Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ông bà ngoại xót, nằm đêm trăn trở, con gái lấy chồng xa, không có vốn liếng để làm ăn, dù mẹ tôi biết nghề may hồi nhỏ. Ông ngoại mới cắt phần chiếc máy may từ mấy người em của mẹ đang may vá, chất lên chiếc xe đạp cái, cọc cạch trên quãng đường hơn 20 cây số đến nhà tặng con gái.
Ngày ấy, mẹ tôi kể lại, sau khi cưới nhau, mẹ theo cha về sống ở miền quê biên giới từ năm 1940. Khi ra riêng, bên nội chia cho miếng ruộng nhỏ, nằm ở vùng cằn cỗi, hết trồng lúa đến trồng khoai, miệt mài cả chục năm, mãi đến sau những năm 1960, đôi bàn tay cha lẫn mẹ chai sần cũng không qua khỏi cái nghèo.
Ông bà ngoại xót, nằm đêm trăn trở, con gái lấy chồng xa, không có vốn liếng để làm ăn, dù mẹ tôi biết nghề may hồi nhỏ. Ông ngoại mới cắt phần chiếc máy may từ mấy người em của mẹ đang may vá, chất lên chiếc xe đạp cái, cọc cạch trên quãng đường hơn 20 cây số đến nhà tặng con gái.
Nghe tiếng thắng xe kêu két két, là mẹ biết ông ngoại tới, cả nhà rộn vui. Bước vào nhà, ông ngoại thở hào hển, mồ hôi nhễ nhại, đẫm ướt bộ bà ba đen. Ông bảo, cha chở chiếc máy may lên cho vợ chồng con có may vá kiếm tiền nuôi mấy nhỏ học hành.
Mẹ tôi vừa mừng rỡ vừa lo lắng, cha cho tụi con vui mừng, nhưng rồi mấy dì nó ở nhà lấy gì mà may vá, ông ngoại lớn tiếng cười: “Ở dưới nhà mình đường sá thông thương, vài ngày nữa tới lên lúa, cha bán rồi gom góp thêm tiền cày bừa, cha đi Sài Gòn mua chiếc máy mới cho mấy em con chứ gì, dẫu gì ở dưới xe cộ chạy đi Sài Gòn ngày 2-3 chiếc, còn con ở trên đây xa xôi hẻo lánh khi muốn mua máy may đâu phải dễ”.
Ông ngoại lụi hụi tháo dây ràng, mở chiếc thùng giấy ra, chiếc máy may không mới lắm, không biết ngoại mua hồi nào, nhưng vẫn còn đen bóng, in rõ nhãn hiệu chữ màu vàng Sinco. Mẹ tôi vuốt vuốt chiếc máy may, búng búng bánh xe, chắt lưỡi, tội nghiệp ông ngoại, đường xa quá, còn gập ghềnh nữa.
Ông ngoại nhỏ nhẹ nói với các cháu, thương mẹ tụi bây, hồi nhỏ đã cực nhọc việc nhà, mà còn mê học may thêu nữa. Mẹ tôi có đến chín anh chị em, mẹ là người con gái thứ ba và cũng là người con gái lớn nhất trong nhà, nên ngoài phụ giúp gia đình việc đồng áng, đảm đương cơm nước, giặt giũ, quét dọn nhà cửa, mẹ tôi còn tranh thủ tới nhà người bà con gần nhà ngoại để học may vá.
Quả thật, có chiếc máy may, mẹ tôi vơi bớt nhọc nhằn. Sau mỗi buổi ra đồng, mẹ ngồi bên chiếc máy may ngay khung cửa sổ, đôi chân nhịp nhàng, cẩn thận từng đường kim mũi chỉ khâu vá quần áo cho cha, tám đứa con trong nhà.
Bà con lối xóm biết nhà tôi có chiếc máy may, thường tới nhờ mẹ tôi khâu vá quần áo cho con cháu, kể cả người lớn. Mẹ không nề hà, ai cho bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, không đặt giá. Khi chị Hai tôi lớn, mẹ tôi hướng dẫn nghề may cho chị, dù chị Hai biết may, nhưng chưa thể làm nghề được, bởi kiểu may xưa, quần áo không phù hợp với thời hiện tại, cha tôi mới đưa chị Hai lên tận Long Hoa học thêm, sau này chị Hai thành thạo, về làm nghề tại nhà, phụ cha mẹ nuôi các em khôn lớn.
Khi chị Hai rành nghề, đến ngày tết hay mùng Năm, mẹ mua vải về cho chị Hai cắt may quần áo của anh chị em tôi. Tôi còn nhớ, có lần cũng gần đến ngày tết, mẹ mua vải về, lúc chị Hai đo đạc để may quần tây cho anh em tôi, tôi nói, chị may quần ống bó hoặc rộng loe cho giống thanh niên xóm trên nhé chị, cha tôi từ nhà dưới bước lên nhà trên la cho một trận, mình ở nông thôn, may quần phải may sao cho đứng, suông, ống không ôm, cũng không quá rộng, nó mới chững chạc, khi mặc sẽ thoải mái hơn.
Khi chị Hai tôi lấy chồng ra riêng, mẹ tôi cũng đã già, chiếc máy may ấy được tặng lại chị Hai để làm nghề sinh sống. Nhờ chiếc máy may đó, mà chị Hai tôi phụ chồng nuôi các con khôn lớn. Chiếc máy may ấy giờ vẫn còn, chị Hai tôi ở tuổi 75, vẫn gìn giữ kỹ, có người đến hỏi mua cả triệu đồng, nhưng chị không bán.
Bây giờ máy may đủ loại, máy cơ hay máy điện tử, nhiều kiểu dáng đẹp, may với tần suất cao, tôi vẫn nhớ chiếc máy may xưa cũ mà ông ngoại tặng mẹ nuôi con, cho đến cháu trưởng thành.
Thuỳ Dung