Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sở Giao thông Vận tải hỗ trợ UBND thành phố tổ chức giao thông bằng sơn 2 vạch dừng và kết hợp vẽ hình xe 2 bánh tạo ra khoảng không gian trống dành riêng cho xe hai bánh dừng chờ đèn đỏ, bắt buộc người điều khiển ô tô dừng chờ tại vạch dừng chờ thứ nhất...
Người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông.
Thời gian gần đây, khi tham gia giao thông trên tuyến đường 30.4 (thành phố Tây Ninh), người dân nhận thấy có thêm các vạch kẻ đường kiểu mắt võng màu vàng, 2 vạch dừng và kết hợp vẽ hình xe 2 bánh tại khu vực ngã 4 chốt đèn tín hiệu giao thông. Mọi người cần hiểu rõ ý nghĩa của các loại vạch này và cách lưu thông đúng quy định để tránh bị xử phạt, bảo đảm an toàn.
Trong năm 2022, Phòng Quản lý đô thị Thành phố đã tham mưu UBND thành phố Tây Ninh thí điểm tổ chức giao thông tại các chốt đèn tín hiệu giao thông có pha rẽ trái trên đường 30.4.
Sau một thời gian triển khai, do dòng xe rẽ trái dừng chờ trên đường không được bảo vệ, trong khi các phương tiện đi thẳng vẫn lưu thông khi đèn xanh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Sở Giao thông Vận tải, UBND thành phố Tây Ninh và Phòng Quản lý đô thị đã thống nhất bỏ pha rẽ trái.
Theo Sở Giao thông Vận tải, theo Quyết định số 48/2019/QĐ-UBND ngày 22.11.2019 của UBND tỉnh về phân cấp quy định trách nhiệm quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trách nhiệm vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ trên địa bàn tỉnh, Sở Giao thông Vận tải tổ chức quản lý, khai thác đường tỉnh. Đối với đường huyện, đường nội thị sẽ do Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện, thị xã, thành phố quản lý, khai thác.
Đối với các tuyến đường nội thị thuộc phạm vi quản lý của các huyện, thị xã, thành phố, việc tổ chức giao thông do các huyện, thị xã, thành phố thiết kế tổ chức giao thông nhưng phải thoả thuận với Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (Theo quyết định số 3205/QĐ-UBND ngày 29.12.2020 của Chủ tịch UBND tỉnh uỷ quyền cho Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thực hiện nhiệm vụ tổ chức giao thông đường bộ phạm vi tỉnh quản lý).
Đầu năm 2023, để bảo đảm an toàn giao thông cho dòng xe rẽ trái và bảo vệ an toàn người điều khiển và phương tiện mô tô, Sở Giao thông Vận tải hỗ trợ UBND thành phố tổ chức giao thông bằng sơn 2 vạch dừng và kết hợp vẽ hình xe 2 bánh tạo ra khoảng không gian trống dành riêng cho xe hai bánh dừng chờ đèn đỏ, bắt buộc người điều khiển ô tô dừng chờ tại vạch dừng chờ thứ nhất, giải pháp này nhằm bố trí khu vực dừng chờ thuận lợi cho xe hai bánh, cải thiện tầm nhìn của người điều các khiển phương tiện, ưu tiên cho xe hai bánh rẽ trái và lưu thông qua nút giao thông trước ô tô, từ đó bảo đảm an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông qua ngã tư.
Sơn 2 vạch dừng và kết hợp vẽ hình xe 2 bánh tạo ra khoảng không gian trống dành riêng cho xe hai bánh dừng chờ đèn đỏ.
Tại một số giao lộ trên đường 30.4 cũng được bố trí thêm vạch kẻ đường kiểu mắt võng màu vàng nằm ở phía bên phải. Trong Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ) có quy định, vạch sơn mắt võng màu vàng “được sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông”.
Do đó, vạch kẻ mắt võng được bố trí khi bề rộng mặt đường đủ rộng kết hợp mũi tên chỉ hướng rẽ phải, để ưu tiên phần đường này cho xe hai bánh được phép rẽ phải liên tục mà không bị cản trở bởi các xe dừng chờ đèn đỏ, tránh ùn tắc giao thông.
Ngoài ra, đoạn đường 30.4 trước Trường THCS Trần Hưng Đạo cũng vừa được bố trí thêm các gờ giảm tốc để bảo đảm an toàn. Theo Sở Giao thông Vận tải, theo tiêu chuẩn cơ sở 34 năm 2020 (tiêu chuẩn gờ giảm tốc, gồ giảm tốc trên đường bộ), bố trí gờ giảm tốc dạng rải đều được áp dụng đối với trường hợp cần cảnh báo để giảm tốc độ cho người điều khiển phương tiện trên toàn bộ chiều dài một đoạn đường có nguy cơ dẫn đến mất an toàn giao thông (đường cong, đoạn đường dốc dài nguy hiểm, đoạn đường dài bị khuất tầm nhìn, đoạn đường có nhiều đường nhánh giao cắt cùng mức liên tục...).
Trong khi đó, khu vực cổng Trường THCS Trần Hưng Đạo nằm gần nút giao vòng xoay, có độ dốc lớn, nằm trên đường cong khuất tầm nhìn. Trước cổng trường, phụ huynh và học sinh thường tập trung đông đúc vào giờ đến lớp và giờ tan học khiến cho tình hình trật tự an toàn giao thông khu vực này khá phức tạp. Các phương tiện nếu di chuyển tốc độ cao qua khu vực này dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Do đó, việc bố trí gờ giảm tốc cho các phương tiện lưu thông qua đoạn đường này phải giảm tốc độ là hết sức cần thiết. Vị trí bố trí gờ giảm tốc tại cổng sau Trường Trần Hưng Đạo (khoảng 70m) và giảm tốc độ giữa 2 cổng trường (khoảng 130 m).
Bố trí gờ giảm tốc dạng rải đều.
Trong thời gian tới, đối với các tuyến đường nội thị do các huyện, thị xã, thành phố quản lý, tổ chức giao thông, các huyện, thị xã, thành phố lập hồ sơ thiết kế tổ chức giao thông, lấy ý kiến Sở Giao thông vận tải.
Theo phân cấp uỷ quyền (Quyết định số 3205/QĐ-UBND ngày 29.12.2020 của Chủ tịch UBND tỉnh uỷ quyền cho Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thực hiện nhiệm vụ tổ chức giao thông đường bộ phạm vi tỉnh quản lý), Sở Giao thông Vận tải sẽ có văn bản thoả thuận đồng ý, trước khi triển khai thực hiện. Đối với những tuyến đường do Sở Giao thông Vận tải quản lý, đơn vị cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh những bất cập để triển khai trong thời gian tới được tốt nhất.
Với những thay đổi về các vạch kẻ đường mới trên tuyến đường 30.4, UBND thành phố Tây Ninh tăng cường chỉ đạo lực lượng chức năng hướng dẫn, tuyên truyền để người điều khiển phương tiện tham gia giao thông thực hiện đúng chỉ dẫn, báo hiệu trên đường 30.4 góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế xảy ra tai nạn.
Theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, trong trường hợp vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, đối với ô tô sẽ bị phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng. Nếu gây tai nạn giao thông còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Đối với xe máy: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng. Nếu gây tai nạn giao thông còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng. Như vậy, khi người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành hiệu lệnh vạch kẻ đường, ngoài bị phạt tiền nếu gây tai nạn giao thông còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.
Phương Thảo - Nhật Quang