Ông Vũ Đức Hùng- Quyền Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà cho biết, hiện Công ty đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ hồ Dầu Tiếng trước sự xâm hại, tác động tiêu cực của con người.
Miệng cống xả tràn ở đập chính |
Ông Vũ Đức Hùng- Quyền Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà cho biết, hiện Công ty đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ hồ Dầu Tiếng trước sự xâm hại, tác động tiêu cực của con người. Theo ông Hùng, hồ Dầu Tiếng đang đứng trước nhiều nguy cơ làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, đến sự an toàn của hồ như: tình trạng đánh bắt cá trái phép; nạn khai thác cát lậu; việc xả nước thải chưa qua xử lý theo tiêu chuẩn quy định từ các nhà máy chế biến cao su và bột mì, từ các trang trại chăn nuôi xuống hồ gây ô nhiễm nguồn nước…
Trong thời gian qua, tình trạng khai thác cát lậu diễn ra gần như “công khai” nhưng Công ty không đủ thẩm quyền xử lý. Trong khi đó, lực lượng chức năng cũng rất khó giữ người và phương tiện vi phạm, do địa bàn rộng và do có sự phân giới địa phận trong hồ giữa Tây Ninh và Bình Dương. Ông Hùng lo ngại, nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nạn khai thác cát lậu bừa bãi như hiện nay, hậu quả gây ra cho công trình thuỷ lợi Hồ Dầu Tiếng sẽ khó lường.
Một thực trạng đáng báo động là khi mực nước hồ lên đến cao trình trên 22m, hàng trăm tàu thuyền đánh cá của ngư dân thường tấp vào neo đậu dọc theo tuyến đập phụ hồ Dầu Tiếng (địa phận huyện Dương Minh Châu). Để neo đậu được tàu, thuyền, ngư dân đã dùng cọc sắt cắm vào chân phủ thượng lưu đập phụ, làm thủng màng chống thấm và làm dịch chuyển phần đá lát bảo vệ mái thượng lưu (màng chống thấm chỉ nằm cách mặt đất 0,5m). Trong khi đó, trên địa phận tỉnh Bình Dương, gần đây xuất hiện một số trang trại tự ý… đắp đập trong lòng hồ để nuôi cá và đã có hàng chục hộ dân đang nuôi trên 60 lồng cá. Cũng theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà, có không ít diện tích đất công ở khu vực hồ Dầu Tiếng đã bị bao chiếm, sử dụng trái phép. Nếu không sớm xử lý dứt điểm tình trạng này sẽ nảy sinh nhiều rắc rối, phức tạp về sau.
Theo ông Hùng, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà không đủ thẩm quyền, điều kiện, cơ sở, lực lượng để xử lý những hành vi xâm hại các công trình thuộc hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng. Do đó, Công ty đề nghị Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với công an hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để Công an Hồ nước có đủ thẩm quyền, trách nhiệm bảo vệ, quản lý, xử lý vi phạm trong toàn bộ khu vực lòng hồ. Hiện tại, Công an Hồ nước (thuộc Công an huyện Dương Minh Châu) chỉ có thể xử lý các vụ vi phạm xảy ra trên địa phận huyện Dương Minh Châu… Điều này gây khó khăn, trở ngại cho việc xử lý vi phạm, bảo vệ hồ. Ông Hùng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Tây Ninh cho xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tập trung cho ngư dân; đề nghị ngành chức năng huyện Dương Minh Châu và tỉnh Tây Ninh xử lý, ngăn chặn các cơ sở xả nước thải ô nhiễm xuống hồ; tích cực xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trong hồ.
Tàu, thuyền neo đậu xô bồ làm hư đập phụ |
Một khó khăn khác trong quản lý, bảo vệ hồ Dầu Tiếng hiện nay là cơ sở vật chất, hạ tầng khu vực đầu mối dù đã được nâng cấp sửa chữa trong thời gian qua nhưng chưa đồng bộ. Hiện thiết bị thả phay tràn xả lũ được lắp đặt từ khi xây dựng (đã 25 năm) rất khó vận hành, không đảm bảo hiệu quả trong trường hợp khẩn cấp. Đồng thời, tường ngực tràn xả lũ đã bị thấm nhiều. Cửa van cung các cống lấy nước số 1, số 2 hiện không điều tiết được do xi-lanh thuỷ lực bị hỏng. Do đó, bộ phận kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà phải dùng cửa van phẳng để điều tiết. Tuy nhiên, hiện tại máy đóng mở cửa van phẳng luôn bị hư hỏng trong quá trình vận hành. Tại khu vực sân phản áp dọc theo đập phụ có rất nhiều trâu, bò thả rông gây nguy cơ làm hư hỏng các công trình thuỷ lợi, rất cần được xây hàng rào bảo vệ.
BẢO TÂM