Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ:
Nhiều điểm mới đáng chú ý
Thứ tư: 15:38 ngày 10/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố, cùng với thực tiễn công tác quản lý, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 12/NQ-CP năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008 với mục tiêu giải quyết những bất cập trong luật.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh: Phạm Công - Tấn Lực

Dự thảo Luật được sửa đổi trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Trong đó, bao gồm 6 nội dung về quy tắc giao thông đường bộ; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ.

Bà Nguyễn Thị Kim Hương- Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp cho biết, tầm nhìn trong sửa Luật lần này là 15 - 20 năm, các loại hình phương tiện thay đổi, dự báo cho phát triển các loại xe công nghệ hiện đại trong tương lai. Bên cạnh đó, các loại hình đường giao thông nông thôn sẽ được đưa vào quản lý. Dự thảo Luật mới đã nâng lên 150 điều thay vì 98 điều như trước đây.

Dự thảo Luật lần này, quy định chặt chẽ việc cấm sử dụng điện thoại khi lái xe. Theo quy định tại Điều 30, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người điều khiển xe mô tô 2 bánh, 3 bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động, nhưng không quy định đối với người điều khiển xe ô tô… Tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ, việc dùng tay sử dụng điện thoại di động khi điều khiển tất cả các phương tiện tham gia giao thông là một trong những hành vi bị cấm (khoản 26, Điều 9).

Dự thảo Luật còn quy định việc người điều khiển và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây an toàn tại những chỗ có trang bị dây an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ, thay vì chỉ yêu cầu người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước như quy định tại khoản 2, Điều 9 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Luật còn đề xuất phân biệt rõ việc dừng xe, đỗ xe và gia hạn thời gian dừng xe. Theo đó, bổ sung quy định thời gian dừng xe không quá 5 phút và người điều khiển phương tiện không rời vị trí điều khiển, trừ trường hợp xuống để đóng mở cửa xe, xếp dỡ hàng hoá, kiểm tra kỹ thuật xe.

Trong lần sửa đổi Luật này đã bổ sung quy định mới về việc nhường đường khi tham gia giao thông. Người điều khiển phương tiện cơ giới phải giảm tốc độ và khi cần thiết phải dừng hẳn lại để nhường đường cho xe buýt, xe đưa đón học sinh thực hiện việc di chuyển ra, vào điểm dừng đón, trả khách trên đường.

Trong bất cứ trường hợp nào, người điều khiển xe buýt, xe đưa đón học sinh phải luôn bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông khác. Khi điều khiển phương tiện từ cổng cơ quan, tổ chức, nhà dân di chuyển ra đường, người điều khiển phương tiện phải chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ và các phương tiện khác đi trên đường (bao gồm phương tiện được phép đi trên vỉa hè).

Đại diện Sở Tư pháp cũng cho biết thêm về một số điểm đáng chú ý của dự thảo Luật Giao thông đường bộ- nhất là vấn đề thêm giấy phép lái xe hạng A0. Theo quy định hiện hành, có tất cả 12 hạng giấy phép lái xe: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE. Còn trong dự thảo Luật, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chia giấy phép lái xe thành 17 hạng khác nhau gồm A0, A1, A, B1, B2, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE. Đáng chú ý, lần đầu tiên có giấy phép lái xe hạng A0 được cấp cho người lái xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4kW.

Ngoài ra, Luật cũng bổ sung các loại giấy tờ người lái xe phải mang theo. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo giấy phép lái xe phù hợp với loại xe (Điều 58, Luật Giao thông đường bộ năm 2008).

Còn theo dự thảo, người lái xe phải mang theo bản chính giấy phép lái xe khi điều khiển phương tiện gồm: giấy đăng ký xe hoặc giấy xác nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực đối với trường hợp giấy đăng ký xe đang do tổ chức tín dụng giữ kèm theo bản sao chứng thực giấy đăng ký xe; giấy phép lái xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải đối với người lái xe ô tô kinh doanh vận tải.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ lần 1 đang được đăng tải lấy ý kiến công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông Vận tải đến hết ngày 21.6.2020. Nếu được thông qua, dự thảo Luật sửa đổi lần này sẽ thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

PHƯƠNG THẢO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục