Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhiều thành tựu nổi bật trong 10 năm xây dựng nông thôn mới
Thứ ba: 19:38 ngày 08/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 8.10, tại hội trường Sở GD&ĐT, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2020.

Dự hội nghị có các ông Nguyễn Thành Tâm- Chủ tịch HĐND tỉnh, Phạm Văn Tân- Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố, trưởng ban chỉ đạo, ban quản lý xây dựng nông thôn mới của 80 xã trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Qua 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã cho thấy sự quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, Ban chỉ đạo xây dựng NTM các cấp trong chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cơ sở. Nhận thức của hệ thống chính trị, nhân dân đã có những chuyển biến rõ rệt và từng bước được nâng lên. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, nhất là đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới; các hạn chế, thiếu sót qua kiểm tra được kịp thời phát hiện, hướng dẫn hoặc đề xuất xử lý.

10 năm xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã được nhà nước quan tâm đầu tư như hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa,... đã làm thay đổi bộ mặt của nông thôn, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.

Đến nay toàn tỉnh có 39 xã đạt tiêu chí giao thông (chiếm tỷ lệ 48,8%), 75 xã đạt tiêu chí thủy lợi (chiếm tỷ lệ 93,8%), 48 xã đạt tiêu chí điện (chiếm tỷ lệ 60%), 39 xã đạt tiêu chí trường học (chiếm tỷ lệ 48,8%), 39 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (chiếm tỷ lệ 48,8%), 66 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (chiếm tỷ lệ  82,5%), 74 xã đạt tiêu chí thông tin và truyền thông (chiếm tỷ lệ 92,5%), 67 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư (chiếm tỷ lệ 83,8%). So với những năm đầu thực hiện Chương trình, số xã đạt chuẩn tăng hàng năm, nâng tỷ lệ xã đạt từng tiêu chí, nhất là tiêu chí giao thông nông thôn được đầu tư khá lớn, làm nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội của các xã.

Ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế tỉnh cũng đã chuyển đổi mạnh một số cây trồng kém hiệu quả như lúa, mía, cao su... sang các loại cây ăn trái như bưởi, dứa, xoài, nhãn, sầu riêng với quy mô tập trung, có giá trị kinh tế cao. tạo động lực tăng trưởng sản lượng. Các chính sách thu hút nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp đã được tỉnh triển khai thực hiện.

Thời gian qua, toàn tỉnh đã thu hút 57 dự án đầu tư vào nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với tổng vốn đầu tư trên 2.100 tỷ đồng. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thu hút 24 dự án nông nghiệp gắn phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao với tổng vốn đăng ký trên 1.652 tỷ đồng...

Đặc biệt, giai đoạn 2011- 2015 toàn tỉnh đã giảm được 7,35% hộ nghèo (tương ứng giảm 19.195 hộ nghèo, cận nghèo). Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh còn 4.354 hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 1,49%. Năm 2016, áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có 12.584 hộ nghèo và hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,32% so với tổng số hộ gia đình.

Qua gần 4 năm thực hiện với các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương, đến nay, toàn tỉnh giảm được 1,78%- tương ứng giảm 4.975 hộ nghèo, hộ cận nghèo, bình quân mỗi năm giảm 0,59 %; phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn dưới 1% (tương ứng hơn 2.900 hộ nghèo, hộ cận nghèo).

Năm 2011, tỉnh chỉ có 1 xã đạt 7 tiêu chí và có 69 xã đạt dưới 5 tiêu chí, đến cuối năm 2018, tỉnh có 36/80 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 8 xã biên giới, chiếm 45% số xã toàn tỉnh. Dự kiến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 53/80 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 18 xã biên giới, chiếm 66,25% số xã toàn tỉnh, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần X (chỉ tiêu Nghị quyết là 50%). Số tiêu chí bình quân/xã là 16,8 tiêu chí (tăng 4 tiêu chí so với năm 2015); không có xã dưới 10 tiêu chí. 100% số xã biên giới đạt các tiêu chí NTM về hệ thống chính trị, văn hoá, y tế, giáo dục và đào tạo.

Thành phố Tây Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM với 100% xã đạt chuẩn, huyện Hòa Thành đạt huyện NTM (có 100% xã đạt chuẩn và đạt 9 tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5.4.2016). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 50 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm 1,3%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT 81%; tỷ lệ hộ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 99%.

Khen thưởng các tập thể có thành tích xuất xắc trong 10 năm xây dựng NTM.

Hội nghị đề ra mục tiêu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong tỉnh, ngoài tỉnh và khu vực; đẩy mạnh xây dựng NTM; nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của dân cư nông thôn; quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng.

Cụ thể, trong giai đoạn tới, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 27 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã biên giới, bình quân 5 xã/năm, nâng số xã đạt chuẩn lên 80/80 xã (100% số xã), 20/20 xã biên giới đạt chuẩn; ít nhất 50% số xã đã đạt chuẩn được công nhận xã NTM nâng cao, 11% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân đánh giá cao những nỗ lực rất lớn các ban ngành, tổ chức chính trị xã hội, tầng lớp nhân dân trong 10 năm xây dựng NTM. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, mục tiêu của xây dựng NTM không ngoài gì khác là nâng cao thu nhập, nâng cao hưởng thụ về vật chất, tinh thần, văn hóa cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, trong thời gian tới phải tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung về xây dựng NTM theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ; quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ xây dựng NTM, cũng như đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó lưu ý vai trò chủ thể là người nông dân trong xây dựng NTM.

Tiếp tục thực hiện tốt đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp để bảo đảm ngành nông nghiệp tỉnh ngày càng phát triển bền vững, toàn vẹn gắn liền với xây dựng NTM. Phải chủ động phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết nhân rộng các điển hình tiên tiến, qua đó tạo ra không khí thi đua sôi nổi để cổ vũ các tập thể, cá nhân phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, quyết tâm phấn đấu xây dựng NTM, xây dựng những mô hình mới để tạo ra những hướng đột phá trong nông nghiệp; thay đổi tập quán, thói quen trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân; tạo ra môi trường thuận lợi hơn để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khuyến khích cán bộ, thanh niên trí thức về nông thôn, về sản xuất nông nghiệp...

Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng ở nông thôn gắn với phát triển đô thị, trước hết lưu ý giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, cấp thoát nước...; giải quyết tốt các vấn đề về vệ sinh môi trường để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn...; đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NMT, phải phát huy tốt tinh thần tương thân, tương ái, tình nghĩa xóm làng, tình nghĩa bà con cô bác.

Tại hội nghị có 50 tập thể, doanh nghiệp, hợp tác xã; 58 cá nhân thuộc các tổ chức kinh tế và nhân dân được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh với những thành tích, đóng góp trong 10 năm thực hiện phong trào thi đua Tây Ninh chung sức xây dựng NTM.

Thế Nhân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục