Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhiều nơi cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp
Thứ bảy: 09:06 ngày 12/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Từ đầu năm học đến nay, một số địa phương đã cấm học sinh dùng điện thoại trong lớp, kể cả giờ ra chơi. Quy định này nhằm giúp các em tập trung học, có thời gian tham gia vào các hoạt động của trường.

Hà Nội cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản về việc quản lý, sử dụng điện thoại trong nhà trường. Theo đó, văn bản nêu, qua theo dõi thực tế, phản ánh của các cơ quan báo chí và dư luận xã hội về việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường còn nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục.

Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng này, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị trưởng phòng GD&ĐT, các hiệu trưởng và cơ sở giáo dục thực quy định sử dụng điện thoại di động mà Bộ GD&ĐT đã ban hành ngày 15/9/2020. Cụ thể, tùy điều kiện thực tế, ban giám hiệu và các giáo viên nhà trường quản lý điện thoại và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (quản lý theo từng lớp học) và gửi lại điện thoại, thiết bị thu, phát sóng cho học sinh sau giờ tan trường, tan lớp.

Trong các tiết học cần đến việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng và được sự đồng ý của giáo viên, học sinh được phép mang điện thoại di động và thiết bị thu, phát sóng vào lớp học để sử dụng.

Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị không được để xảy ra tình trạng học sinh dùng điện thoại trên lớp nhưng không phục vụ học tập và không được giáo viên cho phép. Để thực hiện được quy định này, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, cần gia đình và phụ huynh học sinh đồng hành cùng thầy cô và nhà trường trong việc quản lý, nhắc nhở học sinh sử dụng điện thoại di động và các thiết bị ghi âm, ghi hình khác ở trường học.

Một tiết học của học sinh lớp 9 Trường THCS Chu Văn An Hà Nội.

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, nguyên tắc dạy học là tạo chú ý cho học sinh. Nếu học sinh không tập trung sẽ khó hoàn thành được các mục tiêu, yêu cầu đặt ra; bởi vậy việc đưa ra quy định cấm sử dụng điện thoại trong tiết học là vô cùng cần thiết.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, nhà trường chỉ nên yêu cầu học sinh không sử dụng điện thoại trong giờ học, còn không nên cấm học sinh mang điện thoại đến trường; thậm chí không nên cấm học sinh dùng điện thoại khi ra chơi vì điều đó không gây ảnh hưởng đến tiết học; hơn nữa, việc sử dụng điện thoại để giải trí trong giờ giải lao không phải là việc xấu.

Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, vào đầu giờ sáng, mỗi học sinh sẽ bỏ điện thoại cá nhân vào chiếc hòm quản lý chung của lớp, cán bộ lớp có nhiệm vụ giám sát việc này. Bên cạnh đó còn có thầy cô giám thị thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở học sinh thực hiện nghiêm; tránh trường hợp học sinh quên hoặc cố tình không cất dẫn đến mất tập trung trong giờ học.

Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) cũng không cho phép học sinh sử dụng điện thoại khi đã vào tiết học. Việc quản lý điện thoại được tiến hành bằng cách thức tương tự, đó là lớp chuẩn bị sẵn một chiếc hộp, học sinh trước khi vào lớp sẽ được nhắc nhở để điện thoại ở chế độ yên lặng và lần lượt bỏ điện thoại vào đó, tránh ảnh hưởng đến chất lượng giờ học.

"Việc cấm học sinh không sử dụng điện thoại trong giờ học chủ yếu để rèn nhận thức, ý thức, hướng đến tinh thần tự giác của học sinh. Trường hợp học sinh vi phạm, không nên áp dụng những biện pháp xử lý cứng nhắc mà cần linh hoạt, phối hợp với gia đình trong giáo dục các em", Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo Vũ Đình Hà bày tỏ.

Nhiều trường ở TP. HCM cấm học sinh sử dụng điện thoại

Trường THPT Trường Chinh (Quận 12) không cấm học sinh mang điện thoại, tuy nhiên học sinh không được sử dụng trong khuôn viên giáo dục của trường, kể cả giờ ra chơi.

Theo Hiệu trưởng THPT Trường Chinh, những ngày đầu áp dụng chính sách không nhận được sự đồng thuận từ các em học sinh. Tuy nhiên, phụ huynh học sinh lại vô cùng ủng hộ chủ trương này. "Ban đầu học sinh không đồng tình, phản đối nhưng trong quá trình thực hiện, tự bản thân các em nhận thấy nhiều mặt tích cực. Nhiều bạn đã phản hồi nhờ quy định này nên thay vì giờ ra chơi tụm ba, tụm năm vào điện thoại, các em có thêm thời gian để tương tác, trao đổi với nhau".

Tương tự, tại Trường THPT Thạnh Lộc (Quận 12) đã thực hiện quy định cấm dùng điện thoại di động từ đầu năm học 2024 - 2025. Học sinh không được sử dụng điện thoại di động trong các tiết học chính khóa buổi sáng và buổi chiều, hoặc giờ giải lao. Ngoài giờ học chính khoá, các em có thể sử dụng vào giờ ăn trưa, nghỉ ngơi ở trường.

Đại diện Trường THPT Thạnh Lộc cho biết, trước khi đi đến quyết định này, trường phải họp hội đồng sư phạm, thống nhất ý kiến từ tập thể đội ngũ thầy cô giáo, lấy ý kiến phụ huynh học sinh. Đồng thời trao đổi, nói chuyện, làm tư tưởng với học sinh để các em hiểu rằng vì sao không được dùng điện thoại di động trong suốt thời gian 8 tiết học chính khóa tại trường, kể cả giờ ra chơi. "Sau khi áp dụng quy định được một tuần đã thấy sự thay đổi của học sinh. Giờ ra chơi các em dạo quanh sân trường, tụ lại chơi với nhau, tạo nên sự gắn kết tập thể".

Theo quy định của Trường THCS Nguyễn Thái Bình (Quận 6) học sinh không được phép mang điện thoại vào trường. Do đó, giờ ra chơi không có cảnh học sinh chơi điện thoại, mà các em cùng chơi đá cầu, cờ vua, đọc sách, tham gia hoạt động thể thao. Hiện, trường cũng đã tổ chức thêm nhiều hoạt động để giờ chơi học sinh có thể tham gia, tạo môi trường giao tiếp và gắn kết.

Đại diện nhà trường cho hay, có 3 lý do khiến trường cấm học sinh sử dụng điện thoại. Đó là, muốn các em khi tới trường dành hết thời gian, tâm trí vào việc học và các hoạt động của trường. Giúp phụ huynh hạn chế bớt thời gian con của họ sử dụng điện thoại bởi nhiều gia đình bất lực trong việc kiểm soát việc sử dụng điện thoại của con.

Mặt khác, nhiều em sử dụng điện thoại chủ yếu để lên mạng xã hội. Bên cạnh những yếu tố tích cực, mạng xã hội cũng có những yếu tố tiêu cực. Trong quá trình sử dụng, các em thường hình thành hội nhóm không tránh khỏi những mâu thuẫn. Quy định trên sẽ ngăn ngừa những sự việc không hay xảy ra.

Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định: "Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép".

Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã kêu gọi toàn cầu cấm học sinh dùng điện thoại ở trường nhằm giảm gián đoạn giờ học, nâng cao chất lượng học và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên mạng.

Quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học hiện được nhiều quốc gia triển khai như Anh, Bỉ, Hà Lan, Hy Lạp...

Nguồn suckhoedoisong

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục