Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016:
Nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít bất cập
Thứ bảy: 16:17 ngày 28/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 27.6, tại Tiền Giang, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.

Hội nghị do lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, với sự tham dự của 19 cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố phía Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đức Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, từ khi thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, báo chí đã có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô cũng như đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền.

Tính đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam có 24.900 hội viên sinh hoạt tại 301 tổ chức hội, trong đó có 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 liên chi hội và 218 chi hội trực thuộc Trung ương.

Ông Lợi cho biết thêm, là tổ chức chính trị -xã hội - nghề nghiệp của người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả trong công tác phối hợp quản lý báo chí, quản lý hội viên, xây dựng và triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam.

Trong thời gian qua, hơn 300 Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo từ cấp Trung ương đến các cấp hội trực thuộc được thành lập và đi vào hoạt động, quyết định khai trừ và thu hồi thẻ hội viên hơn 20 trường hợp vi phạm, đồng thời khiển trách, nhắc nhở phê bình, rút kinh nghiệm các trường hợp vi phạm khác trong sử dụng MXH.

Ông Nguyễn Đức Hiển- Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh trao đổi về ứng xử mạng xã hội của nhà báo trong giai đoạn hiện nay.

Trung ương Hội cũng đã có quyết định giải thể một số chi hội, xoá tên những hội viên không đủ điều kiện tham gia sinh hoạt Hội. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã lên tiếng kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương thực hiện nhiều biện pháp cần thiết, xử lý nghiêm minh các hành vi cản trở, đe doạ, hành hung, xúc phạm nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên - nhà báo.

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhìn nhận, hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Một số cơ quan báo chí, người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp chạy theo thị hiếu tầm thường, tìm cách để thu lợi, kể cả việc làm sai lệch bản chất của sự việc. Ở một số địa phương, còn có sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý giữa cơ quan chỉ đạo và cơ quan quản lý báo chí.

Ông Nguyễn Đức Hiển- Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh trao đổi về ứng xử mạng xã hội của nhà báo trong giai đoạn hiện nay

Công tác quản lý báo chí chưa theo kịp với thực tiễn, chưa đáp ứng được sự phát triển của báo chí, truyền thông. Số lượng cơ quan báo chí tăng nhanh, nhưng phần lớn phải tự chủ tài chính, nhiều cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, phó mặc cơ quan báo chí trực thuộc, tôn chỉ mục đích bị xem nhẹ.

Nhiều cấp Hội còn thiếu sát sao trong quản lý đội ngũ cộng tác viên, phóng viên thường trú tại các địa phương dẫn đến nhiều hành vi tiêu cực lợi dụng nghề nghiệp để đe doạ tống tiền doanh nghiệp, người dân.

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì hội nghị.

Hiện tượng nhà báo - hội viên khai thác, sử dụng mạng xã hội cho những mục đích phi nghề nghiệp, hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, vi phạm quy chuẩn đạo đức và thậm chí là vi phạm pháp luật đang trở thành vấn đề được không chỉ báo giới mà dư luận xã hội hết sức quan tâm, lo ngại.

Từ những thực tiễn trong hoạt động báo chí, ông Lợi đánh giá vẫn còn nổi lên nhiều tồn tại cần phải sửa đổi toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới như: Đối tượng thành lập cơ quan báo chí; Nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí; Việc phân định báo và tạp chí; Hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; Hoạt động tác nghiệp của đội ngũ phóng viên; Quy định về xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép; Hoạt động liên kết báo chí...

Đồng thời, có những vấn đề mới phát sinh khi triển khai thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng MXH cần phải cập nhật, sửa đổi, bổ sung để giúp cho hội viên - nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của hội viên - nhà báo khi tác nghiệp cũng như tham gia mạng xã hội, đồng thời giúp Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp tham chiếu, làm cơ sở xử lý những sai phạm trong thực tiễn.

Đức An

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục