Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đồ chơi trẻ em:
Nhiều mặt hàng cấm vẫn được bán
Thứ bảy: 07:07 ngày 28/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực là mặt hàng cấm kinh doanh, vận chuyển. Các ngành chức năng cũng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh, buôn bán, vận chuyển. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người kinh doanh vi phạm.

Phần lớn đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc.

Trong khuôn viên chợ Tây Ninh, nhiều gian hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em, đồ lưu niệm vẫn bày bán các loại đồ chơi trẻ em có tính bạo lực như: súng, kiếm, cung… Phần lớn đều có in chữ Trung Quốc.

Tại một cửa hàng bán đồ chơi trẻ em khác, khi chúng tôi tìm mua đồ chơi được sản xuất trong nước, chị nhân viên thành thật trả lời: “Ở đây toàn đồ Trung Quốc thôi. Đồ chơi như súng, kiếm bán rất chạy vì trẻ em rất thích, đặc biệt là các bé trai”.

Đồ chơi bạo lực thực chất là một dạng vũ khí sát thương, nguy hại cho cả trẻ em lẫn người lớn. Nghị định 59/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, nêu rõ: Đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khoẻ của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội (bao gồm các chương trình trò chơi điện tử) thuộc danh mục hàng hoá bị cấm kinh doanh.

Còn theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, cá nhân, tổ chức sản xuất có thể bị phạt hành chính từ 500.000 đến 1.000.000 đồng; ngoài ra, có thể bị phạt bổ sung. Cá nhân, tổ chức cho trẻ em chơi những loại đồ chơi nguy hiểm có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.

Theo Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành và thực hiện “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em”, kể từ ngày 15.4.2010, tất cả các loại đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước hay nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em.

Khi nghe chúng tôi hỏi về nguy cơ ảnh hưởng xấu đến tâm lý và sức khoẻ trẻ em từ đồ chơi không rõ nguồn gốc, đồ chơi bị cấm, nhiều người bán trả lời: “Trẻ con bây giờ nó xem phim hoạt hình và phim siêu nhân, chơi game nhiều nên chỉ thích các món đồ chơi giống trong phim ảnh, trong game điện tử.

Là người buôn bán, mình cũng theo thị hiếu của các cháu, bán các loại đồ chơi bằng nhựa mô phỏng các thứ vũ khí trong phim, trong games. Dù hàng không rõ xuất xứ mà mẫu mã bắt mắt, giá rẻ, dễ bán thì chúng tôi kinh doanh chứ làm sao biết được chất lượng, ảnh hưởng thế nào”.

Thị trường đồ chơi cho trẻ rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chọn mua cho trẻ thường dựa vào yếu tố màu sắc, kiểu dáng chứ ít chú trọng đến độ an toàn đối với trẻ nhỏ.

Anh Đào Văn Khánh, ngụ phường Ninh Sơn, đang lựa chọn đồ chơi cùng con gái, cho biết anh thường đưa con đi mua những món đồ theo sở thích của trẻ. Anh “bỏ qua” vấn đề xuất xứ cũng như độ an toàn vì cho rằng chơi một, hai ngày chắc “không vấn đề gì”.

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn các mặt hàng đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác hay đồ chơi bạo lực lưu thông trên thị trường. Theo Cục Quản lý thị trường, trong 9 tháng qua, lực lượng Quản lý thị trường đã tổ chức kiểm tra và tịch thu tiêu huỷ 28 món đồ chơi trẻ em thuộc danh mục hàng hoá bị cấm kinh doanh. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít so với lượng đồ chơi trẻ em bị cấm vẫn đang được bán tràn lan trên thị trường.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục