Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tạp bút
Nhớ cô
Thứ bảy: 13:21 ngày 01/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thằng cháu ngoại ngọng nghịu hỏi mẹ: “Mai mốt con có cô giáo mới hả mẹ?”, làm tôi nghe xốn xang. Bởi nhiều năm qua, tôi cố gắng tìm tin tức về cô giáo của tôi ngày xưa. Mỗi lần nghĩ đến cô, nỗi ân hận trong tôi lại ùa về.

Những ngày cuối tháng tám, phụ huynh thường đưa con đi mua sắm cặp sách, đồ dùng học tập... để chuẩn bị cho năm học mới. Không khí trong gia đình cũng vui hơn. Ðứa lớn tự tay bao bìa, dán nhãn sách vở. Bé mới vào lớp Một được mẹ hoặc anh chị làm thay.

Thằng cháu ngoại ngọng nghịu hỏi mẹ: “Mai mốt con có cô giáo mới hả mẹ?”, làm tôi nghe xốn xang. Bởi nhiều năm qua, tôi cố gắng tìm tin tức về cô giáo của tôi ngày xưa. Mỗi lần nghĩ đến cô, nỗi ân hận trong tôi lại ùa về.

Ngày ấy tôi đang học lớp nhất (lớp năm bây giờ) do cô Hoa chủ nhiệm. Cô Hoa rất thương tôi. Mọi việc trong lớp như treo thời khoá biểu, gắn bảng danh dự kể cả mang sổ điểm, phấn viết... lên văn phòng rồi đem xuống lớp hằng ngày cô đều giao cho tôi làm. Tôi tự hào vì mình là học trò cưng của cô Hoa.

Rồi một hôm tôi cảm thấy hụt hẫng khi nhận tin cô Hoa phải theo gia đình chuyển về quê tận Sóc Trăng. Cô Vương Ngọc Oanh được điều về chủ nhiệm lớp tôi. Cô là giáo viên trẻ đẹp mới ra trường. Ðám bạn rất vui mừng, hồ hởi. Riêng tôi vẫn tiếc nhớ về cô chủ nhiệm cũ.

Qua những buổi học đầu tiên với cô Oanh, tôi cảm thấy thất vọng vô cùng. Bởi tôi không còn được cô xem là nhân vật quan trọng trong lớp nữa. Tự nhiên tôi không có chút cảm tình nào với cô, thậm chí rất ghét cô và bất hợp tác.

Cô giảng bài tôi không muốn nghe, bài tập thì làm qua loa chiếu lệ. Thế là tôi đành phải rời xa ngôi vị nhất, nhì trong bảng danh dự hằng tháng của lớp. Thấy tôi học hành sa sút, cô Oanh gần gũi, tìm hiểu, động viên... Nhưng cho dù cô làm gì, nói gì thì tôi vẫn xem cô Hoa là thần tượng.

Sau ngày phong trào Ðồng Khởi thành công ở Bến Tre, những cuộc nổi dậy của quân dân miền Nam diễn ra khắp nơi. Một buổi sáng năm 1962, mới sáu giờ sáng đã có nhiều học sinh đến trường. Trường lại nằm sau chợ. Thời đó, trường học, Uỷ ban hành chánh xã, chợ thường tập trung một khu. Có một toán du kích len lỏi vào để tiêu diệt những tên lính cộng hoà hay ghé ăn sáng tại sạp bán thức ăn ở góc chợ.

Thường người dân ghé chợ ăn sáng, gặp những tên lính này thường khéo léo tránh xa phòng khi có vấn đề xảy ra cũng ít bị ảnh hưởng. Khi nghe tiếng súng nổ, từ phía nhà trọ cách trường hơn trăm mét, cô Oanh đã nhanh chóng chạy vào trường để lo cho học sinh.

Thấy tôi còn đứng ngơ ngác trước cửa lớp, cô vội kéo tôi vào phòng học. Ngay lúc đó có tiếng nổ, cô vội choàng người che cho tôi rồi đẩy tôi xuống gầm bàn. Bỗng có tiếng la của cô, quay lại tôi thấy tay cô đẫm máu. Sau đó, các thầy cô trong trường đến sơ cứu rồi đưa cô vào trạm y tế. Cô không quên hỏi tôi có bị thương không.

Nhìn cô xanh xao trên giường bệnh, tôi cảm thấy ân hận vô cùng. Tôi tự hứa với lòng là sẽ cố gắng học và nghe lời cô. Nhiều lần định đến nhà trọ để xin lỗi cô nhưng tôi không dám. Dần dần tôi nhận ra cô thật giống như người mẹ của tôi, dù mẹ tôi đã qua đời sớm.

Ngoài việc hết lòng giảng dạy, cô còn dặn chúng tôi: “Con gái phải tránh việc chưa đi đã chạy, chưa nói đã cười”. Cô còn bảo: “nét chữ nết người...”. Ðể rèn viết chữ đẹp, cô thường cho chúng tôi ngòi viết lá tre để sử dụng trong giờ tập viết. Trong giỏ xách của cô lúc nào cũng có kim, chỉ, nút áo... để giờ ra chơi cô kết lại nút, khâu lại chỗ áo rách cho đám học trò nhà quê chúng tôi lúc đến trường còn vương mùi khét nắng. Nhằm ngày sinh của từng đứa hoặc ngày báo hiếu, cô thường tặng tập, viết, bông hồng... kể cả bông hồng trắng cho những đứa học trò mồ côi mẹ như tôi. Ngày đó, chúng tôi đâu biết gì về sinh nhật hay lễ Vu lan.

Thời gian cứ trôi, mỗi người mỗi ngả. Cô Oanh đã chuyển công tác về quê sau ngày chúng tôi lên học trường huyện. Cô trò khó có dịp gặp nhau. Tôi giận mình lúc đó sao không xin địa chỉ của cô để viết thư thăm hỏi. Tôi lớn lên cũng vào ngành sư phạm. Có học trò, có những buồn vui trong nghề dạy học, tôi lại cảm thấy có lỗi với cô vô cùng.

Thế nên, tôi nguyện lúc nào cũng phải là một giáo viên tốt, tất cả vì học sinh thân yêu như cô đã dành cho chúng tôi. Ðến tận bây giờ, tôi vẫn không biết nơi cô sinh sống, chưa một lần được gặp lại cô. Tôi vẫn còn nợ cô một lời xin lỗi dù rất đỗi muộn màng.

NGUYÊN HẠ

Tin cùng chuyên mục