Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Gò Dầu:
Nhiều tiểu thương “né” chợ tạm
Thứ sáu: 22:27 ngày 19/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau hơn nửa tháng di dời, chợ tạm chỉ lác đác có khoảng 20 tiểu thương vào buôn bán, hầu hết đều lo lắng, đứng ngồi không yên vì doanh số bán ra giảm đáng kể.

Khởi công nâng cấp chợ Gò Dầu

Chợ Gò Dầu trước khi khởi công nâng cấp.

Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, năm 2017, chợ Gò Dầu được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đồng thời cải tạo những con đường xung quanh chợ. Công trình do Trung tâm Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gò Dầu làm chủ đầu tư.

Khu chợ được cải tạo trên nền đất của chợ cũ, nơi hàng trăm tiểu thương mua bán ổn định từ năm 1980 đến nay (do chợ Gò Dầu đã bị xuống cấp trầm trọng, không bảo đảm an toàn cho tiểu thương kinh doanh).

Chợ Gò Dầu có quy mô xây dựng gồm 2 khu nhà A-B, cải tạo các tuyến đường xung quanh chợ, xây dựng hệ thống mương thoát nước, sân, bãi xe, đường nội bộ, hệ thống điện, cấp nước, nước ngầm sinh hoạt, hệ thống phòng cháy chữa cháy và xử lý nước thải…

Tổng diện tích xây dựng 17.539m2, với mức đầu tư hơn 30 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2017- 2018, đáp ứng gần 400 chỗ cho tiểu thương kinh doanh.

Ngày 29.12.2017, chợ tiến hành thi công nâng cấp, tháo dỡ khu nhà lồng, bách hóa cũ, Ban Quản lý (BQL) chợ Gò Dầu phối hợp các ngành chức năng huyện và UBND thị trấn di dời các tiểu thương vào chợ tạm trong sân vận động huyện. Tuy nhiên, phần đông tiểu thương đều “từ chối” di dời, mặc dù đã nhận thông báo từ trước.

Hàng chục hộ tiểu thương Chợ Gò Dầu khổ sở dọn hàng ra chợ tạm Sân vận động trong thời gian thi công nâng cấp, cải tạo chợ cũ. Tuy nhiên, chỉ có một số ít tiểu thương chấp hành nghiêm túc việc di dời, còn số hộ khác lại quay về chợ cũ tiếp tục buôn bán.

Sau hơn nửa tháng di dời, chợ tạm chỉ lác đác khoảng 20 tiểu thương buôn bán, hầu hết đều lo lắng, đứng ngồi không yên vì doanh số bán ra giảm đáng kể.

Chợ tạm: Lác đác người bán, vắng bóng khách mua

Bà T., 40 tuổi, một tiểu thương bán thịt ở chợ Gò Dầu hơn 20 năm cho biết, khi còn ở chợ cũ, trung bình mỗi ngày sạp thịt của bà bán ra hơn 100kg, từ khi di dời ra chợ tạm, mỗi ngày bà bán chưa đủ 50kg thịt. “Bán buôn như thế này, có ngày chúng tôi đổ nợ chết luôn đó!”- bà nói.

Chợ tạm trong sân vận động huyện Gò Dầu vắng bóng người mua kẻ bán.

Bà H. (bán khô, mắm) bức xúc: “Cả ngày ngồi dang nắng mà chỉ bán được ba chục ngàn đồng, ăn sáng hết hai chục ngàn đồng. Buôn bán như vậy thì sao chúng tôi sống nổi!”.

Còn bà O. (57 tuổi, bán đồ hàng bông) khóc kể, bà chỉ bán vài loại hoa quả để lấy tiền lo cho gia đình. Khi còn ở chợ cũ, mỗi ngày bà bán vài chục ký chanh. Nhưng từ ngày dời qua chợ tạm, có ngày bà không bán được đồng nào, ngày nhiều lắm cũng được vài chục ngàn. Bà cho biết, cả nhà đều trông nhờ vào sạp hàng bông của bà, nhưng hơn nửa tháng nay buôn bán ế ẩm, các mặt hàng ngày nào cũng hư hao, trong khi không thể không bù đắp vốn.

“Buôn bán ế ẩm như thế này thì sao có tiền để nuôi sống gia đình chúng tôi chứ!”- bà O. vừa khóc vừa nói.

Bên cạnh doanh số bán ra sụt giảm, các tiểu thương còn phải chịu khoản chi phí đầu tư theo “khuôn mẫu” của BQL chợ Gò Dầu đưa ra. Theo đó, mỗi tiểu thương được bốc thăm chia lô, sạp, mỗi sạp có diện tích 12m(3m x 4m) và tự bỏ tiền xây cất mái che, đổ bê tông trụ, cán nền, vô điện… Trung bình, mỗi hộ đã chi từ 6-8 triệu đồng cho sạp kinh doanh của mình.

Bà Đ.T.T. (69 tuổi) cho biết, bà là người gắn bó với chợ Gò Dầu những ngày đầu mới thành lập, sạp thịt của bà nằm trong khu bách hóa, bao nhiêu năm qua, các khoản thuế, hoa chi bà đóng đều đặn, không thiếu một xu.

Khi có chủ trương di dời, BQL chợ đã tổ chức họp bàn với tiểu thương, bà đã có ý kiến đề xuất nên dời qua tết dương lịch để bà con thu dọn, sắp xếp hàng hóa và sửa sang khu sạp, nhưng các ý kiến của tiểu thương đều không được chấp nhận.

Bà T. bức xúc nói: “Họ buộc chúng tôi phải dời ngay trong ngày 29.12 để họ tiến hành đào bới, tháo dỡ nhà bách hóa. Dọn qua chợ tạm, chúng tôi muốn bán buôn thì phải tự bỏ tiền ra nâng nền, làm trụ sắt, mái che tôn, vô điện, nước. Tất cả ngốn hơn 7 triệu đồng, trong khi người mua không có ai, mà ở dưới chợ cũ người ta vẫn bán! Bán buôn như vậy bao giờ mới được hoàn vốn”.

Bà V. (54 tuổi) càng bức xúc hơn: “Hơn 20 ngày nay, mỗi ngày tôi chịu lỗ hơn 3 triệu đồng, hỏi tiền nào đắp vô nổi. Còn cả việc đầu tư nhà sạp, mái che, điện, nền xi măng, mỗi sạp cũng ngốn hơn 7 triệu đồng. Chúng tôi ở đây không thể chịu được nữa!”.

Tiểu thương ở chợ tạm cho biết, cả ngày họ không bán buôn được gì, do khách không vào khu chợ này.

Bà V. cho biết thêm, BQL tổ chức họp tiểu thương ngày 15.12, buộc ngày 29.12 phải rời khỏi chợ cũ di dời sang chợ tạm. Nhưng hai ngày sau (27.12.2017), nhân viên BQL chợ đã đến từng sạp thịt buộc tiểu thương ký vào giấy đồng ý di dời ngày 29.12.

“Chúng tôi là tiểu thương ở chợ nên buộc lòng chúng tôi phải chấp hành, vì miếng cơm manh áo mà thôi! Khi qua chợ tạm, họ buộc chúng tôi phải làm nhà, cán nền theo khuôn mẫu. Chúng tôi cũng phải chấp nhận vay tiền góp để làm cho có chỗ mần ăn, kiếm cơm nuôi sống gia đình”- tiểu thương V. nói.

Theo quan sát, khu vực chợ tạm hiện có hơn 50 sạp được xây cất gọn gàng, mỗi sạp đều có mái che bằng tôn, trụ sắt chắc chắn, nền đổ bê tông cao ráo, có sạp được lắp riêng cửa sắt cuốn.

Tuy nhiên, trong số đó có hơn một nửa đóng cửa im ỉm, không hoạt động. Được hỏi về lý do tại sao không mở cửa buôn bán, hầu hết tiểu thương cho biết: “Bởi vì buôn bán ế ẩm, lo sợ mất mối nên các tiểu thương này đóng cửa bỏ về chợ cũ, số khác dọn hàng ra vỉa hè hai bên đường cặp sân vận động bán cho khách đi đường”.

Nói về chủ trương sửa chữa, nâng cấp chợ Gò Dầu, hầu hết các tiểu thương đều đồng tình, nhất trí. Tuy nhiên, họ cũng cảm thấy mệt mỏi, bức xúc bởi ở chợ tạm không có người mua, bán buôn không ổn định, trong khi chợ cũ vẫn hoạt động bình thường.

Bà N.T.T, 53 tuổi nói: “Chúng tôi đã trông từng ngày hẹn của BQL chợ. Họ nói là sẽ “đuổi” các tiểu thương còn lại lên chợ tạm, nhưng suốt hơn 20 ngày qua, chúng tôi không thấy gì hết”.

Các tiểu thương đề nghị “BQL chợ phải có biện pháp xử lý di dời số tiểu thương còn lại qua chợ tạm thì mới mong ổn định việc buôn bán. Vì đó là giải pháp công bằng, không gây mất tình cảm giữa các tiểu thương với nhau. Nếu không di dời được các tiểu thương về chợ tạm, BQL phải bồi hoàn số tiền chúng tôi đã đầu tư nhà sạp để chúng tôi tìm cách khác sinh sống. Buôn bán ế ẩm như thế này, chúng tôi không thể chấp nhận được”.

Nhộn nhịp chợ cũ!

Trở lại chợ cũ Gò Dầu, nơi vừa làm lễ khởi công xây dựng, hiện ra trước mắt là sự khung cảnh tấp nập “kẻ bán, người mua”, mặc dù khu nhà lồng chợ và bách hóa đã bị đập bỏ, bụi mù mịt.

Hỏi vì sao không dời vào chợ tạm, nhiều tiểu thương cho rằng vào chợ tạm bán không được, vì không ai vào mua, lâu ngày sẽ bị “mất mối”. Bà N. phân vân giải thích: “Nếu bán được ở chợ tạm, chúng tôi chạy ra đây làm gì. Vừa buôn bán, vừa lo chạy mỗi khi bị đuổi, tôi cũng mệt lắm, nhưng không biết làm sao”.

Trong khi đó chợ cũ Gò Dầu vẫn tấp nập người ra vào mua bán, dù trước đó đã có quyết định di dời.

Trước tình hình này, phóng viên liên hệ với BQL chợ Gò Dầu để tìm hiểu sự việc. Tuy nhiên, ông Lộc- Trưởng BQL chợ cho biết chủ trương của huyện là vậy, ông cũng đang sắp xếp đưa các hộ tiểu thương lên chợ tạm, “còn muốn tìm hiểu gì thì lên gặp UBND huyện”- ông Lộc nói.

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Gò Dầu, do UBND huyện đang tiến hành xây dựng, nâng cấp chợ nên đã có phương án bố trí các tiểu thương di dời qua chợ tạm trong sân vận động để buôn bán. Hiện có một số hộ đã di dời, số còn lại không thuộc diện quản lý nên họ không lên chợ tạm. Mặt khác, do người dân đã quen mua ở chợ cũ, không quen với điểm mới nên đã phần nào ảnh hưởng đến việc buôn bán của các tiểu thương.

Lãnh đạo Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện nói, họ sẽ tiếp tục vận động các tiểu thương di dời, chứ không thể đuổi họ được (?). Nhưng về sau, khi các hạng mục hệ thống mương thoát nước, làm đường tiến hành xây dựng, khi đó, các tiểu thương bắt buộc phải di dời. Trước đó, các tiểu thương đã đồng ý đăng ký bốc thăm chọn lô, sạp với BQL chợ. Còn việc tự bỏ tiền ra xây cất, làm mái, nâng nền… đều là làm theo chủ trương của BQL chợ Gò Dầu.

Còn không đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng nơi mua bán của tiểu thương tại chợ tạm Gò Dầu chưa được ổn định, đàng hoàng. Tất cả đều phập phồng, lo sợ. Tết gần đến, nhu cầu mua sắm nhiều, nhưng rất nhiều tiểu thương không dám mở rộng mua bán như mọi năm vì không có người mua.

Hầu hết các tiểu thương ở chợ tạm đều mong đợi cách giải quyết nhanh, gọn của BQL chợ Gò Dầu và chính quyền địa phương, đó là phải di dời gần 400 hộ tiểu thương ở chợ cũ sang chợ tạm. Có như vậy mới công bằng với những người đã nghiêm túc chấp hành chủ trương của huyện.

Sông Ninh-Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục