Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Viết ngắn
Nhớ bánh tráng nướng, khoai lùi đống un
Chủ nhật: 09:36 ngày 27/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vừa sưởi ấm, vừa điểm tâm bằng bánh tráng nướng, khoai lang lùi đống un xong, trời cũng bắt đầu hửng nắng, anh em tôi vào nhà chuẩn bị đi học. Những buổi học cuối cùng của năm âm lịch, trước khi được nghỉ tết. Chị tôi thì lo quét nhà, quét sân... Ba thì xách nơm, đụt đi bắt cá để dành ăn tết...

Giữa tháng Chạp, những đám lúa mùa muộn nhất trên cánh đồng quê tôi cũng đã gặt đập xong. Vậy là công việc ngoài đồng ruộng xem như tạm kết thúc. Bà con nông dân vùng quê nghèo ven sông bắt đầu chuẩn bị ăn tết. Nhà tôi cũng vậy. Sau gần hai tháng, một mình long sình, lội nước, ngụp lặn thu hoạch lúa nhà và đi đập lúa mướn, ba tôi cũng như nhiều nông dân khác “rửa tay”, vắt liềm, cất bồ đập lúa, tập trung lo cho gia đình đón tết.

Sau khi phơi khô, đong lúa cho chủ ruộng xong, năm nào trúng mùa nhà tôi còn được khoảng 50 giạ lúa và chừng 5-6 giạ nếp. Dù cho đổ vô bồ hết số lúa có được để dành ăn trong một năm, nhà tôi cũng không đủ nấu cho đến ngày giáp hạt. Biết vậy, nhưng ba cũng vui vẻ bán đi 10 giạ lúa để có tiền lo cho mấy bữa tết.

Năm nào cũng vậy, bán lúa xong, ba xúc 3 giạ “rồng xanh” (một loại lúa cho gạo trắng, nấu cơm nở, xốp, làm bánh tráng rất ngon) và một giạ nếp chở đến nhà máy xay gạo. Xay gạo xong, ba đổ vô lu hai thùng (một giạ lúa xay ra được 1 thùng gạo) để nấu ăn hằng ngày. Thùng nếp, ba để dành ngày ba mươi tết gói bánh ít, bánh tét, trước cúng ông bà và má tôi (má tôi mất sớm), sau đó cho anh chị em tôi ăn. Còn một thùng gạo, ba đạp xe chở đến lò bánh tráng để mướn tráng bánh gia công.

Mỗi thùng gạo tráng được 10 ràng bánh (mỗi ràng 100 cái bánh). Năm nào đi mướn tráng bánh, ba cũng không quên dặn chủ lò tráng 8 ràng bánh nhúng (bánh tráng nem) và 2 ràng bánh tráng nướng (chiếc bánh được làm to và dày hơn bánh nhúng). Sau mấy ngày hẹn, chủ lò làm bánh tráng xong, ba lại đạp xe chở bánh về nhà. Bánh tráng nhúng, ba cất kỹ trên gác, đợi đến bữa ba mươi tết, cúng rước ông bà và má tôi, rồi cả nhà mới được ăn. Còn bánh tráng nướng, ba để riêng bên ngoài và nướng cho anh chị em tôi ăn trong những ngày cận tết.

Tôi nhớ lại, trước kia vào những ngày cận tết, thời tiết rất lạnh, nhất là khi gần sáng. Hồi đó nhà nghèo quá, vách phên trống trước, hở sau, quần dài, áo ấm không có, mền chiếu mỏng manh, rách rưới, anh chị em tôi khó có thể ngủ ngon giấc cho đến sáng. Biết vậy, cứ tầm bốn giờ rưỡi là ba dậy. Rồi ba xách ky, cào cỏ đi gom rơm, lá cây khô, củi mục, gáo dừa, vỏ dừa... đốt đống un.

Nhóm lửa xong, ba gọi anh chị em tôi dậy hơ lửa cho đỡ lạnh. Cho chúng tôi đứng quanh đống un hơ lửa ngọn một chập cho nóng ấm toàn thân, ba ngưng bỏ thêm rơm, lá cây, vô nhà lấy một xấp bánh tráng và một mớ củ lang đem ra (củ lang ba mua từ dưới ghe, đậu ở bến sông gần nhà). Rồi ba lấy nhánh cây tầm vông nhỏ khều bớt mớ than hồng của củi mục, gáo dừa ra một bên. Sau đó ba lùi sâu mớ củ lang trong đống un. Tiếp theo, ba thổi lửa than cho sáng đỏ thêm lên và bắt đầu nướng bánh tráng.

Anh chị em tôi ngồi quanh bên đống un, xoè những bàn tay nhỏ nhắn hơ trên lửa than. Còn bàn tay thô ráp, đen đúa chai sần của ba nhanh chóng trở qua, trở lại từng chiếc bánh tráng nướng căng phồng, trắng tinh trên lớp than hồng. Bốn cha con quây quần bên đống un, vừa hơ, vừa nhai rôm rốp những chiếc bánh tráng nướng nóng giòn làm ấm miệng, ấm lòng.

Ăn bánh tráng nướng xong, ngồi chờ khoai lang lùi chín, ba thủ thỉ kể chuyện xưa, chuyện nay cho chúng tôi nghe. Biết là khoai lùi đã chín, ba lấy cây tầm vông khều ra từng củ. Những củ lang rám đen thơm lừng. Ba chia cho mỗi đứa vài củ. Bóc lớp vỏ cháy nám bên ngoài, anh chị em tôi ngồi bên đống un, ăn ngon lành. Những củ lang nướng thơm, nóng ấm, ngon ngọt, mịn màng trong miệng làm anh em tôi thích thú vô cùng.

Vừa sưởi ấm, vừa điểm tâm bằng bánh tráng nướng, khoai lang lùi đống un xong, trời cũng bắt đầu hửng nắng, anh em tôi vào nhà chuẩn bị đi học. Những buổi học cuối cùng của năm âm lịch, trước khi được nghỉ tết. Chị tôi thì lo quét nhà, quét sân... Ba thì xách nơm, đụt đi bắt cá để dành ăn tết... Những ngày cận tết thời thơ ấu của anh chị em tôi là như thế.

Tuy lạnh lẽo và thiếu thốn nhiều thứ, nhưng bù lại cũng có những buổi sáng tinh mơ ấm chân tay, no bụng, thoả lòng bên đống un, với bánh tráng nướng, khoai lùi của ba. Mà đâu chỉ có anh chị em tôi, nhiều trẻ em ở cái xóm nghèo ven sông ngày ấy cũng chung cảnh ngộ. Để chống lại cái rét, cái đói lúc sáng sớm, nhiều ba mẹ trong xóm cũng đốt đống un cho các con hơ và nướng bánh tráng, lùi khoai lang, khoai mì, hay nướng cá... cho con ăn.

Đã nhiều năm qua rồi, cánh đồng ruộng quê tôi cũng như các nơi khác đã cơ giới hoá từ khâu làm đất cho đến thu hoạch. Hình ảnh những chiếc bồ đập lúa đã đi vào dĩ vãng. Cuộc sống ngày càng được nâng cao, nhà tôi, cũng như cái xóm nghèo hầu hết là nhà tranh, vách đất, vách bồ trước kia giờ cũng đã đi vào quá khứ. Thay vào đó là nhà tôn, vách tường kín đáo, mưa không dột, gió không lùa vào được.

Trẻ em và người lớn có đầy quần dài, áo ấm... Dù cho những ngày cận tết có lạnh lẽo, trẻ em và người lớn cũng ngon giấc trong chăn êm, nệm ấm. Không còn ai phải thức dậy sớm, đi gom rơm, rạ, lá cây củi mục... đốt đống un để sưởi ấm và nướng bánh tráng, lùi khoai như ba tôi đã từng làm một thuở.

T.L

data:
Liên kết hữu ích
  • Bảng giá nệm khuyến mãi 2025
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục