BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 

Cập nhật ngày: 01/10/2022 - 00:20

BTN - Tất cả ý kiến nhằm xây dựng những điều khoản Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu người dân, cũng như thuận lợi cho công tác điều hành, quản lý đất đai của Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Nhiếm cho rằng hiện nay văn bản dưới luật quá nhiều và rải rác, khó nắm bắt thực hiện

Vừa qua, tại hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, nhiều đại biểu đã đưa ra những điểm bất cập và đề xuất, kiến nghị đối với dự thảo luật. Tất cả ý kiến nhằm xây dựng những điều khoản Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu người dân, cũng như thuận lợi cho công tác điều hành, quản lý đất đai của Nhà nước.

Liên quan đến hình thức lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Thạc sĩ Mai Tuấn Kiệt- Phó trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật (Trường Chính trị Tây Ninh) cho rằng, ngoài hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử, cần bổ sung hình thức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân qua tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp.

Về hoàn thiện quy định việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, Thạc sĩ Mai Tuấn Kiệt đề nghị: “Cần bổ sung theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường phù hợp với nhu cầu của người có đất thu hồi và điều kiện cụ thể của từng địa phương, như bồi thường bằng tiền, bồi thường bằng đất khác mục đích thu hồi, bồi thường bằng nhà… Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương cần thực hiện đối thoại, xem xét, giải quyết kịp thời, thoả đáng các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến giá đất, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Nhiếm- Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật, Uỷ ban MTTQVN tỉnh, thực tiễn cho thấy Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ không ít bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp. Nhiều quy định của luật bị “mắc kẹt” hoặc không đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

“Để thực hiện được Luật Đất đai 2013 phải có trên 2.000 văn bản hướng dẫn. Bất cập ở chỗ, văn bản hướng dẫn quá nhiều, việc lấy ý kiến các văn bản này không rộng rãi, phổ quát như luật. Chỉ có cán bộ chuyên ngành mới có thể nắm các nội dung quy định, người dân không thể biết để thực hiện. Nếu xây dựng luật mới cụ thể, chi tiết dài khoảng 700-800 trang sẽ tốt hơn là xây dựng các văn bản rải rác. Chỉ trừ những vấn đề mang tính đặc điểm riêng, hay thay đổi phải hướng dẫn bằng văn bản dưới luật của bộ, ngành, địa phương. Khi xây dựng luật, chúng ta phải hạn chế ban hành các nghị định, thông tư và văn bản dưới luật”- ông Nguyễn Văn Nhiếm nêu ý kiến.

Luật sư Phạm Văn Tình (Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh) cho biết, vấn đề ông đặc biệt quan tâm hiện nay là việc thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) bảo đảm nghĩa vụ của mình hoặc bên thứ ba bị biến tướng thành hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ.

Luật sư Tình cho rằng, khoản 1, Điều 179 Luật Đất đai 2013 quy định: hộ gia đình, cá nhân có quyền “Thế chấp QSDĐ tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật”. Theo đó, thế chấp là việc bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ (chủ yếu là để bảo đảm cho khoản vay) và không giao tài sản cho bên nhận thế chấp.

Với tinh thần quy định như trên, người sử dụng đất được quyền thế chấp không chỉ cho ngân hàng/tổ chức tín dụng mà còn cho các cá nhân khác. Tuy nhiên, trên thực tế lại không thực hiện được quyền này. Các cơ quan đăng ký từ chối thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tổ chức kinh tế và cá nhân, chỉ giải quyết cho ngân hàng và tổ chức tín dụng. Chính vì điều này đã biến tướng một quan hệ khác trong tranh chấp đất đai khi xuất hiện cái gọi là giao dịch giả tạo, hay hợp đồng giả cách/giả tạo nhằm che đậy giao dịch khác.

“Mục đích ban đầu chỉ là vay tiền. Bên vay giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp (là tổ chức kinh tế hoặc cá nhân), do không đăng ký thế chấp được như khi vay ở ngân hàng, tổ chức tín dụng để bảo đảm quyền lợi của bên vay nên các bên chọn phương án ký hợp đồng chuyển nhượng.

Đây thực tế là thoả thuận cho việc thế chấp bảo đảm khoản vay. Nhưng về mặt “giấy trắng mực đen” là hợp đồng chuyển nhượng đất. Điều này gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp vì khó xác định được bản chất đúng của giao dịch mà các bên thực hiện.

Do đó, Luật Đất đai (sửa đổi) cần có hướng dẫn việc thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản thế chấp là QSDĐ của cá nhân với cá nhân, cá nhân với tổ chức kinh tế khác theo quy định pháp luật”- luật sư Phạm Văn Tình nêu ý kiến.

Đại diện Văn phòng ĐBQH-HĐND tỉnh đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) một số nội dung liên quan đến đất rừng. Bà Nguyễn Tuyết Thư- Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh nêu ý kiến: tại khoản 1, Điều 60 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về Điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, có quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sau khi có nghị quyết của HĐND cấp tỉnh thông qua và phù hợp với quy định tại Điều 54 của luật này.

“Theo quy định trên thì HĐND tỉnh thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Tuy nhiên cần làm rõ, HĐND tỉnh có thông qua chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đối với hộ gia đình, cá nhân không”- bà Tuyết Thư đặt câu hỏi.

Về chuyển mục đích sử dụng đất trồng rừng, Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh cho rằng, tại khoản 1 Điều 60 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: HĐND cấp tỉnh thông qua chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất; khoản 3 Điều 20 Luật Lâm nghiệp năm 2017 về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác quy định: HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20 ha; rừng sản xuất dưới 50 ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư.

Bà Tuyết Thư nhấn mạnh: “Theo quy định trên, HĐND tỉnh vừa thông qua chuyển mục đích sử dụng đất rừng, vừa thông qua chuyển mục đích sử dụng rừng. Tuy nhiên, chưa quy định rõ HĐND tỉnh sẽ thông qua chuyển mục đích sử dụng đất rừng trước, hay chuyển mục đích sử dụng rừng trước.

Riêng rừng đặc dụng, Luật Đất đai giao HĐND cấp tỉnh thông qua chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, nhưng Luật Lâm nghiệp không giao thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng cho HĐND cấp tỉnh, điều này không đồng bộ khi triển khai thực hiện trong thực tế”.

Ngoài ra, các đại biểu dự hội thảo còn có ý kiến liên quan đến bình đẳng giới, quyền của phụ nữ; quyền và trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam như công tác tuyên truyền, phương thức lấy ý kiến nhân dân để bảo đảm tiếng nói của phụ nữ trong cả quá trình tham gia xây dựng luật, quyền phụ nữ trong sử dụng đất đai…

Ngọc Diêu