Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhớ Bến Trâu
Thứ bảy: 22:06 ngày 13/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Xưa kia, nhà tôi ở gần một cái bến có nhiều đàn trâu lên xuống, người đi ngang qua thấy vậy gọi là “Bến Trâu”. Hầu hết bà con quê tôi ngày ấy sống bằng nghề nông, mà chủ yếu là sản xuất lúa nước. Khi đó, nền nông nghiệp chưa phát triển, cơ giới hoá chưa có, con trâu còn là “đầu cơ nghiệp”. Cánh đồng bưng quê tôi rộng vài ngàn mẫu. Để cày bừa đất cấy lúa và kéo xe phục vụ nông nghiệp, rất nhiều người chọn nuôi trâu. Nhà nào có một, hai mẫu ruộng thì nuôi một, hai đôi trâu. Những nhà khá giả có năm, bảy mẫu ruộng thì nuôi ba, bốn đôi trâu. Nhà nào nuôi nhiều trâu phải mướn người coi trâu và mướn người cày ruộng.

Mùa len trâu. Ảnh: Dương Vĩnh Tuyên

Bến nước ở xóm tôi dài và rộng. Dưới đáy bến có nhiều cát. Hai bên bờ bến có nhiều cây mọc tự nhiên che phủ. Bến nối liền từ một dòng rạch lớn đến con đường xe sâu dài chừng vài trăm mét. Hai bên đường nhiều bụi tre gai xen với các loại cây rừng làm cho con đường mát rượi. Hồi đó, toàn cánh đồng quê tôi mỗi năm làm chỉ có một vụ lúa mùa.

Nhờ có con đường đi thuận tiện, bến nước thoai thoải, nhiều cát, phía bên kia bến nước lại có hai con rạch nhánh đi sâu vào giữa cánh đồng, nên hầu hết nông dân quê tôi, kể cả những nhà cách khá xa bến đều cho trâu đến bến này.

Vào mùa cày, từ sáng sớm, người ta đã lùa trâu xuống bến, long qua rạch ra đồng bưng cày ruộng, rồi thả trâu cho ăn. Chiều lại lùa trâu về. Có người, vào lúc giữa trưa, không lùa trâu đi cày, hay thả ra đồng ăn, mà cho trâu xuống bến uống nước và tắm mát rồi lùa về. Nói chung là bến nước này, hằng ngày tập trung rất nhiều trâu, nên gọi là bến trâu. Dần dần “Bến Trâu” thành địa danh của xóm tôi. Cái âm thanh “nghé… ngọ” trở nên quen thuộc từ lúc tôi còn rất nhỏ.

 Trong những đàn trâu đông đúc tập trung về bến, tôi may mắn được “đè đầu, cưỡi cổ” hai con trâu. Đó là con trâu cui trong bầy trâu do anh hai Đực chăn thả và con trâu chảng trong đàn trâu do chú hai Bỏ trông coi. Anh hai Đực lớn hơn tôi chừng 6, 7 tuổi, da ngăm đen, đẹp trai.

Là anh cả trong một gia đình quá nghèo, lại nhiều em, nên anh phải sớm nghỉ học đi ở đợ chăn trâu. Anh hai Đực rất vui tính, mỗi lần lùa trâu xuống bến uống nước (lúc trưa), thấy tôi đứng xớ rớ trong sân nhà là kêu: “Ê nhóc! Có muốn cưỡi trâu không ra đây anh cho”.

Nghe anh kêu tôi lót tót chạy theo anh. Rồi anh hô lớn “cui... cui dò”. Nghe tiếng anh hô, con trâu cui dừng chân đứng lại liền. Đó là con trâu đực mập tròn, đầu, cổ rất to, cặp sừng bự và ngắn. Vậy mà nó hiền lành như… cục đất. Anh Đực đỡ tôi lên lưng trâu cho cưỡi luôn xuống bến nước.

Đàn trâu trầm mình xuống nước, tôi thì ngồi trên cổ con trâu cui mà kỳ cọ, đập ruồi, bồ hóng bu vào đầu vào mắt nó, còn anh Đực lo kỳ cọ mấy con trâu khác. Vừa tắm trâu, anh Đực vừa kể đủ chuyện tiếu lâm cho tôi nghe.

Ngẫu hứng anh lại nghêu ngao hát “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…” và “Ai bảo chăn trâu là khổ/ Chăn trâu sướng lắm chớ…”. Rồi hai anh em cười ha hả! Vui thật là vui. Không chỉ cho cưỡi trâu, kể chuyện tiếu lâm, hát cho tôi nghe, anh hai Đực còn làm giàn thun (ná thun) cho tôi và dạy tôi cách bắn giàn thun, dạy cách đánh gồng (còn gọi đánh trổng- trò chơi mà các anh mục đồng hay chơi).

Không chỉ có anh hai Đực mà hầu hết các anh, các chú chăn trâu ở đây đều dễ thương, dễ mến. Trong đó có chú hai Bỏ. Chú là mục đồng lớn tuổi nhất và là người có thâm niên đi ở đợ chăn trâu lâu năm nhất ở cái bến này.

Ngoài ra, chú còn có mấy cái nhất nữa, như tướng tá, mặt mũi xấu nhất, hiền lành, ít nói nhất ở đây. Lúc ấy, chú gần bốn mươi rồi mà chưa có vợ con gì hết. Nghe người lớn kể lại, chú là đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi dưới mái hiên đình làng, được một gia đình không con “lượm” về nuôi và đặt chú tên Bỏ.

Nhà ba má nuôi chú quá nghèo, nên chú không được đi học. Khi chú vừa “trọng trọng”, ba má nuôi cho đi ở đợ chăn trâu. Chú đi làm mục đồng được vài năm, ba má nuôi của chú lần lượt qua đời vì bạo bệnh. Người thân duy nhất của chú lúc ấy chính là gia đình mà chú ở đợ.

Từ đó, chú càng trở nên ít nói, suốt ngày lùa trâu ra đồng chăn thả, tối về cột võng bên cạnh chuồng trâu mà ngủ. Vậy mà chú rất thương tôi. Chú thường cho tôi cưỡi trên lưng con trâu chảng. Đó là con trâu cái lớn, có cặp sừng dang rộng hai bên, nhưng nó rất hiền lành.

Không chỉ cho cưỡi trâu, chú hai Bỏ còn lấy đất sét nặn trâu, ông Địa, vịt, làm tu huýt… cho tôi chơi. Hằng năm, cứ tầm khoảng tám đến chín giờ sáng mùng ba Tết, khi lùa trâu xuống bến, chú hai Bỏ đem cho tôi một bọc bánh, gồm các loại như bánh tét (có nhân), bánh tét chay (gói nếp trộn đậu đen, không nhân), bánh ít, bánh cấp… Đó là bánh chủ nhà tết trâu.

Đời ở đợ của mục đồng sướng nhất trong năm là mùng Ba tết. Bến Trâu quê tôi trở nên vắng vẻ nhất trong năm cũng là mùng Ba tết. Vì đó là ngày tết trâu (bò). Sáng sớm mùng Ba tết, chủ trâu đem gạo, bánh, trái cây, tiền mặt, nhang, đèn, trà, rượu… ra cạnh chuồng trâu mà cúng tết trâu.

Tết trâu xong, phần gạo, bánh, trái và tiền mặt thuộc về người mục đồng. Những anh ở đợ chăn trâu lấy tiền bỏ vào túi, rồi đội thúng gạo, phía trên có bánh, trái đem về cho cha mẹ, tiền đồng thì lì xì cho mấy đứa em. Mục đồng được ở nhà chơi với cha mẹ, anh chị em trọn mùng Ba, đến chiều tối lại cầm cái thúng không đem về trả nhà chủ và trở lại làm bạn với bầy trâu suốt một năm, chờ cho đến mùng Ba tết năm sau.

Đó là những người có nhà cửa, cha mẹ, anh chị em như anh hai Đực nói ở trên. Còn đơn thân như chú hai Bỏ thì biết về đâu vào ngày mùng Ba? Vì vậy, tết trâu xong, trong khi những bầy trâu khác bị nhốt trong chuồng (vì mục đồng được nghỉ về nhà mình) thì bầy trâu nhà chủ mà chú hai Bỏ chăn vẫn được thả ra đồng. Trước khi lùa trâu xuống bến, chú hai Bỏ đi tìm bọc lấy bánh tết trâu (phần chú được hưởng) đem cho tôi. Đàn trâu chú Bỏ chăn cũng là đàn trâu duy nhất xuống bến trâu và ra đồng trong mùng Ba tết. Vậy là quanh năm chú không nghỉ ngày nào, kể cả ngày tết trâu.

Nền nông nghiệp ngày càng phát triển. Cơ giới hoá từng bước thay thế sức kéo trâu bò. Số người nuôi trâu ở quê tôi ngày càng giảm đi và nay còn rất ít. Không còn ai lùa trâu xuống bến trâu nữa, bến trở nên hoang vắng. Còn con đường xe sâu, gần đây nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được nâng cấp cao ráo, lưu thông thuận tiện. Địa danh Bến Trâu quê tôi giờ cũng ít ai còn biết đến... 

N.H

Tin cùng chuyên mục