Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tự chủ về nhân sự trong nhà trường:
Nhiều ưu điểm nhưng khó thực hiện
Thứ sáu: 05:45 ngày 13/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục lao động trong hệ thống trường công lập được hưởng lương từ ngân sách. Hiệu trưởng nhà trường cũng chỉ là người làm thuê cho Nhà nước, không phải là chủ sử dụng lao động, do đó, không có quyền tuyển dụng nhân sự theo ý mình (ở đây chỉ nói ý tích cực).

Thí sinh dự thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục.

Cùng với tự chủ tài chính, một việc khác cũng đang là “vấn đề hôm nay” trong trường học, đó là tự chủ về con người trong các cơ sở giáo dục. Trước hết, cần nhắc lại, hồi tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nêu ra ý tưởng xem xét bỏ biên chế trong ngành Giáo dục. Dù chỉ mới gợi ý, dự kiến, nhưng ngay tức khắc, vấn đề bỏ biên chế trong ngành Giáo dục đã làm dậy sóng dư luận.

TỰ CHỦ NHÂN SỰ - XU HƯỚNG PHỔ BIẾN

Tại cuộc hội thảo “Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục - đào tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục” được tổ chức tại Tây Ninh cách nay chưa đầy nửa tháng, vấn đề tự chủ về con người đã được đặt ra.

Theo ông Nguyễn Phúc Ân (Hội Tâm lý giáo dục TP. Hồ Chí Minh), ở Việt Nam, do trải qua nhiều năm chiến tranh, thực hiện cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung nên hệ thống giáo dục đều do Nhà nước quản lý.

Trong thời gian hơn 10 năm trở lại đây, một số trường đại học đã được giao thực hiện thí điểm tự chủ về tài chính, nhân sự, nhưng kết quả thu được từ việc thí điểm này gần như không đáng kể. Một trong những nguyên nhân là các cơ sở giáo dục muốn được tự chủ nhưng khi được giao tự chủ lại ngần ngại vì sợ trách nhiệm, chỉ muốn được bao cấp cho an toàn. Chính Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phải động viên các trường từ bỏ nỗi sợ hãi tự chủ.

Ông Nguyễn Phúc Ân phân tích, một trong những thói quen dẫn đến các trường đại học, giáo dục chuyên nghiệp ngại đổi mới là tư duy bao cấp đã tồn tại quá lâu, thói quen lãnh đạo, quản lý, điều hành theo kiểu mệnh lệnh hành chính không thể thay đổi trong ngày một ngày hai.

Tiến sĩ Ninh Văn Bình (Trường đại học Sài Gòn) cho rằng, thực tế hiện nay chỉ mới có một số quy định về tự chủ tài chính, chưa có ghi nhận nào đề cập đến các nội dung khác liên quan đến vấn đề tự chủ trong tổ chức của nhà trường.

Trong một thời gian dài, các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn đang tuân theo sự điều hành của quy định hiện tại, nên chưa tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá trong tổ chức và hoạt động của mình. Theo khuyến nghị của Tiến sĩ Bình, để tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm xã hội, bộ máy quản lý của các trường phải tiếp tục được hoàn thiện, đồng thời có sự phân công, phân cấp quản lý giữa các đơn vị.

Bà Nguyễn Thị Bích Hoàng (Sở GD-ĐT Khánh Hoà) phát biểu, một trong những điều mong đợi của trường phổ thông hiện nay là được tự quyết định tuyển chọn, bố trí giáo viên, nhân viên và chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng chuyên môn.

Tuy nhiên, bà Hoàng cũng cảnh báo, nếu tăng quyền tự chủ về nhân sự cho trường phổ thông, cần có cơ chế giám sát để phòng ngừa tiêu cực, vì nếu hiệu trưởng nhà trường có mục đích cá nhân thì việc giao cho họ quyền được tuyển dụng sẽ khó lường trước hậu quả. Trên cơ sở đó, bà Hoàng kiến nghị, nếu trao quyền tự chủ về con người cho nhà trường phổ thông, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu kỹ, không thể làm ồ ạt.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà (Hà Nội) cho rằng, đối với hệ thống trường tư thục, quyền tự chủ về con người được thực hiện hoàn toàn chủ động, linh hoạt. Tại những trường này, hội đồng quản trị hoàn toàn có quyền tuyển chọn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có quyền dừng hợp đồng, sa thải những người làm việc kém hiệu quả.

Trường tư thục cũng hoàn toàn có quyền chủ động trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, từ đó cải thiện chất lượng đào tạo. So sánh với trường công lập, Tiến sĩ Hoà nhận thấy, các trường ngoài công lập linh hoạt và sáng tạo hơn rất nhiều, ông cũng khuyến nghị “các trường công lập cần có quyền tự chủ cần thiết, tối thiểu như trường ngoài công lập đang có”.

Trong khi đó, theo hai nhà nghiên cứu đến từ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam là Dương Thu Hương và Chu Cẩm Thơ, trong hệ thống giáo dục tự chủ hoàn toàn, nhà trường có quyền thuê và sa thải giáo viên. Điều này sẽ đưa ra tín hiệu rõ ràng cho giáo viên rằng, hội đồng trường có quyền cân nhắc nhân sự của nhà trường. Hiện thế giới có ba mức độ khác nhau về quyền tự chủ ở trường phổ thông.

Thứ nhất, trường được tự chủ hoàn toàn, tức là nhà trường được ra quyết định trong khuôn khổ pháp luật hoặc khung quy định chung về giáo dục mà không có sự can thiệp của các cơ quan ngoài trường học.

Thứ hai, là tự chủ ở mức độ hạn chế, trường hợp này, nhà trường được ra quyết định theo một tập hợp các lựa chọn do cơ quan quản lý giáo dục đưa ra. Thứ ba, là trường không được tự chủ, nghĩa là không được đưa ra quyết định trong bất kỳ lĩnh vực nào.

Năm 2012, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế châu Âu (OECD) đã đề xuất 5 mức độ khác nhau về tự chủ trong trường học, trong đó có tự chủ nhân sự, bao gồm: cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn ra mọi quyết định; cơ quan thẩm quyền đưa ra quyết định sau khi tư vấn với nhà trường; nhà trường đưa quyết định trong khuôn khổ của cơ quan thẩm quyền; nhà trường đưa ra quyết định sau khi tư vấn các bên khác nhau và sau cùng, nhà trường hoàn toàn tự chủ trong việc đưa ra quyết định.

Tương tự như tổ chức OECD, Ngân hàng Thế giới (World Bank) năm 2007 đã đưa ra 5 cấp độ về tự chủ trong trường học, gồm cấp độ rất mạnh, mạnh, khá mạnh, trung bình và yếu.

Trong đó, cấp độ yếu là “hệ thống trường công lập được phân quyền cho cấp vùng hoặc thành phố nhưng các trường hầu như không có quyền tự chủ để thực hiện bất kỳ quyết định nào về mặt quản lý hoặc chương trình”. Dẫn kinh nghiệm từ nhiều mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia ở châu Á, hai nhà nghiên cứu đến từ Viện Khoa học giáo dục cho biết, các quốc gia tiến hành cải cách giáo dục (trong đó có vấn đề tổ chức nhân sự) nhằm tạo ra hệ thống có tính mở, linh hoạt và dân chủ.

Mô hình giáo dục mở còn tăng cường tính hiệu quả trong quản lý nhà trường, tuyển dụng nhân sự, thu hút người tài. Mặt khác, hệ thống giáo dục có tính chất mở nhằm thu hút sự tham gia của cha mẹ và cộng đồng trong lĩnh vực giáo dục, tạo ra nguồn tài chính ngoài ngân sách.

Hệ thống giáo dục mở, tự chủ sẽ làm tăng tính cạnh tranh của quốc gia, cải thiện hệ thống giáo dục công, đồng thời tăng cường tính giám sát xã hội đối với hoạt động của nhà trường.

“Trong bối cảnh đổi mới giáo dục ở Việt Nam, để đáp ứng được yêu cầu hội nhập, bảo đảm chất lượng giáo dục, chúng ta phải tiến hành đổi mới quản lý nhà trường. Các nghiên cứu quốc tế cho thấy, quản lý dựa trên nhà trường là mô hình phổ biến, đạt được nhiều thành công, hỗ trợ phát triển dựa trên tự chủ của trường học. Việt Nam có thể học tập những kinh nghiệm này để vận dụng vào điều kiện của Việt Nam nhằm khắc phục những khó khăn và thúc đẩy sự phát triển của nhà trường, góp phần phát triển quốc gia” - hai nhà nghiên cứu nêu khuyến nghị.

CHẶNG ĐƯỜNG CÒN RẤT DÀI

Nghị quyết 29 khoá XI của Trung ương Đảng ghi: “Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, đảm bảo dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng.

Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; thực hiện giám sát các chủ thể trong nhà trường và xã hội, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý các cấp, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo. Thực hiện chuẩn hoá đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo”.

Nghị quyết của Đảng ghi như vậy, nhưng để hiện thực hoá là điều không dễ chút nào. Vì sao lại như vậy? Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Hà Nội) giải thích: “Do các cơ quan quản lý giáo dục của Nhà nước chưa thấy được trong nền kinh tế thị trường, các cơ sở giáo dục đều là những đơn vị sự nghiệp phục vụ dịch vụ công, nó cũng như các đơn vị sản xuất kinh doanh, phải được quản lý Nhà nước theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội về kết quả đào tạo của mình.

Các cơ quan quản lý Nhà nước, quản lý các cơ sở giáo dục đào tạo công lập vẫn mang tư tưởng áp đặt cơ chế quản lý bao cấp của kinh tế chỉ huy, kinh tế tập trung. Đây là cách quản lý trái với quy luật của nền kinh tế thị trường.

Trong kinh tế thị trường, cơ sở giáo dục đào tạo phải hết sức năng động và sáng tạo, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng giáo dục. Hiện nay, các cơ quan quản lý giáo dục đang nhầm lẫn giữa quản lý nhà nước về các cơ sở giáo dục đào tạo với việc quản trị của các cơ sở giáo dục đào tạo…”.

Từ những thông tin nêu trên, có thể thấy một cách chắc chắn rằng, tự chủ trong giáo dục, trong đó có vấn đề tự chủ về con người, về bộ máy là xu hướng chung của toàn thế giới (có quốc gia đã làm điều này từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) và hiện nay họ gần như không bận tâm đến khái niệm tự chủ, vì đó đã là điều hiển nhiên.

Tuy nhiên, với tình hình ở Việt Nam, tự chủ giáo dục, nhất là tự chủ về con người trong các cơ sở giáo dục có thể nói là rất khó thành hiện thực. Biên chế chính là một khái niệm có tính bao cấp. Cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục lao động trong hệ thống trường công lập được hưởng lương từ ngân sách.

Hiệu trưởng nhà trường cũng chỉ là người làm thuê cho Nhà nước, không phải là chủ sử dụng lao động, do đó, không có quyền tuyển dụng nhân sự theo ý mình (ở đây chỉ nói ý tích cực). Rõ ràng, với cơ chế như đang có, việc giao quyền tuyển dụng giáo viên cho hiệu trưởng hoặc hội đồng nhà trường hoàn toàn không khả thi. Chưa nói, việc trao quyền tuyển dụng, ký hợp đồng cho hiệu trưởng còn tiềm ẩn những nguy cơ tiêu cực.

Theo quy định hiện hành, lãnh đạo ngành Giáo dục- từ hiệu trưởng cho đến bộ trưởng cũng không được toàn quyền tuyển nhân sự cho cơ quan, cho ngành của mình. Mọi vấn đề liên quan đến con người đều phải có ý kiến của ngành Nội vụ và ban tổ chức của Đảng. Vì vậy, việc thừa, thiếu giáo viên có tính chất cục bộ giữa các trường hay việc khó sa thải những giáo viên yếu kém là điều bình thường.

Cách nay chừng hơn 4 năm, đã từng có quy định trưởng phòng giáo dục được quyền bổ nhiệm, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, luân chuyển… đối với hiệu trưởng. Tuy nhiên, trong cả nước, hầu như không một địa phương nào áp dụng quy định này của Bộ Nội vụ. Một thời gian sau, một văn bản khác ra đời đã rút lại hoàn toàn những quy định trước đó.

Nói như vậy để thấy, việc đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nghe qua thì dễ, nhưng thực hiện không đơn giản chút nào, đặc biệt là tự chủ về tuyển chọn nhân sự trong cơ quan hành chính, sự nghiệp Nhà nước.

VIỆT ĐÔNG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh