Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đoàn giám sát của Quốc hội khoá XV:
Nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG
Thứ sáu: 16:30 ngày 21/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Luỹ kế từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM (giai đoạn 2011 - 2025) đến nay, toàn tỉnh có 71/71 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 20 xã biên giới, đạt 100%); 37/71 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (10 xã biên giới).

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 diễn ra vào sáng 20.7, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm- Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, trưởng đoàn giám sát đề nghị địa phương cần làm rõ về tính đầy đủ, rõ ràng, các vướng mắc trong văn bản quản lý, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh; hiệu quả của việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đến các chương trình MTQG; đánh giá về Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 24.6.2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/NĐ-CP; các tồn tại, bất cập, vướng mắc trong thực hiện cơ chế lồng ghép 3 chương trình; cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc kiến nghị đoàn giám sát Quốc hội khoá XV cần có những đề xuất trong việc thực hiện các chương trình MTQG mang tính bền vững, hiệu quả

Tiếp và làm việc với đoàn có ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành.

Đời sống người dân khu vực nông thôn được nâng cao

Báo cáo về kết quả thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Kiên Cường- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công và sự nghiệp bố trí đến năm 2023 là 2.134,866 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 381,294 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 1.735,289 tỷ đồng.

Các chương trình MTQG đã huy động sự tham gia tích cực của người dân, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị chung tay xây dựng và đạt kết quả thiết thực, góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo vùng nông thôn, đời sống người dân được cải thiện, bước đầu góp phần giảm nghèo bền vững, rút ngắn khoảng cách chênh lệnh giàu nghèo giữa các vùng, địa phương...

Luỹ kế từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM (giai đoạn 2011 - 2025) đến nay, toàn tỉnh có 71/71 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 20 xã biên giới, đạt 100%); 37/71 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (10 xã biên giới).

Phấn đấu có 12/71 xã đạt NTM kiểu mẫu (trong đó có 2 xã biên giới), 6 huyện: Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Gò Dầu, Bến Cầu đạt chuẩn NTM; thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành, Trảng Bàng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (có 100% xã đạt chuẩn). 

Đến nay, UBND các huyện đã triển khai lập đồ án quy hoạch nông thôn cho các xã trên địa bàn tỉnh; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn xã, hạ tầng giao thông kết nối liên xã, với hơn 4.237km đường giao thông được đầu tư. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90%, 100% xã NTM được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế.

So với nhiều tỉnh khác, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 của tỉnh Tây Ninh là khá thấp. Năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 1,09%; nghèo thu nhập là 0,32%. Hiện tại, tỉnh không có huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ. 

Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Tây Ninh đang triển khai thực hiện tại xã Hoà Hiệp (huyện Tân Biên). Hiện nay, xã Hoà Hiệp cũng đã hoàn thành Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Kiên Cường- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả thực hiện các chương trình MTQG tại buổi giám sát của Quốc hội.

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ

Theo ông Nguyễn Kiên Cường, sau 2 năm triển khai thực hiện các chương trình MTQG, địa phương có kiến nghị, đề xuất một số giải pháp tháo gỡ. Ông cho biết, đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) được hỗ trợ phát triển sản xuất trong dự án Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và tiểu dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp… Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với từng nhóm đối tượng.

Do đó, kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH thống nhất với Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn, thống nhất các nội dung được thực hiện đối với tiểu dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn để tỉnh có cơ sở triển khai thực hiện; có hướng dẫn cụ thể đối với nhóm đối tượng là người khuyết tật để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện hỗ trợ theo quy định.

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm- trưởng đoàn giám sát Quốc hội khoá XV đề nghị tỉnh Tây Ninh cần nhân rộng những cách làm hay, tiếp tục triển khai các chương trình nhằm bảo đảm việc thụ hưởng các chính sách xã hội, chính sách dân tộc cho người dân.

“Kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét điều chỉnh một số tiêu chí, chỉ tiêu liên quan đến Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp giai đoạn 2021-2025. Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới triển khai lần đầu, các nội dung nhiều nên còn lúng túng, chưa có kinh nghiệm.

Đề nghị Uỷ ban Dân tộc và các bộ, ngành tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương. Trung ương nghiên cứu, hỗ trợ ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện chương trình theo hướng tích hợp đầy đủ nội dung trọng tâm của các văn bản liên quan, giúp địa phương dễ tra cứu và áp dụng thực hiện…”- ông Cường đề xuất.

Ngoài việc thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách chung trên toàn tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ động lập kế hoạch cụ thể cho từng năm và giai đoạn, đưa ra các giải pháp thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, chính sách được hỗ trợ đầu tư trên cùng địa bàn để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn, bảo đảm đúng quy định và mục tiêu các chương trình. 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức xây dựng, trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 34/2022/NQ-HĐND ngày 9.12.2022, trong đó quy định cơ chế huy động nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh để tạo cơ sở pháp lý thực hiện. 

Toàn cảnh buổi làm việc tại hội trường UBND tỉnh Tây Ninh

“Từ các số liệu cho thấy, số vốn đầu tư của 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh chủ yếu phân bổ cho chương trình xây dựng NTM (chiếm tỷ lệ 98,7% vốn đầu tư công và 46,7% vốn sự nghiệp); đối với 2 chương trình còn lại mức vốn đầu tư tương đối thấp do tỉnh không có đối tượng, địa bàn được ưu tiên đầu tư”- Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết thêm.

Cần nhân rộng cách làm hay

Ông Nguyễn Lâm Thành- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Uỷ viên đoàn giám sát, Tổ trưởng Tổ giúp việc đoàn giám sát, Phó trưởng đoàn nhận định, tỉnh Tây Ninh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG. Minh chứng là kết quả giải ngân vốn chương trình đạt khá cao, trên 90% năm 2022. 

Ông cũng đề nghị, Ban Chỉ đạo chương trình chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan cần báo cáo rõ những vướng mắc trong quá trình thực hiện, trên cơ sở đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, bộ, ngành của Trung ương trong việc tham mưu sửa đổi các văn bản, hướng dẫn. 

“Cần nêu rõ việc thực hiện các nguyên tắc trong các nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình MTQG như: đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng cơ chế đặc thù; tăng cấp phân cấp, phân quyền; xây dựng cơ chế lồng ghép các chương trình…”- ông Nguyễn Lâm Thành  nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Nhận thức của hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG được gói gọn trong 3 từ “cao, trúng và đúng”. Sau thời gian triển khai thực hiện các chương trình MTQG, tỉnh có những giải pháp, kinh nghiệm như: hệ thống chính trị quán triệt, nắm chắc quan điểm, mục tiêu để triển khai thực hiện đồng bộ, thực chất, phù hợp với tình hình, khả năng của địa phương; quá trình thực hiện thể hiện tính chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, lấy mục tiêu đề ra giải pháp cho phù hợp; tận dụng tối đa lợi thế, phát huy tiềm năng của địa phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tỉnh, thành phố trong vùng; để đạt được 3 chương trình mục tiêu quan trọng phải có nguồn lực, tạo việc làm, đa dạng sinh kế cho người dân”.

Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị đoàn giám sát Quốc hội khoá XV cần có những đề xuất trong việc thực hiện các chương trình MTQG mang tính bền vững, hiệu quả. Trong đó, nghiên cứu định hình, định dạng các tiêu chí cứng để xác định công nhận nông thôn mới, còn các tiêu chí mềm là để phấn đấu thực hiện; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ cơ chế phân bổ nguồn lực kinh phí cho địa phương thì phải phân cấp, phân quyền cho địa phương có đủ quyền để điều hành, điều tiết giữa các nguồn trong chương trình, giữa các chương trình với nhau…

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm (bên phải)- trưởng đoàn giám sát Quốc hội khoá XV trao biểu trưng 1 tỷ đồng do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh.

Kết luận buổi làm việc, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm ghi nhận sự nỗ lực của Tây Ninh trong chỉ đạo, triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua. Ông đề nghị, Ban Chỉ đạo của tỉnh tiếp tục có sự chỉ đạo sát sao, cụ thể, rà soát lại nội dung thuộc thẩm quyền trong trách nhiệm, nội dung triển khai chậm thì thúc đẩy, bảo đảm yêu cầu mang tính đồng bộ; chú ý đến các cách làm hay đã triển khai để thực hiện phù hợp; quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát trong triển khai các chương trình; bảo đảm thực hiện các chính sách xã hội, dân tộc; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tỉnh, huyện xã, nhất là đội ngũ được giao thực hiện nhiệm vụ này; hoàn thiện báo cáo dựa trên cơ sở ý kiến của đoàn giám sát, ý kiến trao đổi trong buổi làm việc…

“Tỉnh tiếp tục bảo đảm việc thụ hưởng các chính sách xã hội, chính sách dân tộc cho người dân. Với những kiến nghị, khó khăn của địa phương sẽ được tổ công tác tổng hợp, kiến nghị Trung ương điều chỉnh kịp thời”- Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh.

Dịp này, Đoàn giám sát Quốc hội khoá XV trao biểu trưng 1 tỷ đồng hỗ trợ phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh để thực hiện dự án Thư viện điện tử tại trường học. Số tiền trao tặng do đoàn giám sát Quốc hội vận động Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ.

Tâm Giang - Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục