BAOTAYNINH.VN trên Google News

'Nhiều việc, Thủ tướng chỉ đạo cũng không ai giải quyết'

Cập nhật ngày: 21/08/2010 - 05:50

Nhân bàn về dự án Luật khiếu nại, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển tỏ ra phiền lòng vì tình trạng đơn thư lòng vòng chuyển từ huyện lên tỉnh rồi ra TƯ. Từ TƯ lại "ủy thác" để tỉnh, huyện xem xét, không ai "chốt" cuối cùng. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Hà Văn Hiền "than" hiện đơn thư gửi về các cơ quan QH chất thành kho. Thường trực Uỷ ban Pháp luật thì "phê" dự án luật không có điểm nào mới.

Đùn đẩy

Những bức xúc về tình trạng khiếu kiện đông người, vòng luẩn quẩn bế tắc của việc không ai chịu trách nhiệm cuối cùng... được thảo luận tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ QH chiều 21.8.

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng.

Nói như Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, các tỉnh báo cáo rất hay, nào đơn thư được chuyển, giải quyết kịp thời, bảo vệ được quyền lợi của dân. Nhưng thực tế khiếu nại ngày càng tăng, ngày càng phức tạp. Đơn từ thì chuyển lòng vòng, né tránh, các cơ quan đùn đẩy lẫn nhau.

Trung ương thì "kêu" khiếu nại vượt cấp, kêu địa phương né tránh.

Địa phương cũng phàn nàn TƯ "quan liêu", do một phần các vụ việc không có hồ sơ nên TƯ nhận đơn thư chỉ đóng dấu xác nhận và lại chuyển về địa phương.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phàn nàn: "Có lần Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa các đoàn giám sát về rồi mời cả tỉnh, huyện đến nghe dân nói. Bao nhiêu vụ việc cũ, dân lại lục lọi lại chỉ để đưa ra nói với "ông" Tài nguyên".

Ông Trần Thế Vượng đề xuất, về lâu dài, các vụ việc phải được giải quyết ở tòa hành chính. Nhưng ông cũng nói luôn, với cơ chế hiện nay thì "đem ra tòa chỉ càng khiến tình hình thêm rắc rối".

Mọi việc chỉ có thể được xử lý rốt ráo khi tòa án đã có một vị thế độc lập nhất định, và điều này phải chờ đợi tiến trình cải cách tư pháp sắp tới.

Thực tế, như Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình chỉ ra, ngay cả vụ việc từ dưới đưa lên, có ý kiến Thủ tướng chỉ đạo rồi mà vẫn không ai giải quyết.

Thống kê của Thanh tra Chính phủ cho hay, trong các vụ việc tồn đọng, có 184 vụ việc tuy đã có chỉ đạo của Thủ tướng nhưng người khiếu nại, tố cáo vẫn không đồng tình, tiếp tục khiếu kiện (chiếm 35% số vụ việc). Các trường hợp này cần chấm dứt, không tiếp tục xem xét giải quyết.

Trong số những vụ việc đã giải quyết nhưng người khiếu nại, tố cáo không đồng tình hoặc quá trình tổ chức thực hiện gặp vướng mắc cần kiểm tra lại, có tới 83 vụ việc đã có chỉ đạo của Thủ tướng mà giải quyết chưa xong.

Cần sửa Luật đất đai

Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là có nên đưa ra quy định pháp lý về tình trạng khiếu nại đông người.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào nói, các vụ khiếu nại đông người như đòi đất của tập đoàn.. có nhiều dạng. Dân đem đơn lên chính quyền, vừa khiếu nại, vừa tố cáo, vừa phản ánh. Hàng trăm người như vậy, cơ quan nhà nước có cử đại diện ra làm việc cũng khó đem lại đồng thuận cho đa số. Chưa kể, không có văn bản pháp luật nào quy định chi tiết cơ chế.

Vì vậy, nếu dự án luật được Quốc hội thông qua, thì Chính phủ sẽ có những văn bản cụ thể hướng dẫn cơ chế xử lý.

Theo Thường trực Uỷ ban Pháp luật, khiếu nại đông người đang diễn ra ngày càng gay gắt, là một thực tế phải thừa nhận, không được né tránh, do đó cần có những nguyên tắc pháp lý để giải quyết.

Ông Lê Quang Bình cho rằng, nên khởi động lại dự án luật liên quan đến biểu tình hơn là quy định vào Luật khiếu nại. 80% các vụ khiếu nại hiện nay liên quan đến đất đai, vì thế cần song song sửa Luật đất đai mới mong giải quyết được tình hình.

Trước nhiều luồng ý kiến tranh cãi, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói, phải thừa nhận thực tế nhiều vụ việc đông người tham gia khiếu nại chưa được giải quyết triệt để. Đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, phải nghiên cứu đưa vào luật đề giải quyết trong nghị định, thông tư.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, dự án luật chưa đủ độ chín để thông qua.

"Các nội dung được sửa đổi, bổ sung của dự án luật về cơ bản không khác so với cơ chế hiện hành, chỉ là thao tác cơ học tách ra từ Luật khiếu nại, tố cáo. Một cơ chế tồn tại trên 30 năm với tính nhân văn là tạo cơ hội cho người bị khiếu nại sửa sai, nhưng trên thực tế lại không có hiệu quả. Vấn đề đặt ra là có nên tiếp tục duy trì cơ chế ấy không", ông Thuận nói.

Đưa ra nhiều lý lẽ thuyết phục, ông Lê Tiến Hào thì kiên trì "không thể không trình dự án luật lên QH".

Ông Uông Chu Lưu "giảng hòa", cơ quan soạn thảo (Thanh tra Chính phủ) nên tiếp thu, chỉnh sửa để có tờ trình mới với những nội dung thuyết phục hơn.

Cũng theo Phó Chủ tịch QH, các nguyên nhân dẫn đến bức xúc của dân về giải quyết khiếu nại xuất phát từ nhiều lẽ, do yếu kém trong quản lý, làm chưa hết trách nhiệm và một phần do luật hiện hành quy định chế tài, nội dung chưa rõ. Vì thế, vẫn cần thiết phải ban hành một đạo luật riêng về khiếu nại.

Thống kê của Thanh tra Chính phủ cho hay, tổng số vụ việc khiếu nại đa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết là 295.820 vụ việc nhưng số vụ giải quyết bằng quyết định chiếm khoảng 47,18%. Số vụ việc giải quyết bằng thông báo, công văn chiếm tỷ lệ 52,82%.

(Theo Vietnamnet)