Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhiều ngành đang khát lao động
Thứ sáu: 09:33 ngày 15/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhóm ngành dệt may, da giày, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ thiếu nhân công khi sản xuất phục hồi hoàn toàn.

Đầu tháng 9, Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA) thực hiện một cuộc khảo sát nhằm chuẩn bị phương án nhân lực cho tháng 10 với khoảng 300 doanh nghiệp ngành sản xuất công nghệ phụ trợ và các sản phẩm thiên về kỹ thuật. Theo ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch HUBA, kết quả nhận được chỉ có khoảng 40% người lao động muốn trở lại làm việc sau khi thành phố mở cửa, trong đó có rất nhiều người chỉ có ý định quay lại sau Tết nguyên đán.

Số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM cũng cho biết, khi thành phố nới lỏng các biện pháp giãn cách, đã có hơn nửa triệu lao động bỏ phố về quê, trong đó có khoảng 300.000 công nhân. Trước dịch, TP HCM có gần 4 triệu lao động tại hơn 286.000 doanh nghiệp, trong đó 1,2 triệu công nhân tại các nhà máy, riêng 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và một khu công nghệ cao có hơn 320.000 người.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM Lê Minh Tấn nói rằng, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở thành phố chiếm 98%, nên lượng lao động bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành may mặc, giày da, dịch vụ thương mại, giao thông....

Dệt may phía Nam là ngành đang đối mặt tình trạng thiếu lao động dù suốt thời gian bùng phát dịch, doanh nghiệp đã chủ động chăm lo để giữ chân người lao động. Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch công đoàn Dệt may Việt Nam thông tin, vài năm trở lại đây, lao động có xu hướng dịch chuyển sang các ngành khác khiến các nhà máy luôn thiếu ít nhất 10% so với nhu cầu sản xuất. Sau ngày 30/9, tình trạng thiếu hụt tăng lên 30% do một số công nhân về quê chưa thể quay lại, các trường học đóng cửa, người lao động phải ở nhà trông con, số khác là F0 hoặc bị cách ly phong tỏa.

Mặc dù vậy, bà Thủy vẫn hy vọng từ nay đến giữa năm 2022, việc tuyển dụng của ngành dệt may sẽ thuận lợi do các ngành dịch vụ khác vẫn đang đóng cửa, không bị cạnh tranh lao động.

Ngược lại, khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn, việc thu hút nhân lực của ngành sẽ khó khăn hơn. Bà ví dụ, đầu năm 2020, khi dịch bùng phát ở Khánh Hòa, một nhà máy dệt thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam ở Nha Trang tuyển lao động rất dễ do nhân lực các ngành du lịch, dịch vụ nhà hàng ăn uống dịch chuyển sang. Tuy nhiên, tình hình đảo ngược hoàn toàn khi dịch được kiểm soát, các hoạt động trở lại trạng thái bình thường.

Trong khi đó, có những doanh nghiệp người lao động muốn đi làm mà chưa thể. Trước đợt dịch thứ tư, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) có hơn 56.000 lao động. Sau gần 3 tháng ngưng hoạt động, khi sản xuất trở lại ngày 6/10, họ "mở cửa" từng bước, sản xuất trở lại ở giai đoạn một quy mô 30% với khoảng 13.000 công nhân tiêm đủ hai liều vaccine, xét nghiệm âm tính.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn công ty cho biết, ngoài 16.000 lao động đang ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh chưa thể đến nhà máy do TP HCM và địa phương chưa thống nhất phương án đi lại, số còn lại đều đang ở thành phố, rất mong được đi làm.

Công nhân Pouyuen Việt Nam làm việc ngày 11/6 . Ảnh: Lê Tuyết

Suốt thời gian các chuyền sản xuất "đóng băng", doanh nghiệp vẫn duy trì một phần lương để giữ chân công nhân nhưng điều người lao động cần là sớm quay trở lại làm việc.

"Nếu nhà máy không sớm tăng công suất, công nhân sẽ không đợi được mà tìm hướng khác", ông Nghiệp lo lắng. Trước khi dịch bùng phát, Pouyuen đã có nhu cầu tuyển hơn 3.000 lao động, khi sản xuất phục hồi hoàn toàn tình trạng thiếu nhân công sẽ thêm trầm trọng.

Pouyuen là một trong hơn 2.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giày da, túi xách sử dụng hơn 1,5 triệu lao động. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, trước dịch các nhà máy đã khó tuyển lao động.

Khi Covid-19 bùng phát, các địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách, hơn 90% nhà máy phải dừng hoạt động 3 tháng, công nhân về quê, tìm các công việc khác. Tới nay khi dịch dần được kiểm soát, địa phương dần "mở cửa", doanh nghiệp cũng chỉ được phép sản xuất trở lại với quy mô cầm chừng 20-30% nên nguy cơ mất lao động càng lớn.

"Các doanh nghiệp sẽ thiếu khoảng 30% lao động nếu sản xuất phục hồi 100%", bà Xuân nói và cho rằng càng chậm "mở cửa" tình hình sẽ càng căng thẳng.

Theo chuyên gia, việc thiếu lao động còn xảy ra nhiều ở những doanh nghiệp không coi trọng chính sách giữ chân người lao động trong thời gian dịch.

Sau 3 tháng bó gối ở phòng trọ tại ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn), nữ công nhân Bích Ngọc, 35 tuổi, quay lại nhà máy khi thành phố bắt đầu nới lỏng giãn cách. Doanh nghiệp nơi chị Ngọc làm việc chuyên may ba lô với gần 400 lao động.

Do công ty gần chỗ trọ nên chị cố gắng bám trụ gần 6 năm qua dù lương cơ bản mỗi tháng chỉ ngót 5 triệu đồng. Ngày đầu đi làm, chị biết công ty sẽ không hỗ trợ 50% lương tối thiểu trong thời gian nghỉ dịch như đã công bố trước đó. Thay cho tâm trạng háo hức ngày trở lại, chị lại tính phương án tìm một công việc khác khi tình hình khá hơn.

"Công nhân nghỉ hết một nửa, chuyền trống trơn", chị Ngọc nói. Cùng chuyền với chị Ngọc một số đồng nghiệp cũng không còn muốn gắn bó khi thời gian qua không nhận được sự giúp đỡ nào từ doanh nghiệp.

Chị Ngọc cũng như hàng ngàn công nhân khác đã không nhận được sự chăm sóc khi phải nghỉ việc do dịch, không có sự ràng hợp đồng lao động nếu không hồi hương, họ nói sẽ tìm một công ty khác.

Theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), những nơi sử dụng vài trăm lao động nhưng không ràng buộc bởi hợp đồng lao động, "né" bảo hiểm xã hội sẽ mất lao động nhiều hơn, gặp khó khăn khi quay lại sản xuất. Điều này trái ngược hoàn toàn với các doanh nghiệp FDI, trong khu công nghiệp bởi có có nhiều chính sách giữ chân tốt.

Công nhân Công ty Datalogic ở Khu công nghệ cao khi thực hiện "3 tại chỗ". Ảnh: Chung Đặng

Lãnh đạo HUBA cũng cho rằng nhóm ngành dịch vụ sẽ chịu tổn thất lớn về nhân lực. Dù thành phố mở cửa nhưng các chủ doanh nghiệp chưa có sự cam kết rõ ràng về việc hoạt động trở lại, trong khi các gói hỗ trợ của chính quyền gần như đã xong.

Họ không thể bám trụ lại thành phố, gắn bó với doanh nghiệp khi không nhận được sự hỗ trợ suốt thời gian nghỉ dịch, không có sự chắc chắn về công việc nên phải về quê hoặc dịch chuyển sang các ngành nghề khác.

Anh Trần Sỹ Mạnh có một nhà hàng phục vụ món Thái ở quận 4, một nhà hàng chuyên đồ Âu, quán ăn ở quận 1, sử dụng gần 40 lao động phải đóng cửa hơn 4 tháng qua. Sau khi thành phố công bố dần "mở cửa", anh Mạnh dự định sẽ bán mang về nhưng kế hoạch thất bại bởi 70% nhân viên đã về quê và hầu hết chưa được tiêm vaccine.

"Không chỉ gặp rào cản bởi các quy định đi lại giữa các địa phương, nhiều bạn không muốn về lại thành phố, ít nhất đến hết năm", anh Mạnh nói. Với dự kiến đầu tháng 11 các nhà hàng sẽ tái hoạt động, để hỗ trợ nhân viên, anh sẽ cho ứng tháng lương đầu tiên ngay ngày đầu đi làm, hỗ trợ chỗ ăn ở trong ít nhất một tuần và cam kết có thưởng Tết. Trước các ưu đãi này, anh kỳ vọng 70% nhân viên cũ sẽ quay lại làm việc để giảm bớt thời gian đào tạo.

Tổng cục Thống kê đánh giá thiếu hụt lao động không còn là nguy cơ mà đã tác động trực tiếp, làm chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Theo khảo sát của cơ quan này tại 22.000 doanh nghiệp, gần 18% cho biết thiếu hụt lao động. Tình trạng khan hiếm lao động ghi nhận nhiều nhất ở vùng Đông Nam Bộ với 30,6%.

Một số ngành khát nhân lực, như: sản xuất da và các sản phẩm liên quan gần 52%; sản xuất trang phục 49%; thiết bị điện 44%; dệt 39,5%; điện tử, máy tính, sản phẩm quang học 5,6%.

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường TP HCM, 3 tháng cuối năm, thành phố cần 57.000 lao động tập trung ở một số ngành kinh doanh, thương mại, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dệt may – da dày...

Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm cho rằng khảo sát này dựa trên nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp phục vụ cho các đơn hàng cuối năm và tăng tốc sau thời gian sản xuất cầm chừng vì giãn cách. Hiện một lượng lớn lao động nhập cư rời thành phố cũng đã gây những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất.

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục