BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công trình cấp nước sạch nông thôn

Nhiều hiện tượng lãng phí

Cập nhật ngày: 29/05/2015 - 06:30

Công trình cấp nước ấp Hiệp Phước.

Toàn tỉnh Tây Ninh hiện có 80 công trình cấp nước tập trung dành cho người dân nông thôn. Trong đó, có 4 công trình do cấp xã quản lý, 76 công trình do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường (gọi tắt là Trung tâm Nước sạch) tỉnh quản lý. 76 công trình do cơ quan cấp tỉnh quản lý có tổng công suất thiết kế 8.253m3/ngày đêm, cung cấp cho 21.965 hộ dân có nước sinh hoạt.

Thực tế, đến thời điểm tháng 4.2015, công suất thực tế chỉ đạt 5.945m3/ngày đêm (bằng 72% công suất thiết kế) với hơn 13.344 hộ người sử dụng (bằng 60%). Như vậy, có gần 40% số hộ không được sử dụng nguồn nước từ các công trình này. 

Dân “chê” nước trạm

Thực tế cho thấy, trong tỉnh ta có những công trình cấp nước trước khi xây dựng chủ đầu tư chưa khảo sát kỹ nhu cầu thực tế của người dân.

Điển hình như trạm cấp nước sạch ấp Hiệp Bình, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành. Công trình này được khởi công xây dựng năm 2000, sau đó một năm là đưa vào sử dụng, với công suất thiết kế 120m3/ngày đêm phục vụ cho gần 2.000 người sử dụng.

Tuy nhiên, công suất khai thác thực tế chỉ có 17m3/ngày đêm cho khoảng 250 người sử dụng. Nhiều hộ dân khu vực quanh đó than phiền về nguồn nước của trạm: nước rất đục, ố vàng, nhiều hôm có lẫn rêu và cát. Do vậy, nhiều hộ dân trong ấp chỉ sử dụng nước của trạm  để rửa rau, tắm giặt… còn để ăn, uống thì phải mua nước bình.

Bà Võ Kim Trinh- trưởng ấp cho biết, tình trạng này đã tồn tại cả chục năm nay, qua các cuộc tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp với cử tri, người dân đã có ý kiến phản ánh với ngành chức năng và chính quyền địa phương xung quanh vấn đề chất lượng nguồn nước như nói trên.

Đơn vị quản lý cũng có cho người đến trạm sửa chữa nhưng tình trạng không được cải thiện mấy, nước vẫn đục và vàng. Do đó, số người sử dụng nước của trạm cấp nước ấp Hiệp Bình ngày một ít đi. Anh Lê Thanh Sang- người quản lý công trình cấp nước này cho biết, đến nay chỉ có 55 hộ sử dụng với khoảng 150 nhân khẩu.

Do người sử dụng ít nên tiền nước thu được cũng rất thấp, chỉ khoảng 1,4 đến 1,8 triệu đồng/tháng. Trong khi đó riêng tiền điện bơm nước cũng mất hơn 1 triệu đồng và tiền công trả cho người quản lý hơn 1,1 triệu đồng/tháng. Như vậy, tính ra thu không đủ bù chi.

Phèn bám thành lớp dày ở bể lọc.

Trên địa bàn xã Hoà Thạnh, trạm cấp nước sạch ấp Hiệp Phước cũng là một công trình kém hiệu quả. Từ năm 2006, ấp này đã được ưu tiên về nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch. Một năm sau đó, công trình được đưa vào sử dụng với công suất thiết kế 150m3/ngày đêm, phục vụ cho gần 1.200 người dân.

Tuy nhiên, sau một thời gian khai thác, công trình đã xuống cấp, ít người sử dụng. Công suất khai thác thực tế chỉ còn 13m3/ngày đêm (chỉ đạt gần 9% công suất thiết kế), với gần 200 người sử dụng. Qua quan sát có thể thấy, xung quanh trạm cấp nước sạch ấp Hiệp Phước có nhiều hố nước, đầy phân trâu, bò.

Một người dân ở gần đó kể rằng, mặc dù rất ít người dùng nhưng nhiều khi nước cũng không có đủ để cung cấp, do người quản lý không đến bơm nước. Ông Quách Văn Tiên- Phó Chủ tịch HĐND xã Hoà Thạnh xác nhận tình trạng nguồn nước vàng, đục đã diễn ra ở trạm cấp nước này từ 10 năm qua, tuy đơn vị chức năng cũng có tiến hành sửa chữa nhưng chưa thấy có sự chuyển biến rõ rệt.

Nằm giáp bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, địa hình thấp, chủ yếu là đất lúa, ba xã cánh Tây của huyện Trảng Bàng bao gồm Phước Lưu, Phước Chỉ và Bình Thạnh là nơi có nguồn nước ngầm nhiễm phèn nặng.

Tại 3 xã này có đến 14 công trình cấp nước tập trung được đầu tư xây dựng để xử lý nước nhiễm phèn cho người dân sử dụng. Trong đó, riêng ở xã Phước Chỉ có 9 công trình.

Nhiều công trình cấp nước tại 3 xã trên hoạt động kém hiệu quả, chẳng hạn như công trình ở ấp Phước Mỹ và Phước Long (xã Phước Chỉ), Bình Hoà 1 (xã Bình Thạnh).

Công trình cấp nước  ấp Phước Mỹ được xây dựng năm 2012 và đưa vào sử dụng năm 2013 với kinh phí 616 triệu đồng, công suất thiết kế 150m3/ngày đêm cho 1.000 người sử dụng, nhưng công suất thực tế chỉ đạt 12m3/ngày đêm cho 90 người sử dụng.

Còn công trình ở ấp Phước Long- xây dựng năm 2003, công suất 50m3/ngày đêm cho 60 hộ, vậy mà nay không có hộ nào sử dụng. Công trình ở ấp Bình Hoà 1 thì công suất thiết kế là 150m3/ngày đêm nhưng thực tế chỉ đạt 56m3/ngày đêm.

Khổ sở vì thiếu nguồn nước sạch, người dân 3 xã cánh Tây đã từng phản ánh về tình trạng này. Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Thật lãng phí khi hàng chục tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã phải đổ ra để xây dựng các công trình cấp nước, nhưng nhiều người dân vẫn phải “đứng bên lề”, không được thụ hưởng lợi ích do chương trình mang lại.

Đó chỉ là một số trong rất nhiều công trình cấp nước sạch đã và đang hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả. Ở các địa phương khác như Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Bến Cầu… cũng xảy ra những trường hợp tương tự

Không thể xem nhẹ khâu quản lý, kiểm tra

Ông Đinh Hùng Danh- Giám đốc Trung tâm Nước sạch cho rằng,  một số công trình cấp nước tập trung hoạt động cầm chừng, hiệu quả chưa cao là do trước đây công tác khảo sát nhu cầu sử dụng nước của người dân chưa sâu sát; việc khảo sát địa điểm đặt công trình chưa hợp lý, từ đó thiết kế xây dựng ở địa điểm chưa phù hợp; nguồn nước phèn nhiều cũng gây khó khăn cho công tác xử lý và cấp nước.

Các công trình cấp nước được tập trung xây dựng trong giai đoạn 2000 – 2007. Nhìn lại “lịch sử” của nó, các công trình này có nhiều đơn vị quản lý; từ năm 1997 - 2007 do Chi cục Thuỷ lợi (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khảo sát, xây dựng, sau khi xây dựng xong giao cho UBND cấp huyện quản lý; huyện giao lại cho cấp xã. Do vậy, công tác duy tu bảo dưỡng công trình cấp nước tập trung chưa được quan tâm nhiều.

Riêng cấp xã thì gặp hạn chế về chuyên môn kỹ thuật cũng như kinh phí trong công tác duy tu, bảo dưỡng. Từ 2007 đến 2011, công trình cấp nước tập trung do UBND huyện làm chủ đầu tư và cấp xã được giao quản lý, vận hành. Năm 2011, Trung tâm Nước sạch của tỉnh được thành lập, các công trình được từng bước chuyển giao cho Trung tâm quản lý, duy tu và bảo dưỡng.

Cũng theo ông Danh, các công trình cấp nước hiệu quả chưa cao còn do nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng hạn chế, số hộ dân sử dụng nước chưa nhiều, do đó tiền thu được hằng năm cũng thấp, không đủ để duy tu, sửa chữa.

Một hộ dân nhà bên cạnh công trình cấp nước ấp Hiệp Bình phải sử dụng nước đục.

Việc vệ sinh bể nước, quản lý hệ thống lọc nước, súc rửa cát đá, đường ống dẫn nước Trung tâm Nước sạch giao cho nhân viên (hợp đồng) thực hiện thường xuyên, định kỳ tuỳ vào công suất bể, lượng phèn…

Trước phản ánh của người dân về người quản lý công trình cấp nước ít làm vệ sinh bể lọc, hệ thống lọc, bể chứa và bơm nước chưa thường xuyên, vị đại diện Trung tâm Nước sạch cho biết, sẽ cho người kiểm tra lại và sẽ xử lý nghiêm nếu sự việc đúng như phản ánh.

Đối với việc vệ sinh đường ống dẫn nước, đơn vị vẫn chỉ đạo cho nhân viên định kỳ đóng van nén xả nước cặn, phèn ra ngoài… nhưng các đường ống được chôn dưới đất và các công trình đều được xây dựng cách nay trên dưới 10 năm, trải qua nhiều biến động do quá trình làm đường, làm nhà; nhiều thiết bị đã lạc hậu, không đồng nhất do nhiều lần vỡ ống phải thay nên việc lau chùi, vệ sinh cho chúng là rất khó khăn, còn muốn thay mới theo định kỳ thì lại đụng vấn đề nan giải- kinh phí!

Giám đốc Trung tâm Nước sạch cho biết thêm, thời gian tới, Trung tâm sẽ tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí xây mới một số công trình cấp nước, đồng thời tiến hành sửa chữa nâng cấp và mở rộng một số công trình, trong đó có những công trình liên ấp, liên xã để đáp ứng đúng theo nhu cầu sử dụng của người dân.

Trước mắt, dù nguồn kinh phí còn hạn hẹp, nhưng việc vệ sinh lau rửa bể lọc, ống dẫn và sửa chữa nhỏ vẫn phải được thực hiện thường xuyên. Việc này không mất nhiều chi phí mà chất lượng nguồn nước được cải thiện. Để làm được điều đó, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý, không thể khoán trắng cho người quản lý công trình mà thiếu sự giám sát, kiểm tra.

XUÂN PHƯƠNG