Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều diện tích lúa vụ Hè Thu bị rầy cánh trắng tấn công 

Cập nhật ngày: 19/07/2022 - 10:07

BTNO - Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đang tích cực chăm sóc lúa vụ Hè Thu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây lúa, nhiều diện tích lúa đang bị một số sâu bệnh phát sinh gây hại.

Nhiều diện tích lúa đang bị vàng lá do rầu cánh trắng tấn công.

Ông Phạm Văn Chinh- nông dân ở ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận cho biết, từ khi phát hiện ruộng có rầy, ông phải phun xịt liên tục 3 lần thuốc đặc trị (tiền thuốc hơn 3 triệu đồng cho hơn 1 ha lúa). Cũng theo ông Chinh, vào thời điểm bùng phát rầy cánh trắng, nhiều diện tích lúa xung quanh cũng bị nhiễm rầy với mật số cao, lúa ngả vàng như chín, một số hộ phun xịt nhưng bệnh không giảm vì phun không đồng loạt, khi thuốc hết tác dụng thì rầy quay trở lại tấn công lúa.

Ông Đặng Thanh Phong- cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Bến Cầu cho biết: “Tổng diện tích lúa vụ Hè Thu trên địa bàn huyện hiện có khoảng 10.516,6 ha, đang trong giai đoạn phát triển từ đẻ nhánh đến trổ bông. Trong đó, có 2.300 ha bị rầy cánh trắng tấn công và gây hại với nhiều mức độ khác nhau, một số diện tích ghi nhận số lượng rầy mật độ cao, lên đến 4.000 con/m2".

Theo ông Phong, ngay sau khi xuất hiện bệnh, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, nắm bắt mức độ gây hại, xác định rõ mật độ của rầy để hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời.

Rầy cánh trắng hại lúa.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ Hè Thu năm nay, toàn tỉnh gieo trồng 46.640 ha lúa. Trong đó, nhiều diện tích lúa đang bị rầy phấn trắng gây hại trên diện rộng ở các huyện Bến Cầu, Trảng Bàng, Gò Dầu, Châu Thành, Tân Biên, Hoà Thành. Tổng diện tích bị nhiễm rầy ước tính 3.425 ha, mật độ rầy phổ biến 2.000 - 3.000 con/m2.

Rầy phấn trắng gây hại bằng cách chích hút nhựa cây lúa làm cho lá chuyển sang màu vàng, cây phát triển kém, lá mới mọc ra sẽ bị triệu chứng xoắn lại giống như bị “siết cổ lá”, ở giai đoạn lúa làm đòng, lá cờ bị xoắn làm bông trổ không thoát; nếu trổ được hạt lúa sẽ bị lép toàn bộ, làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng lúa.

Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, để hạn chế tác hại của rầy, bà con nông dân phải kiểm tra ruộng lúa thường xuyên, do rầy cánh trắng có vòng đời ngắn, lại sinh sản nhiều (mỗi con cái có thể đẻ hàng trăm trứng) và phát triển rất mạnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng,

Nếu thấy mật số cao và có chiều hướng gia tăng thì phải sử dụng thuốc diệt trừ rầy kịp thời. Về thuốc, bà con có thể phun xịt một trong những loại thuốc như: Fenobucarb (BPMC) (min 96%); Fenobucarb 300g/l + Imidacloprid 50g/l; Fenobucarb 20% + Phenthoate 30%; Fenobucarb 300g/l + Phenthoate 450g/l; Ethiprole (min 94%); Ethiprole 100 g/l + Imidacloprid 100g/l.

Khi xịt, nhớ đưa vòi xịt xuống thấp phía dưới tán lá để thuốc có thể tiếp xúc được với rầy, rầy dễ chết hơn. Chú ý những ruộng bón thừa đạm, lúa tốt bít bùng, những ruộng đang ở giai đoạn đòng - trổ…

Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Bến Cầu hướng dẫn người dân thăm đồng và phòng trừ rầy cánh trắng.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chỉ đạo các trạm tại huyện, thị xã, thành phố bám sát đồng ruộng, theo dõi, cập nhật thường xuyên diễn biến sâu bệnh hại. Đồng thời, tổ chức 30 lớp tập huấn cho nông dân về nhận diện sâu bệnh hại và các biện pháp quản lý trên cây lúa vụ Hè Thu; hướng dẫn trực tiếp trên đồng ruộng đối với các đối tượng sâu bệnh hại cần lưu ý và biện pháp quản lý.

Minh Dương