BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều quy định mới về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô 

Cập nhật ngày: 18/04/2020 - 16:43

BTN - Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.4.2020.

Có nhiều quy định mới về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong ảnh, phương tiện vận tải hành khách hoạt động trước khi có chỉ thị về cách ly xã hội.

Nghị định10 của Chính phủ có 7 chương, 37 điều. Trong đó, quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và việc cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe tô tô, phù hiệu, biển hiệu; quy định về công bố bến xe. Việc ra đời Nghị định 10 là phù hợp với những quy định mới của pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giải quyết những bất cập mà dư luận đang quan tâm.

Nghị định có một số nội dung quy định xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc”. Theo đó, tại Điều 8, đối với xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch phải có biển hiệu “xe ô tô vận tải khách du lịch” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe, phải được niêm yết các thông tin trên xe; phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “xe du lịch” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe, với kích thước tối thiểu của cụm từ “xe du lịch” là 6-20cm.

Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách du lịch bằng xe ô tô, đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành và lái xe chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe; chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng lữ hành đã ký kết. Các đơn vị không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức.

Trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có điểm đầu và điểm cuối của chuyến đi không nằm trong phạm vi của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị.

Tại Nghị định 10 cũng có quy định rõ về việc lái xe taxi phải in hoá đơn hoặc phiếu thu tiền. Xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, phải có thiết bị in hoá đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe. Đồng hồ tính tiền và thiết bị in phải được gắn cố định tại vị trí hành khách dễ quan sát; lái xe phải in hoá đơn hoặc phiếu tính tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình…

Nghị định mới cũng có nội dung quy định về việc trước ngày 1.7.2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera bảo đảm ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) khi tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.

Trước khi Nghị định mới có hiệu lực, Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Hiệp hội Vận tải ô tô Tây Ninh về việc triển khai thực hiện Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17.1.2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Phương Thảo