Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Dựa vào tài liệu sai thì giáo viên tất sẽ giảng sai, mà thầy cô giảng sai thì sao học trò có kiến thức đúng được, nhất là khi các thầy cô và các em học sinh còn thiếu tài liệu nghiên cứu, hoặc là chưa có điều kiện tìm hiểu thực tế như hiện nay. Vấn đề chúng tôi quan tâm chính là chỗ đó vậy.
DVD hỗ trợ dạy - học Văn học địa phương Tây Ninh.
Trong tháng 10.2017, các trường học trong tỉnh được Sở Giáo Dục - Ðào tạo cấp bộ DVD “Hỗ trợ dạy - học Văn học địa phương Tây Ninh” do NXB Giáo Dục Việt Nam ấn hành. Trong DVD này có tổng cộng 13 bài giới thiệu về các chủ đề cụ thể như sau: ca dao Tây Ninh, lễ Ramadan của đồng bào Chăm, lễ vía Thiên Hậu thánh mẫu, sự tích núi Bà Ðen, đền thờ đức thánh Trần Hưng Ðạo, đình Hiệp Ninh, đình Long Thành, đình Gia Lộc, tháp Chót Mạt, chùa Khe Dol, Toà thánh Tây Ninh, núi Bà Ðen và nhà thơ Trần Hoàng Vy.
Xét về tổng quan thì chỉ có các chủ đề như Ca dao Tây Ninh, Sự tích núi Bà Ðen và Nhà thơ Trần Hoàng Vy là có liên quan đến văn học địa phương Tây Ninh, còn các chủ đề khác thì hầu như không liên quan trực tiếp hoặc nếu có thì cũng ít liên quan đến tài liệu giảng dạy văn học địa phương Tây Ninh hiện nay. Xét về nội dung thì lời thuyết minh trong các chủ đề này có rất nhiều chỗ thiếu chính xác hoặc không nói được cốt lõi của vấn đề được đặt ra. Xin chứng minh ba vấn đề cụ thể như sau.
Chủ đề “Tháp Chót Mạt”, có nội dung thuyết minh “tháp là nơi thờ hai vị thần Linga và Yoni”. Các công trình đền tháp Chăm hay Khmer từ miền Trung đổ vào đều chịu ảnh hưởng của văn hoá Bà La Môn giáo, nên đối tượng được tôn thờ ở đây chủ yếu là ba vị thần tối cao là Brahma- chúa tể sáng tạo ra vạn vật, vị thần đứng đầu trong các vị thần; Vishu- thần bảo tồn; Shiva- thần huỷ diệt và tạo tác.
Ngoài ra, còn thờ các vị thần khác như thần Lửa, thần Sấm Sét… và các vị vua chúa có công được xem như thần linh của dân tộc. Còn Linga và Yoni thì không ai gọi là thần cả, vì nó chỉ là biểu tượng của sinh thực khí. Linga là một trụ đá tròn dựng trên một cái đế vuông gọi là Yoni, dùng hứng nước phép khi hành lễ, là biểu tượng cho sức mạnh và sự sinh tồn của loài người.
Nó là sự tượng trưng phối hợp giữa người giống đực (Linga) với giống cái (Yoni)- biểu tượng về sự thống nhất giữa âm và dương, là nguyên lý của sự sinh tồn và phát triển. Sự lưỡng hợp này thể hiện một cách sâu đậm như là một truyền thống trong sinh hoạt tinh thần cũng như sinh hoạt xã hội của cộng đồng dân cư xa xưa theo Bà La Môn giáo. Linga và Yoni không phải là hai vị thần.
Chủ đề “Chùa Khe Dol”, có nội dung thuyết minh: “ngôi chánh điện được bài trí đơn sơ nhưng không kém phần trang nghiêm và là nơi thờ các vị phật”. Thuyết minh như thế là chưa hiểu gì về văn hoá Phật giáo Nam tông Khmer. Chúng ta biết rằng chùa Khe Dol là ngôi chùa của bà con người Khmer, theo Phật giáo nguyên thuỷ, hoàn toàn khác với các ngôi chùa Việt hoặc chùa của người Hoa. Các ngôi chùa Việt thờ các vị thần phật như Tam Thế Phật, Di Ðà Tam Tôn, Hoa Nghiêm Tam Thánh, Quán Thế Âm bồ tát, Bát Bộ Kim Cương, thập bát La Hán, Tiêu Diện đại sĩ… và các thần linh phi Phật khác.
Trong khi đó, chùa Nam tông Phật giáo Khmer chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca Mâu Ni trong các tư thế khác nhau ở ngôi chánh điện mà thôi. Còn ở bên ngoài và trước cửa thì thờ Chằn (Yeak) tượng trưng cho việc đẩy lùi cái ác, cái xấu ra khỏi chốn Phật đường, thờ rắn thần Nagar như biểu tượng cho nguồn nước trong tư duy nông nghiệp cổ xưa. Nên thuyết minh như trên là hoàn toàn không đúng. Vì “các vị phật” là nhiều vị Phật có tôn danh khác nhau, khác rất xa với “các tượng phật”. Thực tế thì trong ngôi chánh điện của chùa Khmer nói chung và chùa Khe Dol nói riêng chỉ thờ Phật Thích Ca mà thôi.
Chủ đề “Lễ Ramadan của đồng bào Chăm”, có nội dung thuyết minh “nhịn chay là để tu sửa tâm tính, cầu xin mọi người biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống… lễ đón mừng tháng chay Ramadan được tổ chức hằng năm dưới sự tham dự của lãnh đạo các ban, ngành trong tỉnh vừa là hoạt động văn hoá ý nghĩa, vừa thể hiện sự quan tâm sâu sắc…”.
Từ lời thuyết minh này, chúng tôi xin nói rõ mấy ý sau. Thứ nhất nói “nhịn chay” là không đúng với tinh thần của nghi lễ này. Vì trong tháng Ramadan, người Chăm chỉ không ăn, uống, hút thuốc, kể cả nuốt nước miếng vào ban ngày mà thôi, còn ban đêm thì họ vẫn ăn, uống, hút thuốc bình thường. Và người Chăm cũng không cử thịt, cá (nói chung là thức mặn), thì sao gọi là ăn chay cho được. Nói chung, dùng từ “nhịn chay” là không phù hợp với bản chất vấn đề.
Thứ hai, nói là “nhịn chay là để tu sửa tâm tính, cầu xin mọi người biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống” là chưa thấu đạt cái tinh thần cốt lõi của thánh lễ này. Theo Islam thì tháng Ramadan là tháng mà thánh Alah ban thiên kinh Qu’an cho nhân loại, đây là tháng linh thiêng. Người Muslim phải nhịn ăn, uống và cả sinh hoạt tình dục vào ban ngày. Ðó là thời gian để con người suy nghĩ về những người kém may mắn hơn mình trong cuộc sống.
Họ phải trải qua cái đói để có được sự cảm thông cho những người cùng khổ. Ðây là cách họ học được lòng biết ơn và đánh giá cao những gì họ có. Bên cạnh đó, nhịn ăn là một trong những cơ hội để tiết kiệm vật chất, tiền của. Số vật chất, tiền của đó sẽ được cộng đồng quyên góp để giúp đỡ những người nghèo khổ, đau ốm bệnh tật.
Trong thời gian nhịn ăn uống, người Muslim phải chuyên tâm nghiền ngẫm thiên kinh, lìa bỏ dục vọng để suy xét lại trong thời gian qua mình đã làm việc gì sai, nói lời gì bậy, suy nghĩ điều gì xấu… để mà điều chỉnh lại chính mình và sẽ đi xin lỗi mong sự tha thứ từ người khác vào dịp kết thúc tháng Ramadan. Chứ trong tháng này không ai cầu xin ai gì cả.
Thứ ba, nói “lễ đón mừng tháng chay Ramadan” là một cách diễn đạt không chính xác. Vì “đón mừng” phải là ngày cái gì đó mới bắt đầu, tức là ngày 1.9 Hồi lịch, còn ngày lễ Roya thì lại diễn ra vào ngày 1.10 Hồi lịch, tức là đã kết thúc tháng Ramadan.
Vậy thì sao gọi là “lễ đón mừng tháng chay Ramadan” cho được! Thực ra, ngày mà các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đến chúc mừng bà con người Chăm ở các thánh đường chính là ngày lễ kết thúc tháng Ramadan. Chúc mừng ở đây là chúc mừng sự chiến thắng bản thân, chiến thắng mọi dục vọng xấu ác, để mọi người sống tốt đời đẹp đạo hơn.
Và trong ngày này, bà con Chăm còn long trọng tổ chức tết Roya, chia vật phẩm cho mọi người- nhất là người nghèo. Họ đến thăm nhau, xin lỗi lẫn nhau và xoá bỏ mọi chuyện không hay trong năm cũ, bên cạnh đó, mọi gia đình còn đi tảo mộ ông bà như tỏ lòng biết ơn tổ tiên.
Nói tóm lại, tài liệu hỗ trợ cho công tác dạy và học trong nhà trường là rất quý, vì nó giúp cho giáo viên và học sinh tiếp xúc với những hình ảnh mới, kiến thức mới. Nhưng nó phải thật chính xác từng câu chữ chứ không mơ hồ được.
Dựa vào tài liệu sai thì giáo viên tất sẽ giảng sai, mà thầy cô giảng sai thì sao học trò có kiến thức đúng được, nhất là khi các thầy cô và các em học sinh còn thiếu tài liệu nghiên cứu, hoặc là chưa có điều kiện tìm hiểu thực tế như hiện nay. Vấn đề chúng tôi quan tâm chính là chỗ đó vậy.
ÐÀO THÁI SƠN