Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quy hoạch sử dụng đất:
Nhiều chỉ tiêu không còn phù hợp
Thứ hai: 06:15 ngày 04/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đó là nhận định của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh sau buổi làm việc vừa qua với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trong đợt giám sát về tình hình quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Một công trình bị tạm dừng thi công do chủ đầu tư thực hiện sai nội dung giấy phép. Ảnh: Lê Đức Hoảnh

QUY HOẠCH CHƯA PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN

Theo báo cáo của lãnh đạo Sở TN&MT, quy hoạch sử dụng đất ở tỉnh Tây Ninh từ năm 2011- 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm của tỉnh thời kỳ đầu (2011- 2015) đã được Chính phủ xét duyệt tại Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 9.1.2013 và đã được Sở TN&MT công bố công khai ngày 22.2.2013 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều chỉ tiêu quy hoạch không còn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và tình hình thực tế tại địa phương.

Cụ thể, trong kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015 đã được Chính phủ xét duyệt, đất nông nghiệp hơn 332.000 ha. Theo chỉ tiêu này, phải chuyển một số diện tích không nhỏ từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, thế nhưng tốc độ chuyển mục đích sử dụng đất còn chậm.

Đến năm 2015, vẫn còn hơn 13.000 ha chưa chuyển đổi mục đích theo kế hoạch đã được phê duyệt. Nguyên nhân được viện dẫn là do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới làm ảnh hưởng tài chính của các doanh nghiệp, vì vậy nhiều dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm triển khai.

Việc thực hiện các công trình trọng điểm, các dự án quan trọng cũng bị chậm, do nhu cầu vốn đầu tư lớn, trong khi đó, các hình thức BOT, BTO chưa thu hút nhà đầu tư. Các công trình, dự án do Trung ương đầu tư trên địa bàn cũng chậm triển khai hoặc phải dừng lại theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24.2.2011 của Chính phủ, cụ thể là các dự án đường Hồ Chí Minh, nâng cấp quốc lộ 22B, quốc lộ 14C v.v…

Đất phi nông nghiệp cũng thực hiện không đạt yêu cầu. Theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt đến năm 2015, đất phi nông nghiệp ở tỉnh ta là hơn 71.000 ha, kết quả thực hiện đến năm 2015, loại đất này mới đạt hơn 57.000 ha (đạt tỷ lệ 80,8% so với chỉ tiêu).

Điển hình như đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp thiếu nguồn vốn đầu tư nên một số công trình chưa được triển khai thực hiện; đất quốc phòng, nhiều công trình quốc phòng như thao trường huấn luyện cho lực lượng vũ trang, các công trình phòng thủ tại địa phương, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2011-2015, nhưng đến cuối năm 2015 chưa thực hiện được, phải chuyển sang thực hiện vào giai đoạn 2016- 2020; đất khu công nghiệp, do một số khu công nghiệp không còn phù hợp khó thu hút đầu tư, nên phải xin Chính phủ xoá bỏ quy hoạch hoặc giảm quy mô diện tích.

Chưa kể tỉnh đã quy hoạch 20 cụm công nghiệp, nhưng đến nay mới có 4 cụm có nhà đầu tư, số còn lại phải chuyển tiếp sang giai đoạn sau; đất chưa sử dụng dự kiến bố trí xây dựng các khu dân cư (88 ha), nhưng chưa thực hiện được, chuyển sang giai đoạn 2016- 2020.

Mặt khác, phương pháp kiểm kê mới cũng làm giảm diện tích đất công nghiệp. Cụ thể, những diện tích thuộc vùng quy hoạch công nghiệp, nhưng chưa được đền bù, giải toả, đều được thống kê theo hiện trạng đất đang sử dụng.

NHIỀU NGUYÊN NHÂN CẢ KHÁCH QUAN LẪN CHỦ QUAN

Về khách quan, giai đoạn 2011-2015 là thời kỳ chuyển tiếp thực hiện từ Luật Đất đai năm 2003 sang Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản dưới luật, nên Tây Ninh cũng như các địa phương khác trong cả nước gặp nhiều lúng túng trong triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dẫn tới kế hoạch sử dụng đất thời kỳ đầu đạt kết quả chưa cao.

Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm đầu cấp tỉnh ở nước ta, trong đó có Tây Ninh, được xét duyệt chậm, vì vậy thời gian triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm đầu không còn nhiều. Trong khi các thủ tục liên quan đến giao, cho thuê, thu hồi đất… đều mất nhiều thời gian nên nhiều công trình, dự án phân bổ trong thời kỳ đầu sẽ phải chuyển sang thực hiện trong giai đoạn cuối 2016-2020.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phụ thuộc vào phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và trung ương, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhưng việc nắm bắt thông tin và dự báo nhu cầu sử dụng đất chưa kịp thời, từ đó không ít dự án đăng ký sử dụng đất từ năm 2011- 2015 chưa có khả năng đầu tư, trong khi nhiều công trình, dự án có nhu cầu sử dụng đất lại không có trong quy hoạch, kế hoạch, đành phải chuyển sang giai đoạn 2016- 2020.

Mặt chủ quan, tình trạng lấn chiếm trái phép đất rừng để sản xuất nông nghiệp vẫn chưa xử lý dứt điểm. Một số người dân, doanh nghiệp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt nên gây khó khăn cho công tác quản lý.

Điển hình như trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất không bảo đảm quy trình, đã bị Chánh Thanh tra Sở TN&MT ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Một số ngành điều chỉnh quy hoạch cục bộ không tuân thủ quy hoạch sử dụng đất. Bản đồ quy hoạch các quy hoạch ngành thành lập không đúng hệ toạ độ, do đó, có trường hợp xảy ra chồng lấn ranh quy hoạch.

Công tác chỉ đạo, quản lý của các cấp, các ngành đối với các nhà đầu tư chưa sâu sát, dẫn tới nhiều nhà đầu tư thực hiện chậm tiến độ hoặc chưa thực hiện công trình, dự án đã được phê duyệt.

Công tác dự báo và quy hoạch của các ngành còn hạn chế. Nhu cầu sử dụng đất của một số ngành có liên quan đến sử dụng đất phi nông nghiệp còn nặng về tính định hướng lâu dài mà chưa cân nhắc đến khả năng tài chính để thực hiện trong kế hoạch 5 năm đầu, nên dẫn đến mức độ thực hiện còn thấp so với chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Một số công trình, dự án của Nhà nước do hạn chế về kinh phí nên bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện quy hoạch, sử dụng đất của tỉnh, huyện, xã. Công tác tuyên truyền, phổ biến về việc thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng chưa tốt, do vậy, nhiều người dân chưa thực hiện đúng việc sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch.

San lấp đất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất.

KIẾN NGHỊ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT

Trước tình hình sử dụng đất 5 năm qua chưa phù hợp thực tiễn, năm 2016, UBND tỉnh đã trình Bộ TN&MT thẩm định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất từ năm 2011 đến năm 2020 để trình Chính phủ phê duyệt.

Trong đó, kiến nghị lập quy hoạch sử dụng đất trong thời kỳ tới cần kết nối chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch phát triển ngành để dự báo nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các cấp. Từ đó, xây dựng phương án quy hoạch bảo đảm tính đồng bộ giữa các ngành mang tính thực tiễn và khả thi. Bám sát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đang trình HĐND tỉnh để bố trí quỹ đất cho xây dựng các công trình từ nguồn ngân sách.

Hạn chế việc đưa vào quy hoạch quá nhiều công trình, dự án nhưng không có vốn để thực hiện. Bám sát các chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ từ cấp quốc gia để xây dựng và hoàn thiện sử dụng đất cấp tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Tổ chức lấy ý kiến dân theo quy định Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản dưới luật, để kịp thời điều chỉnh các thiếu sót trước khi trình thẩm định, phê duyệt, nhằm bảo đảm tính đồng thuận cao trong xã hội. Tổ chức công bố công khai, rộng rãi quy hoạch sử dụng đất ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến quy hoạch đất đến mọi tầng lớp nhân dân, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Phát huy vai trò HĐND các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị trong công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, để kịp thời ngăn chặn những hành vi sử dụng đất trái quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.

Tại buổi làm việc của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh vừa qua, một số thành viên trong đoàn giám sát đặt vấn đề công tác phối hợp với các ngành, các cấp trong việc quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh có vẻ không ổn.

Tình trạng phân lô bán nền (tách thửa) vẫn còn xảy ra v.v… Lý giải về vấn đề này, ông Văn Tiến Dũng- Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, do năng lực cán bộ chuyên môn ở huyện còn nhiều hạn chế, những năm trước đây, đến tháng 9 hằng năm có huyện mới lập kế hoạch sử dụng đất, nên muốn phê duyệt cũng rất khó khăn.

Do vậy, bắt đầu từ năm 2018, Sở nhắc nhở các huyện phải lập kế hoạch sử dụng đất ngay từ đầu năm. Tình trạng đất rừng bị lấn chiếm qua nhiều thời kỳ hiện rất khó xử lý. Tình trạng phân lô bán nền xảy ra là do công tác quản lý Nhà nước ở địa phương chưa tốt. “Những người có trách nhiệm phải phối hợp tốt với nhau mới phát hiện, xử lý kịp thời được tình trạng phân lô bán nền”, ông Dũng nói.

Đại Dương

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh