Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xây dựng Chính phủ điện tử:
Nhìn rộng, hành động nhanh
Thứ ba: 08:32 ngày 04/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chúng ta đang triển khai một nền kinh tế số, Chính phủ phải đi đầu trong việc xây dựng Chính phủ điện tử. Nếu không hội nhập, không cải cách đổi mới, đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin, mà trước hết là xây dựng Chính phủ điện tử, chúng ta sẽ chậm phát triển vì năng suất thấp. Đây là vấn đề Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra trong cuộc họp về việc xây dựng Chính phủ điện tử vào tháng 5-2018.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Ủy viên Thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử cho rằng gần 20 năm xây dựng Chính phủ điện tử, mục tiêu đạt được còn rất hạn chế.

Còn tư tưởng thu gom, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ

Xây dựng Chính phủ điện tử là nhu cầu tất yếu và thực tế chúng ta đã triển khai việc này từ rất sớm. Vậy vì sao mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ, thưa Bộ trưởng?

Chúng ta thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử đã gần 20 năm, đã có những thành tựu ban đầu, nhưng mục tiêu đạt được còn rất hạn chế. Những vấn đề cốt lõi trong xây dựng Chính phủ điện tử thì chúng ta chưa đạt được. Ngay cả vấn đề thay đổi nề nếp, cải cách lớn trong hệ thống các cơ quan Nhà nước còn rất khiêm nhường.

Như tôi nói, chúng ta bắt đầu xây dựng Chính phủ điện tử từ năm 2000, nhưng quan trọng do cách làm khác nhau. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm đến vấn đề phải xây dựng cách nhìn tổng thể ra một chiến lược, nhưng đồng thời chọn ra trong việc làm cái gì là phải có, cái gì là cái có thể làm từng bước, làm từ việc dễ đến việc khó, từ cái nhỏ nhất. Quan điểm của Thủ tướng là nhìn thì nhìn rộng, hành động thì nhanh nhưng bắt đầu từ cái nhỏ nhất.

Với quyết tâm của Thủ tướng là xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, Chính phủ tập trung phục vụ cho người dân và doanh nghiệp thì cải cách là hết sức cần thiết trong xây dựng Chính phủ hiện tại. Ứng dụng công nghệ thông tin, minh bạch hóa, công khai hóa trong phát triển Chính phủ… chính là sự mong đợi của mọi người dân, doanh nghiệp. Việc tham gia cải cách, xây dựng một nền quản trị thông minh là xu thế tất yếu.

http://image.baoangiang.com.vn/fckeditor/upload/2018/20180903/images/mai%20tien%20dung.jpg


Đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân cản trở việc thực hiện mục tiêu này?

Có thể nói, các vấn đề về xây dựng thể chế, Luật Chính phủ điện tử hay quy định về chia sẻ dữ liệu thông tin, bảo mật thông tin cá nhân, đặc biệt là vấn đề kết nối chia sẻ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các dịch vụ công trực tuyến với doanh nghiệp và người dân còn rất khiêm nhường.

Năm 2016, chỉ số về phát triển Chính phủ điện tử do Liên hợp quốc đánh giá thì Việt Nam tăng 10 bậc, đứng thứ 89/193 quốc gia, lãnh thổ. Và chúng ta có chỉ số dịch vụ công trực tuyến cũng tăng gần 10 bậc, từ 82 lên tới 74/193 quốc gia, lãnh thổ.

Năm 2018, chỉ số về Chính phủ điện tử được nâng thêm một bậc, hiện nay ta đang đứng thứ 88/193 quốc gia, lãnh thổ, chỉ số dịch vụ công trực tuyến tăng 15 bậc. Chỉ số này cho thấy sự cố gắng, nhưng so với kỳ vọng thì kết quả đạt được còn hạn chế.

Thứ nhất, hạn chế trong xây dựng thể chế, việc này chưa được quan tâm đúng mức, không có định hình thể chế rõ ràng, không có quy định, yêu cầu rõ ràng để bắt buộc thay đổi từ sử dụng giấy tờ truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, có sự kiểm soát, giám sát của người dân và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước… Còn thói quen dùng giấy tờ, đó là né tránh sự giám sát, kiểm soát của các cơ quan.

Thứ hai, rào cản là chúng ta còn tư tưởng thu gom, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của một cơ quan nên không muốn chia sẻ bất cứ cái gì. Đặc biệt là vai trò của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, ở đâu có người đứng đầu quyết liệt thì nơi đó sẽ có chuyển động rất mạnh.

Rồi vấn đề công khai, minh bạch, công bố các thủ tục hành chính cấp độ 3,4 và hồ sơ đó phải chạy trên nền điện tử. Khó khăn nữa là chúng ta chưa hoàn thành nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia mà những cái đó rất quan trọng, nó là cái gốc của vấn đề khi xây dựng Chính phủ điện tử. Hạ tầng chúng ta có, nhưng hạ tầng đó đã đảm bảo độ an toàn và độ tin cậy chưa thì còn ở mức độ nào đó và có bất cập, cần xử lý đồng bộ.

Khó khăn, vướng mắc lớn nhất khi triển khai Chính phủ điện tử là gì và chúng ta khắc phục điều đó bằng cách nào, thưa Bộ trưởng?

Khó khăn lớn nhất vẫn là do tư tưởng con người, đặc biệt là người đứng đầu và lực lượng cán bộ công chức thi hành công vụ không muốn rời bỏ việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, người dân mà họ phải tìm đến mình. Rào cản lớn nhất là rào cản chúng ta thay đổi cách làm truyền thống.

Ví dụ, Bộ Tài chính là Bộ tiên phong đi đầu trong cải cách, khi chúng ta nói vấn đề mã số thuế, kê khai thuế, nộp thuế điện tử, kê khai hải quan... Ngành Bảo hiểm xã hội cũng vậy, vấn đề kê khai, chi trả trên điện tử... Nếu chúng ta làm được, thông suốt được vấn đề này, chắc chắn chúng ta sẽ khắc phục được.

Thứ hai là phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia. Chúng ta đã có chủ trương rất lâu rồi nhưng hiện nay chưa làm được. Nếu mỗi một công dân có một mã số định danh điện tử thì phải có một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện nay chúng ta cũng làm nhưng chưa được bài bản, chưa chuẩn.

Chúng ta cũng phải có cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, bảo hiểm, y tế... Nếu có một cơ sở dữ liệu nền tảng như vậy thì sẽ quản lý, sàng lọc, chia sẻ để sử dụng, đánh giá, phân tích dữ liệu đó khi phục vụ cho nghiên cứu, xây dựng chiến lược…

Thứ ba là vấn đề đào tạo nguồn lực. Chúng ta có nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin. Khi đi nước ngoài, chúng tôi rất ngưỡng mộ việc có nhiều kiều bào của chúng ta ra nước ngoài rất giỏi, được các nước sở tại đánh giá rất cao. Tuy nhiên, khi yêu cầu có cán bộ trình độ cao ở trong nước lại rất thiếu. Xây dựng Chính phủ điện tử, hay nói cách khác là nền kinh tế số và xã hội số, chúng ta mới thấy nhu cầu cần cán bộ thực hiện việc này.

Thứ tư là ý thức của người dân, vì không phải chỉ riêng cán bộ làm là đã xong. Dịch vụ công trực tuyến liên quan đến phục vụ đối tượng doanh nghiệp và người dân nên cần sự thay đổi từ cách làm của người dân, thay vì muốn mang hồ sơ đến trực tiếp, không quan tâm đến kết nối mạng, kết nối điện tử. Nếu người dân thay đổi cách làm như vậy, sẽ mang lại lợi ích cho xã hội, mang lại lợi ích cho người dân. Nếu được cả như vậy, vượt qua được rào cản đó, thì chúng ta sẽ thành công.

Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng cơ sở dữ liệu. Có một hạ tầng tốt, bảo đảm tuyệt đối an ninh mạng, an ninh hệ thống, an ninh dữ liệu, thì sẽ có phát triển bền vững, tránh được rủi ro, sự xâm nhập, chống phá của các thế lực thù địch. Nếu quản lý tốt được như vậy, chắc chắn những sự phao tin, lợi dụng làm xấu hình ảnh của chúng ta sẽ loại trừ được.

Tạo sự lành mạnh trong các cơ quan quản lý Nhà nước

Thực tế cho thấy nhiều bộ, ngành đã đầu tư hệ thống dữ liệu thông tin riêng nhưng lại không kết nối liên thông và chia sẻ với nhau, gây không ít lãng phí, phiền hà. Theo Bộ trưởng, khắc phục tình trạng này có khó?

Đúng là hiện nay có tình trạng các bộ, ngành, địa phương đều hình thành trung tâm công nghệ thông tin nên đầu tư phân tán, dàn trải là có. Chúng ta bị phân tán nguồn lực đầu tư. Nhưng cái quan trọng nhất là chúng ta không chia sẻ được với nhau, chưa tạo sự thống nhất, chuẩn hóa về dữ liệu báo cáo và khung điện tử so với cập nhật của thế giới vẫn còn ở mức độ nào đó, chưa theo kịp xu thế phát triển Chính phủ của các nước tiên tiến.

Chúng tôi đi tham quan thực tế tại Estonia, Pháp, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore thì thấy mỗi nước đều có một thành tựu. Như Estonia là một nước số hóa đứng đầu thế giới vì có 99,99% dịch vụ công trực tuyến với người dân. Mỗi một năm, Estonia tiết kiệm được khoảng 2% GDP. Còn ở Hàn Quốc, họ xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia chung, từ đó chia sẻ, phân phối dữ liệu thông tin cho các cơ quan và chia sẻ thông tin cho người dân, doanh nghiệp. Những thông tin đó luôn phục vụ cho chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo đất nước trên từng lĩnh vực. Họ nắm mọi thông tin, dữ liệu nên khi ra các quyết định hoàn toàn có cơ sở, chính xác, khách quan vì các dữ liệu này cập nhật thường xuyên.

Còn ở nước ta, mỗi bộ, ngành, địa phương đều có dữ liệu của riêng. Hạn chế của chúng ta là không chia sẻ được với nhau. Chúng ta có thể kết nối và đảm bảo nhưng chưa chia sẻ được.

Để giải quyết vấn đề này, ngày 12-7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước. Việc gửi, nhận văn bản trên nền điện tử và thông suốt từ các cơ quan hành chính cao nhất của Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương, tới cả huyện, xã. Từ chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đang tham mưu với Thủ tướng xây dựng một hệ thống đường truyền quốc gia, có các quy định về chia sẻ dữ liệu thông tin, đặc biệt, phải tạo ra cơ sở dữ liệu thông tin có tính chắt lọc chứ không phải dữ liệu thông tin lỗi thời, cũ rích và thiếu sự chia sẻ.

Văn phòng Chính phủ đang trao đổi với các chuyên gia tư vấn của các nước và trong nội bộ, tạo ra các nền tảng giúp Thủ tướng xây dựng, đề xuất làm sao có sự kết nối và chia sẻ, trở thành quy định bắt buộc, cùng với đó là đào tạo cán bộ đáp ứng được yêu cầu, rồi truyền thông tốt, rõ ràng việc này.

Thưa Bộ trưởng, triển khai Chính phủ điện tử có giảm được tham nhũng, tiêu cực và phiền hà cho người dân?

Có thể nói xây dựng Chính phủ điện tử gắn liền với cải cách của Chính phủ. Trong giai đoạn Thủ tướng đang quyết liệt cải cách ở các cơ quan hành chính Nhà nước và cải cách thủ tục hành chính, đây là ưu tiên số 1 của Chính phủ. Nếu chúng ta làm tốt sẽ tạo ra công khai, minh bạch. Chúng ta cũng trực diện, đi thẳng vào yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, từ đó hạn chế tiêu cực, hạn chế tham nhũng về thể chế, chính sách - vì người dân không cần gặp, cũng không cần biết ai giải quyết vấn đề của họ, nên tránh được tiêu cực, lãng phí.

Năm 2016, riêng về kiểm tra chuyên ngành mỗi năm tốn khoảng 30 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng, như vậy, khi cải cách sẽ tiết giảm được chi phí chính thức và không chính thức, tạo ra công khai, minh bạch, tạo ra những kênh phải giải trình của các cơ quan hành chính Nhà nước. Muốn làm được thì phải thay đổi nhận thức. Trước hết, thay vì làm giấy tờ truyền thống, hãy chuyển đổi xử lý hồ sơ trên nền điện tử, tiến tới số hóa.

Tất cả vấn đề định danh cá nhân thế nào, rồi xử lý hồ sơ công việc bằng số hóa hết sẽ tạo ra thuận lợi, môi trường trong lành, giảm chi phí, tiêu cực, tham nhũng trong thực thi công vụ. Thủ tướng rất quan tâm vấn đề này. Ngay cả khi họp Chính phủ, bao giờ cũng dành thời gian đầu cho xây dựng thể chế, đánh giá cải cách của các bộ, ngành, địa phương.

Xây dựng Chính phủ điện tử, chúng ta tiến tới Chính phủ số và nền kinh tế số. Mỗi một công dân như Estonia chỉ làm mã số định danh một lần và không phải làm các thủ tục nhiều như chúng ta. Nếu làm được như vậy sẽ tiết kiệm rất lớn các chi phí cho xã hội, chi phí của người dân. Những gì mà pháp luật không cấm thì người dân được làm. Còn những cái cấm như cấm chia sẻ, lợi dụng chia sẻ thông tin thì không được làm.

Tất cả vấn đề đều phải được công khai, như một ngôi nhà được chuyển nhượng bao nhiêu lần, giá cả từng thời điểm chuyển nhượng đều được công khai, cập nhật trên mạng. Nếu làm tốt xây dựng Chính phủ điện tử thì sẽ tạo ra sự lành mạnh trong các cơ quan quản lý Nhà nước, tạo ra niềm tin của thị trường rất cao.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn TTXVN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục