BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhìn lại và suy nghĩ để tạo đột phá trong xây dựng, phát triển quê hương Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 18/02/2018 - 11:30

BTN - Năm Đinh Dậu 2017 đã trôi qua, năm Mậu Tuất 2018 đang bước tới, một lần nữa quê hương Tây Ninh thân yêu của chúng ta lại hân hoan đón chào mùa xuân mới, mùa xuân thanh bình, tràn đầy niềm lạc quan, tin tưởng đối với sự phát triển của tỉnh nhà. Trong niềm vui chung đó, tôi xin mời quý bạn đọc Báo Tây Ninh cùng nhìn lại một năm mà Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã ra sức phấn đấu xây dựng, đạt những thành tựu đáng kể.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân tặng tranh lưu niệm cho Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong đêm biểu diễn văn nghệ của Tây Ninh chào mừng kỷ niệm 63 năm Ngày giải phóng thủ đô. Ảnh: Đức An.

KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2017

Nhìn chung, trong năm vừa qua, với sự quyết liệt, chủ động của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cùng sự nỗ lực của các thành phần kinh tế và đặc biệt là các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh ta tiếp tục khởi sắc và đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực:

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá và cao hơn mức bình quân chung của cả nước, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8% so với cùng kỳ (cả nước tăng 6,81%), GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 2.400 USD.

Tỉnh đã khai thác đối đa các nguồn lực và đã đầu tư một số dự án trọng điểm như cầu và đường Bến Đình, đường Điện Biên Phủ, đường Kà Tum - Tân Hà; triển khai xây dựng nâng cấp đường 30.4, đường Nguyễn Văn Linh và hoàn chỉnh các thủ tục chuẩn bị đầu tư một số công trình lớn để triển khai trong năm 2018.

Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai và thi công dự án đường Hồ Chí Minh, đường Tuần tra biên giới đoạn qua Tây Ninh; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và đề nghị bổ sung đường cao tốc Gò Dầu - thành phố Tây Ninh - Xa Mát vào quy hoạch hệ thống đường bộ cao tốc Việt Nam thời gian sắp tới.

Chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; rà soát, hoàn thiện chính sách và áp dụng pháp luật; tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính, nhất là về thuế, phí, đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, giải quyết kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp và của người dân.

Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, nhất là đã mời gọi được một số nhà đầu tư chiến lược trong một số lĩnh vực kết cấu hạ tầng, du lịch, thương mại, nông nghiệp, điện năng lượng mặt trời. Việc chuyển đổi mô hình nông nghiệp bước đầu đạt được kết quả tích cực, góp phần tác động các hộ nông dân điều chỉnh sản xuất theo hướng liên kết và tạo ra các sản phẩm sạch. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện thường xuyên.

Chương trình xây dựng nông thôn mới luôn được quan tâm, có nhiều cách làm sáng tạo đi vào thực chất (bình quân toàn tỉnh đạt 14,2 tiêu chí/xã, tăng 0,6 tiêu chí so với năm 2016), và năm nay tiếp tục có thêm  5/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn toàn tỉnh lên 27/80 xã (đạt 33%).

Luôn quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường, tài nguyên và khoáng sản. Quan tâm chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp theo chỉ đạo của Trung ương.

Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân và đã có những chuyển biến rất tích cực; tổ chức nhiều sự kiện văn hoá, thể thao quảng bá hình ảnh quê hương, con người Tây Ninh. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công các giải thi đấu thể thao cấp khu vực, cấp quốc gia, hội thảo quốc tế về du lịch.

Quan tâm chăm lo các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, xây tặng 1.043 căn nhà đại đoàn kết, xây mới 119 căn và sửa chữa 234 căn nhà tình nghĩa. Giáo dục và đào tạo được tiếp tục chú trọng: đã triển khai 9 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp cơ bản năm học 2017-2018 theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Ban hành và triển khai các Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân và nông dân vùng nông thôn; triển khai tốt phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt đang xây dựng, củng cố Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đẩy mạnh kêu gọi xã hội hoá đầu tư lĩnh vực khám, chữa bệnh; Người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 78,3% so với tổng số dân toàn tỉnh (KH: 77%). Chăm lo, phục vụ tốt cho nhân dân đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Thực hiện tốt công tác quân sự quốc phòng địa phương, nắm chắc tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, trên tuyến biên giới. Quan tâm đầu tư xây dựng các đồn biên phòng theo cơ chế tỉnh đầu tư 50%  và Trung ương đầu tư 50%.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm nên tỷ lệ tội phạm giảm nhiều so với năm 2016, phá nhiều vụ án mua bán, vận chuyển ma tuý, buôn lậu qua biên giới. Công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia được duy trì thực hiện; tập trung triển khai việc mở cửa khẩu chính Phước Tân, cửa khẩu phụ Hoà Hiệp (bến Năm Chỉ) và chuẩn bị mở cửa khẩu quốc tế Tân Nam.

Hợp tác đối ngoại được chú trọng, tăng cường với các tỉnh Campuchia giáp biên và các tỉnh, thành phố, với các bộ, ngành Trung ương, trong năm đã ký kết hợp tác phát triển kinh tế xã hội với thành phố Hà Nội, tỉnh Bình Phước, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, tỉnh Svay Rieng, Campuchia vv... góp phần quan trọng trong việc giới thiệu hình ảnh Tây Ninh với bạn bè; xây dựng lòng tin, sự hiểu biết, hợp tác cùng nhau phát triển.

Công tác thi hành án dân sự đạt được kết quả tích cực; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân được chỉ đạo quyết liệt, giải quyết kịp thời; số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm so với năm 2016. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được quan tâm, tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, phát hiện, phòng ngừa chú trọng các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Phong cách làm việc của cán bộ nhìn chung chủ động, linh hoạt và sâu sát hơn, nội bộ đoàn kết thống nhất trong tư duy và hành động; chân tình, thẳng thắn, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành.

NHẬN DIỆN THỰC TRẠNG, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TƯƠNG LAI

Thành phố Tây Ninh nhìn từ trên cao. Ảnh: Dương Vĩnh Tuyên .

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, mang tính đột phá, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức các lớp nghiên cứu chuyên đề cho cán bộ lãnh đạo quản lý của tỉnh về nhận diện thực trạng kinh tế - xã hội của địa phương, nhận diện rõ tiềm năng - cơ hội và thách thức, từ đó làm cơ sở hoạch định, định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tới.

Nâng cấp đường 30.4. Ảnh: Đ.H.T.

Sau khoá học, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện những giải pháp đột phá do Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban, Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó trưởng ban thường trực.

Để hiện thực hoá mục tiêu, nhiệm vụ của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã thành lập 5 nhóm nghiên cứu tạo đột phá trong các lĩnh vực: Hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng giao thông; Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; Nguồn nhân lực; Du lịch và Công nghệ thông tin do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng từng nhóm, lãnh đạo chủ chốt các sở, ngành có liên quan làm thành viên. Hằng tháng, Ban Chỉ đạo họp đánh giá tình hình công tác của các nhóm.

Qua hơn 10 tháng hoạt động (từ tháng 3.2017), nhìn chung, Ban Chỉ đạo và các nhóm công tác đã nỗ lực hoạt động với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao nhất, thể hiện tư duy, tính chủ động và sự nhạy bén trong công việc, đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là tham mưu, định hướng phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Định hướng tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông: Trên cơ sở đánh giá hiện trạng (mặt được, chưa được, hạn chế, yếu kém) kết cấu hạ tầng của tỉnh, cũng như nhu cầu phát triển của địa phương, Nhóm nghiên cứu đã tham mưu đề xuất Tỉnh uỷ, UBND tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là tạo đột phá về hạ tầng giao thông giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025 tập trung vào các công trình dự án trọng điểm đó là:

Đề xuất với các bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ đưa dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và Gò Dầu - Xa Mát vào kế hoạch đầu tư trung hạn của Chính phủ. Đây có thể xem là dự án quan trọng nhất để tạo điều kiện cho Tây Ninh đột phá phát triển về kinh tế, nhất là tập trung kêu gọi đầu tư, hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh, rút ngắn thời gian di chuyển. Thực tế cho thấy, nếu không có hệ thống đường cao tốc, Tây Ninh khó có thể tạo đột phá về kinh tế trong thời gian tới.

Nhằm kết nối đồng bộ, nhất là tạo hành lang phát triển với các tỉnh, thành phố lân cận, cũng như góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch, tỉnh đã đề nghị Chính phủ nâng cấp tuyến quốc lộ 22, 22B giai đoạn 2017 - 2020; thúc đẩy nhanh tiến độ đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa phận Tây Ninh), đường tuần tra biên giới.

Đồng thời tập trung nguồn lực của địa phương đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến đường tỉnh như: ĐT 782 - ĐT 784 (từ tuyến tránh quốc lộ 22 đến ngã tư Tân Bình, mở rộng, nhựa hoá tuyến đường Đất Sét - Bến Củi), đường tỉnh ĐT 781 từ ngã ba Bờ Hồ đến tỉnh Bình Dương; đường ĐT 790 nối dài từ đường Khedol Suối Đá đến Bờ Hồ - Bàu Vuông - Cống số 3. Các dự án này đầu tư bằng nguồn ngân sách thay cho cơ chế kêu gọi đầu tư BOT trước đây, để giảm áp lực về phí cho doanh nghiệp và người dân.

Để nâng cao năng lực vận chuyển, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị hoá và phục vụ du lịch trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đầu tư các dự án: nâng cấp, mở rộng đường 30.4 từ ngã ba Mít Một đến đài liệt sĩ theo hướng hiện đại, sau khi nâng cấp, mở rộng sẽ là tuyến đường đẹp nhất trong tỉnh, hệ thống điện và điện thoại được ngầm hoá, xoá bỏ các con lươn, mở rộng làn xe, tăng thêm độ dày, có lề đường hoàn chỉnh tạo điều kiện phát triển thương mại - dịch vụ; đầu tư nâng cấp mở rộng đường Điện Biên Phủ, sau này sẽ mở rộng, nâng cấp đường Bời Lời từ đài liệt sĩ (giáp đường 30.4 nối dài) đến cổng Khu du lịch núi Bà với bề rộng mặt đường 60m.

Đường Điện Biên Phủ vừa được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: Đ.H.T

Bên cạnh phát triển hạ tầng giao thông đô thị, tỉnh tiếp tục mời gọi đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là thành phố Tây Ninh.

Tỉnh đã rà soát quỹ đất công, nhất là trên các trục đường chính trung tâm đô thị để quy hoạch, xây dựng tiêu chí mời gọi đầu tư phát triển các khu phức hợp, trung tâm thương mại - khách sạn, văn phòng cho thuê, phố thương mại…hiện nay, tỉnh đã thu hút được các dự án lớn như: Dự án trung tâm thương mại - khách sạn - Shophouse Vincom Tây Ninh (trên đường 30.4); Dự án khu phức hợp khách sạn - trụ sở làm việc phố thương mại MB Land; Dự án siêu thị AuChan, Co.opMart Trảng Bàng, Co.opMart Tây Ninh, Co.opMart Tân Châu; Dự án chợ truyền thống Chợ Long Hoa… Các dự án hạ tầng giao thông đô thị sẽ tạo điều kiện cho địa phương phát triển toàn diện cũng như góp phần tạo cảnh quan cho đô thị thành phố Tây Ninh và các địa phương.

Định hướng tạo đột phá về phát triển nông nghiệp: Thực hiện chủ trương đẩy mạnh việc cơ cấu lại trong lĩnh vực nông nghiệp của Chính phủ và của tỉnh, Nhóm nghiên cứu đột phá về phát triển nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:

Để đánh giá đúng thực trạng về nông nghiệp của tỉnh, nhất là nhận diện đúng về những hạn chế, yếu kém, bất cập trong lĩnh vực này, làm cơ sở định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tới, trên cơ sở tham mưu của nhóm nghiên cứu, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh”. Hội thảo được đánh giá là thành công, thu hút đông đảo các học giả, chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp trong nước và quốc tế tham gia.

Đặc biệt có sự tham gia của Uỷ viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Tại hội thảo này, Bộ NN&PTNT đã quyết định chọn Tây Ninh là địa phương thực hiện thí điểm mô hình phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao theo hướng gia tăng chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sau hội thảo, nhóm nghiên cứu đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2017-2020, định hướng 2025, đồng thời phối hợp với Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và một số doanh nghiệp xây dựng thí điểm mô hình phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao…

Để giải quyết căn cơ bài toán thị trường và đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, tỉnh đã kêu gọi được 2 dự án, một của Công ty Tanifood đầu tư nhà máy chế biến, đóng hộp các loại trái cây, hoa quả xuất khẩu tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu; một của Công ty Nutrivision đầu tư nhà máy chế biến thực phẩm công nghệ cao Nutrimeat (chế biến thịt bò hộp) tại xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu.

Đồng thời, tỉnh cũng đã ban hành một số chính sách ưu đãi cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp. Để chủ động quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại đất các công ty, nông trường; xử lý các trường hợp lấn chiếm đất của tổ chức, cá nhân; đất hợp đồng, đất mượn. Đến nay đã cơ bản xong các thủ tục pháp lý để giao đất về cho địa phương quản lý.

Đỉnh núi Bà Đen- điểm đến của nhiều du khách trẻ thích khám phá. Ảnh: Ngọc Diêu 

Với các mô hình điểm, các dự án đã và đang kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, cũng như các chính sách ưu đãi, hy vọng nông nghiệp địa phương sẽ phát triển nhanh, mạnh, vững chắc trong thời gian tới.

Định hướng đột phá phát triển nguồn nhân lực: Trên cơ sở đánh giá thực trạng những bất cập, yếu kém nguồn nhân lực của địa phương, cũng như nhu cầu đòi hỏi trong thời gian tới, nhất là trong giai đoạn tăng tốc phát triển về kinh tế - xã hội, Nhóm nghiên cứu đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2017-2020, định hướng 2025, trong đó tập trung củng cố, phát triển nguồn nhân lực ở những lĩnh vực hiện nay đang yếu và thiếu, theo hướng trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ lộ trình và cơ chế thực hiện, theo đó, giai đoạn 2017-2020, tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực y tế, giáo dục (ngành mầm non), nông nghiệp công nghệ cao và du lịch.

Song song với đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực đối với các lĩnh vực ưu tiên, tỉnh quan tâm bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao kiến thức đội ngũ cán bộ hiện có; hoàn thiện các chính sách thu hút nhân tài cho phù hợp, nhất là chú trọng yếu tố hoàn thiện và xây dựng môi trường làm việc, tạo điều kiện cho nhân tài cống hiến và trưởng thành; thực hiện việc rà soát, đánh giá cán bộ để bố trí sử dụng đúng và trúng với trình độ, năng lực, sở trường, chú trọng công tác tuyển dụng công khai, minh bạch và có chất lượng.

Để hiện thực hoá các định hướng, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực đề ra, tỉnh giao các ngành xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện, nhất là tham mưu UBND tỉnh cụ thể hoá chương trình hợp tác giữa Tây Ninh với TP.Hồ Chí Minh, giữa Tây Ninh với TP.Hà Nội trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực để đến năm 2020, nguồn nhân lực của tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của sự phát triển.

Trước mắt, tỉnh chỉ đạo ngành Y tế xây dựng và hoàn thiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm cơ sở tạo đột phá trong lĩnh vực y tế đến năm 2020; chuẩn bị quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư bệnh viện và Trường THCS, THPT chất lượng cao tại tỉnh; tiếp tục phối hợp với Trường đại học kinh tế Fulbright tổ chức các lớp nâng cao kiến thức, kỹ năng lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là lãnh đạo quản lý và cán bộ tham mưu từ tỉnh đến cơ sở; cập nhật, bồi dưỡng về ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Khmer) cho cán bộ chủ chốt các cấp để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và đối ngoại.

Một pha thi đấu đầy quyết liệt tại Giải bóng chuyền nữ quốc tế Cúp VTV9 - Bình Điền lần thứ XI năm 2017 do Tây Ninh đăng cai tổ chức (từ 22 - 30.4 tại Trung tâm thi đấu thể thao tỉnh). Ảnh: Đại Dương.

Định hướng tạo đột phá trong lĩnh vực du lịch: Thực hiện chủ trương, định hướng đưa du lịch Tây Ninh trở thành ngành kinh tế quan trọng, nhằm đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh làm cơ sở định hướng phát triển, trên cơ sở tham mưu của nhóm nghiên cứu, UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo du lịch với chủ đề “Du lịch Tây Ninh - Tiềm năng - Cơ hội phát triển” với sự tham gia của các diễn giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành về du lịch trong nước và quốc tế, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, đặc biệt là sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái và lãnh đạo các vụ, Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Qua hội thảo, các đại biểu thống nhất nhận định và đánh giá Tây Ninh có tiềm năng về du lịch, có đủ điều kiện để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch tâm linh - truyền thống - nghỉ dưỡng - sinh thái và nhấn mạnh núi Bà Tây Ninh phải là điểm nhấn quan trọng, là trung tâm phát triển để tạo sự lan toả về du lịch của địa phương, đủ điều kiện để có thể phát triển thành trung tâm du lịch; nếu có bước đi đúng sẽ thu hút được nhà đầu tư chiến lược.

Trên cơ sở kết quả hội thảo và khảo sát học tập kinh nghiệm phát triển du lịch của các địa phương, nhóm nghiên cứu đã tham mưu xây dựng và trình UBND tỉnh xem xét, ban hành Chương trình phát triển du lịch Tây Ninh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2030, làm cơ sở đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế vào du lịch, nhất là tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực này.

Theo đó, xác định du lịch núi Bà Đen cùng với Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, hồ Dầu Tiếng và Toà thánh Tây Ninh là vùng liên kết phát triển du lịch của tỉnh, trong đó lấy núi Bà Đen là trọng tâm. Đầu tư phát triển du lịch núi Bà Đen trở thành khu du lịch mang tầm cỡ khu vực, đa dạng hoá các loại hình du lịch: truyền thống - tâm linh - nghỉ dưỡng - sinh thái - mạo hiểm.

Đồng thời khẳng định rõ quan điểm phát triển du lịch phải gắn kết hài hoà với giữ gìn bảo tồn, tôn tạo và phát huy tối đa các giá trị di tích lịch sử, truyền thống văn hoá và bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Dự án Trung tâm thương mại- khách sạn - Shophouse Vincom Tây Ninh đang được xây dựng. Ảnh: Đ.H.T .

Để hiện thực hoá mục tiêu định hướng này, trên cơ sở thực hiện quy hoạch tổng thể du lịch núi Bà Đen của Chính phủ, tỉnh đã xây dựng nhiệm vụ quy hoạch chung Khu du lịch núi Bà làm cơ sở quy hoạch chi tiết để mời gọi đầu tư; đã hoàn thành quy hoạch 1/500 khu tâm linh - lễ hội.

Tỉnh đã mời gọi được tập đoàn Sun Group, một trong những tập đoàn lớn hàng đầu hiện nay trong lĩnh vực vui chơi, giải trí du lịch của Việt Nam với các dự án đầu tư du lịch mang tầm cỡ quốc tế như khu du lịch Bà Nà Hills (Đà Nẵng), Khu công viên phức hợp Hạ Long (Quảng Ninh), Khu du lịch cáp treo Fansipan (Sapa, Lào Cai), các dự án du lịch ở Phú Quốc… đến khảo sát tìm hiểu tiềm năng, lợi thế của Khu du lịch núi Bà và tập đoàn này đang thuê tư vấn quốc tế khảo sát nghiên cứu núi Bà Đen để định hướng đầu tư.

Nếu Tập đoàn Sun Group quyết định đầu tư chính thức vào Khu du lịch núi Bà sẽ tạo ra cú hích quan trọng, tạo sự đột phá về du lịch của tỉnh trong thời gian tới. Du lịch được xem là ngành kinh tế tổng hợp, vì vậy, nếu tạo được bước đột phá về du lịch cũng đồng nghĩa với việc tạo sự lan toả lớn về kinh tế, nhất là phát triển thương mại - dịch vụ của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh đang xúc tiến nghiên cứu và phát triển các mô hình du lịch cộng đồng và các loại hình du lịch mang đậm bản sắc địa phương.

Kiểm tra giống cây trồng tại Trung tâm Thực nghiệm công nghệ sinh học Tây Ninh.

Nhằm thu hút đầu tư, góp phần quảng bá hình ảnh, quê hương, con người Tây Ninh với đồng bào cả nước và quốc tế, trong năm qua, Nhóm nghiên cứu phát triển du lịch cũng tham mưu và tổ chức thành công các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch lớn để lại dấu ấn tốt đẹp như: Giải bóng chuyền nữ quốc tế Cúp VTV9 - Bình Điền lần đầu tiên diễn ra tại Tây Ninh; Vòng chung kết nữ, xếp hạng nam giải bóng chuyền vô địch quốc gia PV Gas năm 2017 và gần đây nhất, vào ngày 6.10.2017 tại Hà Nội, tỉnh đã tổ chức thành công “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” với các chương trình văn hoá nghệ thuật đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hoá địa phương và vùng đất Nam bộ, tạo ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân Thủ đô về một Tây Ninh thân thiện, tình nghĩa.

Với quyết tâm lớn, với định hướng và giải pháp mang tính đột phá, đặc biệt là sự mời gọi được nhà đầu tư chiến lược, chắc chắn tiềm năng du lịch Tây Ninh sẽ được khai thác và phát triển xứng tầm trong thời gian tới.

Định hướng tạo bước đột phá về công nghệ thông tin: Nhằm bắt kịp xu hướng của cuộc cách mạng 4.0 và xu thế xây dựng các lĩnh vực trọng tâm theo nội hàm thông minh, tỉnh đã kịp thời thành lập nhóm đột phá thứ 5 về công nghệ thông tin vào cuối năm 2017.

Năm 2017 và đầu năm 2018, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án du lịch thông minh và giao Sở Y tế xây dựng Trung tâm dữ liệu y tế thông minh.

Dưa lưới trồng thử nghiệm tại Trung tâm Thực nghiệm công nghệ sinh học Tây Ninh. Ảnh: Lê Văn Hải

Trong năm 2018, Nhóm đột phá sẽ tham mưu UBND tỉnh đánh giá tổng thể về hiện trạng hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin trên các ngành, lĩnh vực, nhu cầu và khả năng xây dựng các lĩnh vực để xây dựng Kế hoạch đột phá lĩnh vực công nghệ thông tin giai đoạn 2018 - 2020 gắn kết với cải cách hành chính theo hướng kết nối, liên thông và khai thác các cơ sở dữ liệu và hạ tầng công nghệ thông tin hiện có, triển khai thuê cơ sở hạ tầng, triển khai các bản ghi nhớ hợp tác về lĩnh vực công nghệ thông tin giữa UBND tỉnh với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực: hành chính công, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông và nông nghiệp.

Tín hiệu mới nhất trên đường tăng tốc phát triển công nghệ thông tin là sự kiện vừa diễn ra trong quý IV/2017, đó là việc UBND tỉnh cùng với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) ký kết hợp tác và phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020 vào ngày 30.10.2017.

Mục tiêu của việc ký kết hợp tác này thể hiện nội dung cam kết giữa hai bên, là căn cứ định hướng để hai bên cùng đầu tư nguồn lực, triển khai thực hiện các chương trình hợp tác nhằm xây dựng thành công một số lĩnh vực công nghệ thông tin tại Tây Ninh theo nội hàm “thành phố thông minh”.

Hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, tạo môi trường làm việc điện tử diện rộng, ổn định, an toàn, an ninh thông tin, nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc; giảm thời gian, chi phí cũng như nâng cao tính minh bạch trong hoạt động các cơ quan Nhà nước, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, phát triển Tây Ninh trở thành thành phố thông minh và thân thiện.

Cầu Quan đêm hội hoa xuân. Ảnh: Đ.H.T

Nội dung hợp tác giữa tỉnh Tây Ninh và Tập đoàn Viễn thông Quân đội bao gồm: với khả năng và năng lực của mình, Viettel hỗ trợ, góp sức cùng tỉnh Tây Ninh trong quá trình xây dựng quy hoạch tổng thể thành phố thông minh tại tỉnh Tây Ninh và kiến trúc kỹ thuật chi tiết thành phố thông minh cho một số lĩnh vực ưu tiên.

Cụ thể, UBND tỉnh và Tập đoàn Viễn thông Quân đội thống nhất chọn 6 lĩnh vực: hành chính công, giao thông, du lịch, y tế, giáo dục và nông nghiệp để xây dựng thành 6 lĩnh vực thông minh một cách toàn diện.

Thực hiện nội dung hợp tác, trước mắt, Viettel phối hợp cùng các đơn vị liên quan của Tây Ninh tiến hành khảo sát chi tiết hiện trạng của các lĩnh vực được chọn và đề xuất giải pháp triển khai tổng thể, hoàn thiện kiến trúc kỹ thuật chi tiết cho từng lĩnh vực, đến cuối năm 2018 hoàn thành và đưa vào sử dụng các ứng dụng thành phố thông minh đối với các lĩnh vực lựa chọn triển khai.

Hai năm sau (2019-2020) tiếp tục nghiên cứu, triển khai các lĩnh vực còn lại của thành phố thông minh, phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh.

Thi công đường Hồ Chí Minh qua Tây Ninh. Ảnh: Đỗ Thành Nhân.

Việc thực hiện nội dung hợp tác, lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Viễn thông Quân đội thống nhất quan điểm là tuân thủ các quy định pháp luật của Nhà nước, bảo đảm tính cạnh tranh; kế thừa và ứng dụng hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông, cơ sở dữ liệu và ứng dụng đang triển khai của tỉnh Tây Ninh.

Trên cơ sở hợp tác tự nguyện, bình đẳng, thiện chí vì sự phát triển chung của cả hai bên, lãnh đạo Viettel khẳng định sẽ sử dụng công cụ mạnh nhất, ngôn ngữ lập trình, kỹ thuật tiên tiến nhất để đi tắt, đón đầu triển khai thành công các lĩnh vực thành phố thông minh cho tỉnh Tây Ninh.

Cuối cùng, với những gì đã làm được trong năm 2017 và phương hướng kế hoạch, lộ trình phát triển trong thời gian tới, hy vọng năm Mậu Tuất - 2018, nhân dân Tây Ninh cùng với hệ thống chính trị của tỉnh sẽ tiếp tục tăng tốc quyết liệt trên đường đi tới tương lai. Thay mặt Đảng bộ, Chính quyền tỉnh, tôi xin kính chúc toàn thể đồng bào, đồng chí trọn vẹn niềm vui, hạnh phúc của mùa xuân mới.

Phạm Văn Tân

Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh