Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhiều khó khăn đối với người hoạt động không chuyên trách
Thứ bảy: 19:22 ngày 06/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Cần xây dựng chính sách để khắc phục những hạn chế về chế độ, phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách, một số chức danh kiêm nhiệm ở cơ sở.

Ngày 5.4, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị “Phản biện xã hội dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh quy định chức danh và mức phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ấp, khu phố; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; việc kiêm nhiệm chức danh và mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ấp, khu phố; mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”.

Lãnh đạo Sở Nội vụ phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp

Tham dự hội nghị có lãnh đạo HĐND, UBMTTQVN tỉnh, Sở Nội vụ (cơ quan soạn thảo chính sách) cùng đại diện sở, ngành liên quan. Đa số ý kiến tán thành xây dựng chính sách mới nhằm cải thiện mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách.

Cần thiết xây dựng chính sách

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho biết, hiện nay chế độ, mức phụ cấp đối với cán bộ chuyên trách ở địa phương chưa thật sự hợp lý. Do đó, cần xây dựng chính sách để khắc phục những hạn chế về chế độ, phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách, một số chức danh kiêm nhiệm ở cơ sở. Để bảo đảm tính khả thi của chính sách và xây dựng một nghị quyết thật chất lượng (trước khi HĐND tỉnh thông qua), UBMTTQ tổ chức hội nghị để lấy ý kiến đóng góp.

Báo cáo đề dẫn, ông Đặng Xuân Lãnh (UBMTTQVN tỉnh) nêu, tiêu đề của dự thảo nghị quyết cần rút gọn cho dễ đọc, dễ hiểu. Đóng góp ý kiến cụ thể, ông Đặng Xuân Lãnh nhìn nhận, chức danh cán bộ tuyên giáo xã nên kiêm nhiệm phụ trách công tác kiểm tra của đảng uỷ xã/phường, như vậy, văn phòng đảng uỷ xã/phường từ bốn chức danh xuống còn ba. Về mức khoán kinh phí hoạt động, ông Đặng Xuân Lãnh đề nghị xem lại, điều chỉnh mức chi cho xã loại 1, loại 2, loại 3, vì trong dự thảo, chênh lệch mức chi cho kinh phí hoạt động giữa các loại xã không đáng kể, trong khi về đơn vị hành chính, quy mô xã loại 1, 2, 3 có sự khác nhau.

Một ý kiến khác đề nghị mức chi đối với UBMTTQVN xã, phường cần cao hơn, vì vai trò chính trị, xã hội của Mặt trận khác với các tổ chức khác. Ý kiến này đề nghị, khi quy định mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở cấp xã cần xem xét hợp lý, vì thực tế, tại địa phương, cấp phó đi (di chuyển) nhiều hơn cấp trưởng, có nghĩa tốn chi phí hơn.

Ông Nguyễn Văn Nhiếm, nguyên Phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh đề nghị ghi rõ, cụ thể chức danh bố trí ở địa phương theo đúng tinh thần Nghị định 33 của Chính phủ. Theo quy định, xã loại 1 được 14 người hoạt động không chuyên trách, xã loại 2 được 12 người, xã loại 3 được 10 người. Ông Nhiếm đánh giá cao sự nhạy bén của Sở Nội vụ khi sớm đề xuất, nghiên cứu, xây dựng chính sách đối với cán bộ không chuyên trách ở cấp xã.

Một ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo gộp một số điều trong dự thảo cho gọn, vì nội dung các điều này gần giống nhau. “Mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách và một số chức danh ở ấp, khu phố hiện nay rất nhỏ, chỉ có tính tượng trưng, vì thế cần sửa đổi, bổ sung cho hợp lý” – ý kiến phát biểu.

Đại diện Tỉnh đoàn Tây Ninh đề nghị làm rõ căn cứ, cơ sở mức chi 350.000 đồng/tháng đối với chi hội trưởng chi hội thuộc cấp ấp, khu phố như trong dự thảo, vì Nghị định 33 của Chính phủ không quy định cụ thể mức chi. Một ý kiến khác nêu, mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách hiện nay khá thấp, ý kiến này bày tỏ quan điểm không nên phân biệt mức phụ cấp giữa các vị trí, vì mỗi vị trí có chức năng nhiệm vụ riêng.

Một đại biểu lại nêu ý kiến, không thể gộp chức danh cán bộ tuyên giáo cấp xã với chức danh phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra, vì đây là chức danh do đại hội bầu. Muốn “nhất thể hoá” hai chức danh này, cần đặt tên thành “cán bộ phụ trách kiểm tra và tuyên giáo” của Đảng.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Nội vụ tiếp thu ý kiến đóng góp và giải trình căn cứ, cơ sở, cách thức, trình tự xây dựng và thực thi chính sách đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã; mức phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động ở ấp, khu phố. "Chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở đã được tính toán, cân nhắc, không thể nâng lên mức lương tối thiểu"- đại diện Sở Nội vụ giải thích.

Ông Đặng Xuân Lãnh (UBMTTQVN tỉnh) phát biểu ý kiến phản biện

Phụ cấp dành cho từng nhóm đối tượng

Theo dự thảo, mức phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như sau: Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở. Trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trung cấp, cao đẳng, đại học thì được hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng với mức lương bậc 1 của công chức cấp xã có cùng trình độ đào tạo.

Người hoạt động không chuyên trách cấp xã thuộc các chức danh theo quy định được hỗ trợ đặc thù hàng tháng bằng 0,2 lần mức lương cơ sở.

Mức phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố cụ thể như sau: Người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở.

Trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trung cấp, cao đẳng, đại học thì được hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng với mức lương bậc 1 của công chức cấp xã có cùng trình độ đào tạo.

Đối với ấp có từ 350 hộ gia đình trở lên, khu phố có từ 500 hộ gia đình trở lên và ấp, khu phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; ấp thuộc đơn vị hành chính cấp xã ở khu vực biên giới; trường hợp ấp có từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành khu phố do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã thì người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 2 lần mức lương cơ sở (không bao gồm trường hợp có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao đẳng, đại học trở lên).

Đối với mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã (bao gồm Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh) được quy định: xã, phường, thị trấn loại I 2.500.000 đồng/tổ chức/tháng, xã, phường, thị trấn loại II 2.000.000 đồng/tổ chức/tháng; còn mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khu phố gồm: Bí thư, Phó bí thư Đảng uỷ bộ phận; Phó trưởng ấp, khu phố; Phó trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp, khu phố; Phó bí thư chi bộ ấp, khu phố; Trưởng các tổ chức chính trị - xã hội ở ấp, khu phố (gồm Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh) được hưởng mức hỗ trợ hàng tháng bằng 350.000/người/tháng.

Dự thảo cũng quy định trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khu phố kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách khác ở cấp xã, ở ấp, khu phố thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định của chức danh kiêm nhiệm.

Trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khu phố kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khu phố thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức hỗ trợ hàng tháng theo quy định trong nghị quyết.

Chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã gồm: Phụ trách công tác Văn phòng Đảng uỷ, phụ trách công tác Tổ chức Đảng uỷ, phụ trách công tác Tuyên giáo Đảng uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ, Phó Chủ tịch UBMTTQVN, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự, Phó Chủ tịch Hội Nông dân (áp dụng đối với đơn vị hành chính cấp xã có hoạt động nông, lâm và có tổ chức Hội Nông dân) và Phó Bí thư Đoàn Thanh niên.

Chức danh người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố gồm có Bí thư chi bộ, trưởng ấp, khu phố; Trưởng Ban Công tác Mặt trận (số lượng bố trí không quá 3 người).

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục