baotayninh.vn

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều khó khăn khi thực hiện quy định pháp luật về BHXH

Cập nhật ngày: 11/03/2011 - 11:17

Vừa qua, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh tổ chức giám sát Sở LĐ-TB&XH, BHXH tỉnh và BHXH 9 huyện, thị về tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH trên địa bàn tỉnh. Qua làm việc trực tiếp với Sở LĐ-TB&XH, BHXH tỉnh và BHXH các huyện Dương Minh Châu, Hoà Thành và Tân Châu; Đoàn giám sát nhận thấy có khá nhiều khó khăn và bất cập trong quá trình thực hiện các chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội trong thực tiễn. Đáng chú ý là một số vấn đề như:

Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về lao động, BHXH chưa sâu, chưa thường xuyên. Một số đơn vị sử dụng lao động không hợp tác hoặc chưa tạo điều kiện cho ngành chức năng thực hiện công tác tuyên truyền. Việc tuyên truyền chỉ thực hiện đến người sử dụng lao động, chưa trực tiếp tuyên truyền cho người lao động. Vì vậy, đa số người lao động chưa nhận thức đầy đủ các quyền lợi của mình khi tham gia BHXH.

Ngành LĐ-TB&XH và ngành BHXH chưa quản lý được 100% đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định, tỷ lệ thất thu còn cao, số lượng đơn vị nợ BHXH còn khá nhiều, trong đó có nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp; việc khai thác nguồn thu chưa đạt hiệu quả cao.

Đoàn giám sát làm việc tại BHXH huyện Tân Châu

Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị cấp huyện trong xử phạt vi phạm quy định về BHXH chưa chặt chẽ. BHXH huyện, thị chưa mạnh dạn tham mưu, đề nghị UBND huyện, thị có biện pháp xử phạt các đơn vị vi phạm.

BHXH tự nguyện tuy đã được tập trung triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức nhưng do các quyền lợi, chế độ được hưởng của BHXH tự nguyện ít nên khả năng thu hút đối tượng tham gia BHXH tự nguyện không nhiều.

Cơ chế quản lý đối với việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp chưa được các cơ quan có chức năng quản lý phối hợp thực hiện chặt chẽ; việc quản lý đối tượng thất nghiệp còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng số người thực sự thất nghiệp không nhiều nhưng kinh phí của Nhà nước chi trả cho mục chi này khá cao.

Bộ máy và cơ chế làm việc theo nhận định của ngành BHXH hiện nay khá phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ viên chức hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của một số BHXH huyện, thị xã đã xuống cấp hoặc chật hẹp chưa đáp ứng yêu cầu công tác của ngành BHXH.

 Một số quy định trong Luật BHXH và một số văn bản hướng dẫn thi hành chưa phù hợp khi áp dụng vào thực tiễn, cần được nghiên cứu, xem xét và điều chỉnh, cụ thể như sau: Việc giữ lại 2% quỹ ốm đau, thai sản quy định tại Điều 92 Luật BHXH thực hiện tương đối thuận lợi đối với những đơn vị có số lao động nhiều vì số quỹ được giữ lại tương đối lớn; thế nhưng đối với đơn vị có số lao động ít thì số quỹ này không đủ chi, phải đề nghị BHXH bổ sung kinh phí chênh lệch, đồng thời các đơn vị cũng… “ngại” quyết toán với BHXH nên việc thực hiện chế độ này chưa đạt hiệu quả cao. Mặt khác, ở đa số các doanh nghiệp, cán bộ làm công tác giải quyết chế độ cho người lao động thường xuyên thay đổi, người mới không nắm vững chế độ nên việc chi trả thường chậm trễ.

Đối với việc thực hiện Luật BHXH còn có những điểm chưa phù hợp thực tiễn như vấn đề lập biên bản tai nạn giao thông, trong khi người lao động bị tai nạn trên đường đi công tác, đi làm việc vẫn được xem là tai nạn lao động; vấn đề người lao động nghỉ việc vì bị bệnh hiểm nghèo; vấn đề cơ quan BHXH là đơn vị sự nghiệp nhưng vẫn hoạt động với chi phí quản lý như cơ quan hành chính Nhà nước; vấn đề thời hạn quy định nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp quá nhanh đối với người lao động; vấn đề bất hợp lý trong việc chứng nhận thời gian nghỉ ốm.

Kết thúc đợt giám sát, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh đã có kiến nghị chính thức đối với Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương; UBND tỉnh và các đơn vị được giám sát về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế.

Kim Hạnh