BAOTAYNINH.VN trên Google News

5 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư:

Nhiều điểm sáng trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ của doanh nghiệp ở Tây Ninh

Cập nhật ngày: 08/07/2014 - 06:49

Sơ kết sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 5/6/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng cho thấy, việc xây dựng quan hệ lao động trong doanh nghiệp đã từng bước hoàn thiện, tiến tới hài hòa, ổn định, tiến bộ. Đây là chủ trương lớn của Đảng và là định hướng chiến lược phát triển lao động ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Thực chất của việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ là việc giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa quản lý, sử dụng lao động; quan hệ lợi ích giữa các bên hài hoà, tin cậy, thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, trong đó, tổ chức Công đoàn giữ vai trò quan trọng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ tặng quà cho CNLĐ có cảnh đặc biệt khó khăn nhân Tháng công nhân năm 2014.

Theo số liệu thống kê, Tây Ninh hiện có hơn 3.384 doanh nghiệp (trên 85% doanh nghiệp vừa và nhỏ), 94 hợp tác xã, 34 làng nghề đã tạo ra cầu lao động phong phú, việc làm đa dạng, linh hoạt đáp ứng cơ bản nhu cầu việc làm của người lao động trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, các khu, cụm công nghiệp tập trung như Trảng Bàng, Phước Đông - Bời Lời, Thanh Điền… đã thu hút nhiều nhà đầu tư cũng như lao động. Trình độ lao động ngày càng được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề đạt 51% tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế (lao động qua dạy nghề đạt 39,17%, lao động phổ thông 34,54%).

Tích cực phát huy vai trò của Công đoàn trong xây dựng quan hệ lao động

Để đảm bảo quyền của người lao động và thực hiện chủ trương xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Chương trình phát triển đoàn viên, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm để thành lập công đoàn cơ sở trong các khu, cụm công nghiệp và trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công đoàn cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp được thành lập tập hợp được quần chúng, công nhân lao động trong doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI bước đầu thực hiện bảo vệ được quyền và lợi ích cho người lao động theo quy định của pháp luật. Qua 5 năm thực hiện, bình quân mỗi năm kết nạp 5.500 đoàn viên.

Công nhân tiêu biểu tham gia toạ đàm, giao lưu với đại biểu về kinh nghiệm, sáng kiến trong lao động sản xuất.

Vai trò và hoạt động của cơ sở trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong doanh nghiệp ngày càng phát huy. Để nêu cao vai trò hoạt động của Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND về chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị định 87/2007/NĐ-CP, ngày 28/5/2007 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

Theo đó, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp cùng chính quyền tổ chức Đại hội Công nhân viên chức; Hội nghị cán bộ, công chức; Hội nghị người lao động… Qua đó phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động qua việc thương lượng ký kết Thỏa ước lao động tập thể, xây dựng nội quy, quy chế của đơn vị, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở, bảo đảm tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong doanh nghiệp.

Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư, đối với những doanh nghiệp đã có tổ chức Công đoàn, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở phối hợp cùng người sử dụng lao động tuyên truyền pháp luật có liên quan trực tiếp đến người lao động như: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội …. Ngoài ra còn  tuyên truyền trực tiếp cũng như thông qua hệ thống loa truyền thanh nội bộ về chính sách lao động, Điều lệ Công đoàn Việt Nam đến với người lao động; tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động và làm cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động, góp phần giảm bớt tranh chấp lao động, tạo mối quan hệ hài hoà, ổn định.

Chương trình nhà ở xã hội, công trình phúc lợi cho công nhân lao động thông qua các dự án, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đa dạng hoá các hình thức, biện pháp và chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng, giá cho thuê nhà nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở, nhà cho thuê đối với công nhân lao động, đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp và các địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp.

Thông qua đó, đã có 4 doanh nghiệp FDI, 1 doanh nghiệp dân doanh xây ký túc xá cho công nhân lưu trú với 584 phòng/2.510 công nhân. Đang hoàn chỉnh các bước chuẩn bị đầu tư 2 dự án nhà ở xã hội, bao gồm khu nhà công nhân giai đoạn 1 của Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn VRG tại Khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Phước Đông – Bời Lời (516 căn) và Khu nhà ở công nhân của Công ty Cổ phần dệt Trần Hiệp Thành tại huyện Trảng Bàng (64 căn).

Công ty TNHH Pou Li Việt Nam tặng Mái ấm công đoàn cho công nhân.

Việc triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp đã làm cho người lao động hiểu biết hơn những quy định của pháp luật lao động về tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, tranh chấp lao động,… Từ đó, ngoài việc hạn chế được tranh chấp lao động, khi có xảy ra tranh chấp người lao động cũng thực hiện trong trật tự, ôn hoà hơn trước.

Thống kê, nếu năm 2008 xảy ra 67 vụ tranh chấp lao động và đình công tại 38 công ty với 40.037 lao động tham gia; năm 2010 xảy ra 37 vụ tại 30 công ty với 21.592 lao động tham gia thì năm 2012 chỉ xảy ra 18 vụ tại 13 công ty với 15.988 lao động tham gia.

Khi xảy ra tranh chấp lao động, Công đoàn phối hợp cùng các ngành có liên quan và Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh kịp thời cử cán bộ nắm tình hình về những yêu cầu của công nhân, đồng thời làm việc với chủ doanh nghiệp về ý kiến phản ánh của người lao động. Những hành vi của một số công nhân quá khích gây rối làm mất an ninh, trật tự được kịp thời xử lý, đa số các cuộc đình công đều hòa giải thành, tạo sự đồng thuận cao.

Thực tế 5 năm qua cho thấy, với chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định, việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa to lớn, đã đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, góp phần phát triển doanh nghiệp, đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động, ổn định xã hội, phát triển tỉnh nhà.

Trần Thành