Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
ĐBQH tiếp xúc cử tri:
Nhiều ý kiến góp ý xoay quanh dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi)
Thứ sáu: 17:29 ngày 26/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 26.2, tại Công an tỉnh, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV đối với lĩnh vực liên quan đến Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi). Dự buổi tiếp xúc có ông Huỳnh Thanh Phương- Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Đại tá Lý Hồng Sinh- Phó Giám đốc Công an tỉnh; lãnh đạo các phòng nghiệp vụ trực thuộc Công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã, thành phố.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri đối với lĩnh vực liên quan đến Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi).

Tại buổi tiếp xúc, Đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi); lắng nghe phản ánh, kiến nghị của cử tri đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương về lĩnh vực mà cử tri quan tâm trong nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Ý kiến cử tri xoay quanh những nội dung liên quan đến dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi) như: cần xem xét từ “bổ sung” vào tên luật thành “Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi, bổ sung). Tại khoản 8, Điều 2, giải thích từ ngữ về “tệ nạn ma tuý là việc sử dụng trái phép chất ma tuý, nghiện ma tuý và các hành vi vi phạm pháp luật về ma tuý mà chưa đến mức hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Cụm từ “việc sử dụng trái phép chất ma tuý, nghiện ma tuý” bị thừa. Do tệ nạn ma tuý bao gồm cả các hành vi vi phạm pháp luật về ma tuý, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Cử tri đề nghị sửa lại thành “tệ nạn ma tuý là các hành vi vi phạm pháp luật về ma tuý mà chưa đến mức hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Tại khoản 14, Điều 2 trong dự thảo luật có nêu “cai nghiện ma tuý là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về tâm lý, xã hội, y tế giúp người nghiện ma tuý dừng sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, phục hồi thể chất, tinh thần…”.

Các cử tri tham dự buổi tiếp xúc.

Đề nghị xem xét lại từ “dừng”, thay bằng “không tiếp tục” để thể hiện rõ ý. Ngoài ra, chất ma tuý đã bao gồm thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần nên không cần phải cụ thể hoá, đề nghị sửa “cai nghiện ma tuý là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về tâm lý, xã hội, y tế giúp người nghiện ma tuý không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma tuý phục hồi thể chất, tinh thần…”.

Cử tri đề nghị bổ sung nội dung giải thích từ ngữ tại Điều 2, làm rõ về “phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma tuý” (có đề cập đến tại khoản 5, Điều 3). Trong quá trình vận dụng pháp lý để xử lý, có nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau dẫn đến tranh chấp nên cần làm rõ các nội dung.

Tại Điều 38, dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi), việc cai nghiện ma tuý cho người bị tạm giam chưa phù hợp. Khoản 13, Điều 2 giải thích từ ngữ về “người nghiện ma tuý là người sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này”.

Theo quy định, người nghiện ma tuý được coi là nghiện khi được cơ quan y tế xác định tình trạng nghiện. Người sử dụng và các đối tượng khác khi chưa được xác định tình trạng nghiện thì không phải người nghiện. Do đó, cử tri đề nghị điều chỉnh lại “người nghiện ma tuý là người sử dụng trái phép chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này và được cơ quan y tế xác định tình trạng nghiện”.

Tại khoản 3, Điều 8, cần bổ sung thêm trách nhiệm từ phía gia đình đối với học sinh, sinh viên sử dụng trái phép chất ma tuý. Khoản 4, Điều 11 dự thảo luật, có các cụm từ bị trùng lặp, đề nghị sửa thay cụm từ “có trách nhiệm” thành “chủ trì, phối hợp”.

Cử tri góp ý đối với dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi).

Cử tri còn tham gia đóng góp ý kiến cho Điều 3, quy định có 11 hành vi bị nghiêm cấm và hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến ma tuý do luật định. Tuy nhiên, việc thống kê sẽ còn thiếu sót, chưa đầy đủ, cần xem xét thêm nội dung về các hành vi khác liên quan đến ma tuý mà không được pháp luật quy định, có danh mục kèm theo do Chính phủ quy định.

Trong khoản 11, Điều 2, việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người cai nghiện ma tuý, cần nêu rõ hành vi vi phạm để khi cụ thể hoá thành nghị định xử lý cho phù hợp…

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho biết đã ghi nhận đầy đủ và sẽ tổng hợp ý kiến của cử tri để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, làm cơ sở dữ liệu cho các ĐBQH thảo luận trong kỳ họp.

Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục