BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều nguồn lực chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số 

Cập nhật ngày: 06/03/2024 - 14:40

BTN - Với những chính sách hỗ trợ của tỉnh, thời gian qua, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều khởi sắc, nhiều hộ vươn lên khá, giàu.

Những năm qua, tỉnh Tây Ninh luôn dành nhiều nguồn lực chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt tại vùng biên giới. Trong đó, từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2030”, đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của người dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao, tạo động lực phát triển kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Anh Phạm Minh Thắng- Bí thư Xã đoàn Tân Phú thăm hỏi đồng bào Chăm ở ấp Tân Châu, xã Tân Phú, huyện Tân Châu. (Ảnh: Ngô Tuyết)

Tập trung cho xã vùng biên

Hoà Hiệp là một xã vùng sâu, biên giới thuộc huyện Tân Biên, có đường biên giới giáp với Campuchia dài hơn 24km, có nhiều hộ dân là người dân tộc Khmer sinh sống. Ông Ngô Văn Cấm- Chủ tịch UBND xã cho biết, từ năm 2018, Hoà Hiệp được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, các cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế được đầu tư bài bản, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Mới đây, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, xã Hoà Hiệp là xã vùng I được thụ hưởng Chương trình MTQG “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2030”.

Ở giai đoạn 1 (2022-2025), tỉnh triển khai thực hiện 7/10 dự án thành phần của chương trình, trong đó, xã Hoà Hiệp được triển khai các tiểu dự án, gồm: “Đầu tư nâng cấp trạm cấp nước tập trung tại xã Hoà Hiệp”, “Xây dựng nhà hoả táng cho đồng bào dân tộc Khmer”, “Hỗ trợ trang thiết bị cho Trạm Y tế xã Hoà Hiệp” và Dự án 7 “Chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em”.

Theo bà Nguyễn Thị Thành- Chủ tịch UBND huyện Tân Biên, trên địa bàn huyện có 17 dân tộc anh em, trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 454/1.782 nhân khẩu. Huyện có 3 xã biên giới, với đường biên dài 92,5 km (trong đó có 37,2 km đường sông, suối), giáp với 4 huyện thuộc 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia.

Hiện 100% nhà văn hoá các xã đạt chuẩn, tỷ lệ gia đình văn hoá duy trì trên 80%. Đến nay, huyện có 13 câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ truyền thống, những tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã biên giới từng bước được xoá bỏ; các công trình trường học, cơ sở hạ tầng trường học kiên cố, chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng nâng cao.

Di tích tháp cổ Chót Mạt tại xã Tân Phong được đầu tư hỗ trợ chống xuống cấp, hệ thống đường nông thôn được đầu tư khang trang, thông thoáng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, từ khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung thành cộng đồng đến trung tâm xã, các trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện để nhân dân có nơi hội họp và tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, mang lại diện mạo, sắc thái mới cho khu vực biên giới của huyện.

Già làng Lâm Văn Ron điều tra dân số đồng bào Tà Mun tại phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh (Ảnh: Trúc Sương)

Tỷ lệ giải ngân tốt

Giai đoạn 1 (2022-2025), tỉnh Tây Ninh triển khai thực hiện 7/10 dự án thành phần. Trong đó có 3 dự án không triển khai (Dự án 2 “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Dự án 3 “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị” và Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”) do trên địa bàn tỉnh không có đối tượng thụ hưởng cũng như không có xã, thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực II, khu vực III được phê duyệt theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng nguồn vốn triển khai 42,406 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư công 27,362 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 15,044 tỷ đồng. Kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 là 18,442 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, đã giải ngân 10,693 tỷ đồng, đạt 57,98% kế hoạch.

Theo đó, các dự án sử dụng vốn đầu tư của các đơn vị, địa phương bảo đảm tỷ lệ giải ngân tốt. Cụ thể, các dự án “Nâng cấp trạm cấp nước tập trung tại xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên”, “Xây dựng nhà hoả táng cho đồng bào dân tộc Khmer tại xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên”, nhất là dự án “Nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất công trình phụ trợ khác (sân chơi, bãi tập…) cho Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh” đạt tỷ lệ 100% từ tháng 6.2023, mặc dù vẫn còn một số dự án giải ngân còn chậm, nhất là các dự án sử dụng vốn sự nghiệp của các đơn vị, địa phương, có tỷ lệ giải ngân dưới 80%.

Năm 2022 là năm đầu tiên tỉnh Tây Ninh được Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để triển khai, tháng 8.2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 65/NQ-HĐND và Nghị quyết 66/NQ-HĐND phân bổ và giao kế hoạch vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện.

Theo Nghị quyết số 34/2022/NQ-HĐND ngày 9.12.2022 của HĐND tỉnh quy định cơ chế huy động nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh để tạo cơ sở pháp lý thực hiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ động lập kế hoạch cụ thể cho từng năm và giai đoạn, đưa ra các giải pháp thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, chính sách được hỗ trợ đầu tư trên cùng địa bàn để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn, bảo đảm đúng quy định và mục tiêu các chương trình.

Đánh giá sau 2 năm thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong cho biết, nhờ sự tham gia tích cực của người dân, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị chung tay xây dựng, các chương trình MTQG đã đạt được kết quả thiết thực, có ý nghĩa chính trị, xã hội, góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo vùng nông thôn, đời sống người dân được cải thiện, nâng cao- đặc biệt là đồng bào DTTS; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS và nông thôn được giữ vững, ổn định.

Từ năm 2023, Tây Ninh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào DTTS, như đầu tư nâng cấp trường học, chương trình hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và các chương trình bảo tồn văn hoá của đồng bào DTTS...

Ban Chỉ đạo các cấp đã phát huy hiệu quả hoạt động trong hoạt động, quản lý điều hành, điều phối, bảo đảm Chương trình được triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra. Các địa phương, đơn vị thực hiện dự án cơ bản nắm được nội dung, phạm vi, đối tượng của từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình nên có sự chủ động trong việc triển khai thực hiện các nội dung được giao làm chủ đầu tư. Dự kiến đến cuối năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra.

Trẻ em dân tộc Khmer vui chơi tại công trình thể dục, thể thao do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tặng tỉnh Tây Ninh (Ảnh: Tâm Giang)

Giảm số hộ nghèo, cải thiện đời sống, nâng cao sinh kế người DTTS

Toàn tỉnh có 21 dân tộc thiểu số với hơn 5.551 hộ/20.415 người, chiếm 1,73% dân số toàn tỉnh. Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 0,78% dân số toàn tỉnh, dân tộc Chăm 0,38%, Hoa 0,26%, người Tà Mun 0,15% và các DTTS khác chiếm khoảng 0,16%.

Mỗi dân tộc đều có truyền thống văn hoá riêng, tạo nên bản sắc đặc trưng của từng dân tộc. Các dân tộc sống gắn bó, đoàn kết, không có sự phân biệt đối xử; tuy nhiên, đa số sống ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn. Với những chính sách hỗ trợ của tỉnh, thời gian qua, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều khởi sắc, nhiều hộ vươn lên khá, giàu.

Trong đợt giám sát tại Tây Ninh (tháng 8.2023) về việc triển khai 3 chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đánh giá cao tỉnh Tây Ninh trong quá trình triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG.

Ông nhận định đây là các chương trình có ý nghĩa nhân văn, có tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân, nhất là nhóm đối tượng yếu thế, người nghèo, vùng dân tộc thiểu số. Với khoảng 1,73% dân số là đồng bào DTTS, tỉnh Tây Ninh đã ban hành các văn bản kịp thời, nội dung sát thực tiễn, khả thi, phù hợp với phong tục tập quán và tình hình thực tế, như: đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS, phát triển giáo dục đào tạo, khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ sinh kế, chăm sóc y tế, chăm lo phát triển văn hoá, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của đồng bào DTTS.

Giai đoạn 2021-2030, chương trình đặt ra các mục tiêu cụ thể đối với vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống như: giảm còn dưới 10 hộ nghèo; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; năng suất lao động xã hội tăng bình quân 6,5%/năm; 50% người DTTS (ít nhất 50% lao động nữ) trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề, có thu nhập ổn định; trên 95% cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS có trình độ chuyên môn; trên 90% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng kiến thức về công tác dân tộc; 100% số xã, ấp vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân; cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Tâm Giang