ta".

Nhiều đại biểu cho rằng việc có quá nhiều án treo, trong đó có án tham nhũng sẽ giảm nhiệt tình đấu tranh phòng chống tội phạm, gây tâm lý ức chế đối với người làm công tác điều tra và bức xúc trong nhân dân. "Án treo quá nhiều sẽ không đủ liều để ngăn chặn tội phạm, nhất là tội tham nhũng", đại biểu Trần Văn Kiệt nói.

Từ thực tế trên, các đại biểu đề nghị quy định rõ tội danh nào được hưởng án treo. Riêng với tội danh tham nhũng thì cần hạn chế mức án này mà phải xử lý nghiêm minh để thể hiện quyết tâm chính trị đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và nhà nước.

Đặc biệt, theo nhiều đại biểu, cần quản lý chặt chẽ những người được hưởng án treo. Hiện việc quản lý những người này và người được hưởng án cải tạo không giam giữ rất lỏng lẻo. Dù họ phạm tội, chịu án, nhưng cũng như người bình thường, thoải mái đi lại, không bị hạn chế gì.

Một vấn đề khiến đại biểu lo lắng là tình hình tội phạm liên tục gia tăng, trong đó có tội phạm trẻ em, tội phạm là người nước ngoài. "Gần đây rất nhiều người nước ngoài, chủ yếu là châu Phi đến trộm cắp, lừa đảo và biến Việt Nam thành nơi trung chuyển ma tuý. Nguyên nhân chủ yếu là quản lý nhập cảnh của ta không hợp lý", đại biểu Phạm Quốc Anh phản ánh.

Lý giải tình trạng gia tăng tội phạm, đại biểu Trần Văn Kiệt cho rằng có hai nguyên nhân. "Một là xử lý không nghiêm khiến tội phạm xem thường. Hai là có sự đùn đẩy đẩy trách nhiệm, bao che, người đánh người đỡ. Nếu không có giải pháp cụ thể thì không bao giờ tội phạm giảm", ông Kiệt nói.

Nữ đại biểu Võ Thị Hồng Thoại thì cho rằng việc xử lý hiện nghiêng về người trực tiếp vi phạm mà chưa xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để xảy ra sai phạm. "Nhiều địa phương biết rõ sai phạm, nhưng còn nể nang, không xử lý. Đây chính là điều kiện để tội phạm nảy sinh", bà Thoại nói.

Sáng 5.11, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về báo cáo công tác phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

(Theo VNE)

Từ khóa:
Tin liên quan