Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chất vấn lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch:
Nhiều di tích chưa được cấp “sổ đỏ”
Thứ sáu: 18:18 ngày 12/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh, ông Trần Anh Minh- Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) trả lời đại biểu về các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm điều hành phiên chất vấn.

Chất vấn nội dung bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh, đại biểu Ngô Trần Ngọc Quốc nêu: “Năm 1998, UBND tỉnh có quy định bằng văn bản bảo vệ thành Bảo Long Giang, sau đó tiếp tục có quy định bảo vệ, bảo tồn, phát triển khu di tích này, tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng nhưng đến nay nhiều hạng mục chưa được thực hiện. Vấn đề này, Sở VH,TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh như thế nào?”. Đại biểu Trần Thị Thanh Nhã nêu hiện tượng, sau khi tu bổ, di tích lịch sử văn hoá lại không giống nguyên bản.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Nam nêu thực trạng, việc phân bổ ngân sách để trùng tu, bảo tồn còn nặng tính cào bằng, đề nghị Giám đốc Sở VH,TT&DL đánh giá việc huy động nguồn lực tu bổ, tôn tạo di tích có đáp ứng được yêu cầu hay không? Đại biểu cũng đề nghị thay vì đầu tư theo kiểu cào bằng thì cần ưu tiên đầu tư những di tích trọng điểm gắn với phát triển du lịch.

Đại biểu Nguyễn Tiến Hưng chất vấn nội dung hiện nay vẫn còn một số di tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở có giải pháp gì để tham mưu tỉnh giải quyết vấn này?

So sánh với một số địa phương khác, đại biểu Kim Thị Hạnh bình luận, các di tích ở Tây Ninh thiếu thuyết minh viên, điều này cần khắc phục, vì không có thuyết minh viên, du khách sẽ không hiểu gì nhiều về di tích lịch sử, văn hoá nơi họ đến tham quan.

Toàn cảnh phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực VH,TT&DL.

Gắn với nội dung chuyển đổi số, đại biểu Võ Quốc Khánh đề nghị Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết việc số hoá dữ liệu di tích lịch sử, văn hoá trên địa bàn tỉnh đã và đang được thực hiện như thế nào?

Trả lời nhóm vấn đề này, Giám đốc Sở VH,TT&DL Trần Anh Minh cho biết, đối với thành Bảo Long Giang, hiện có một hộ lấn chiếm đất, do có tranh chấp nên chưa thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu di tích này, dự án đã được đầu tư nhưng chưa trọn vẹn. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp ngành Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm vấn đề đất đai và sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án bảo tồn, phát triển khu di tích.

Về phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hoá, ngành Văn hoá đã tham mưu UBND tỉnh đưa 10 di tích tiềm năng vào kế hoạch quảng bá du lịch. Hiện nay, một số di tích như Trung ương Cục miền Nam cũng đang gấp rút được đầu tư, ngành phối hợp với SaigonTourist để quảng bá các di sản, di tích trên địa bàn tỉnh ra tỉnh bạn và thế giới.

Thời gian tới, ngành cũng sẽ thực hiện số hoá, tạo mã QR giới thiệu thông tin về các di tích, khắc phục tình trạng di tích không có thuyết minh viên.

Đối với việc bố trí thuyết minh viên tại các địa điểm di tích lịch sử, văn hoá, ông Trần Anh Minh cho rằng việc này phải tính toán vì liên quan đến kinh phí, hợp đồng lao động, cơ sở vật chất và trước mắt mới chỉ bố trí thuyết minh viên ở những di tích có nhu cầu khách tham quan lớn.

Giám đốc Sở VH,TT&DL trả lời chất vấn.

Đối việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở TN&MT Văn Tiến Dũng trả lời, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với di tích cũng được thực hiện với trình tự thủ tục không có gì khác với cấp cho hộ gia đình. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, uỷ quyền cho Sở TN&MT thực hiện. “Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp ngành Văn hoá và các địa phương xem xét 30 hồ sơ của các khu di tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nghiên cứu, tìm hướng giải quyết” - ông Văn Tiến Dũng nói.

Bên cạnh nhóm nội dung trên, vấn đề xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh ở cơ sở, quy định xét tặng gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá… cũng được nhiều đại biểu chất vấn Giám đốc Sở VH,TT&DL. Các nội dung này được Giám đốc Sở VH,TT&DL và đại diện lãnh đạo Sở TN&MT tiếp thu, trả lời đại biểu.

Kết luận, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm, chủ toạ phiên chất vấn đề nghị Sở VH,TT&DL tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích văn hoá, lịch sử trên địa bàn, nhất là quan tâm phát huy giá trị các di tích trọng điểm, phục vụ giáo dục truyền thống lịch sử và phát triển du lịch. Ngành phối hợp các ngành, địa phương liên quan khắc phục tình trạng trùng tu, tôn tạo di tích không đúng nguyên bản; khắc phục tồn tại trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích để tăng cường công tác quản lý Nhà nước các di tích này.

Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở VH,TT&DL.

Đối với công tác quản lý về xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, ngành sớm tham mưu UBND tỉnh việc triển khai nghị định mới của Chính phủ về đăng ký, bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn/tổ dân phố văn hoá”, “Xã, phường thị trấn tiêu biểu”.

Quan tâm thực hiện các cơ chế, chính sách, phát huy giá trị thiết chế văn hoá cơ sở; kiện toàn, nâng cao hoạt động của đội ngũ làm công tác văn hoá, nhất là ở cơ sở; tăng cường quản lý Nhà nước, phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, răn đe, giáo dục đối với các cá nhân vi phạm quy định về xây dựng đời sống văn hoá.

Việt Đông - Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục