Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhớ lời Di chúc theo chân Bác
Thứ ba: 03:10 ngày 03/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo vào năm 1965, đúng dịp sinh nhật lần thứ 75 của Người. Qua một số lần sửa chữa, bản Di chúc được hoàn chỉnh vào tháng 5.1969 và công bố lần đầu tiên trong lễ tang của Người vào tháng 9.1969.

50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ là dịp để chúng ta tiếp tục ôn lại lời căn dặn tâm huyết cuối cùng của Người về những việc to lớn, hệ trọng, cần làm sau khi đất nước thống nhất.

Những nội dung cốt lõi

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng, trước lúc đi xa, điều dặn dò trước hết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nói về Đảng. Trong đó, Người tập trung vào ba vấn đề có tính quyết định đến sự tồn vong của Đảng, đó là: đoàn kết, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình và sự thấm nhuần đạo đức cách mạng của người đảng viên, cán bộ.

Đặc biệt, lần đầu tiên và cũng là duy nhất, Người sử dụng khái niệm “Đảng cầm quyền” khi nói về Đảng. Theo đó, sứ mệnh to lớn của Đảng cầm quyền là lãnh đạo nhân dân tiến hành "một công việc cực kỳ to lớn, nặng nề và phức tạp”, “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.

Để làm được điều đó, đòi hỏi “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.  

Ảnh tư liệu

Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp bền bỉ, lâu dài, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thế nên, ngay sau khi nói về Đảng, Bác Hồ nói về đoàn viên và thanh niên, lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, đội hậu bị của Đảng, người chủ tương lai của đất nước. Người căn dặn: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Trong suốt cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một mục tiêu duy nhất để hướng tới, đó là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Ngay trong bản Di chúc chỉ có khoảng 1.000 chữ nhưng có đến 17 lần Bác nhắc tới từ nhân dân. Người chỉ rõ: “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng". Người nhắc nhở: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra lời tiên đoán có tính chất khẳng định, như một tất yếu của lịch sử: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài mấy năm nữa... Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”. Sau khi chiến tranh kết thúc, Người căn dặn: “Công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man”. Đó là công việc to lớn, khó khăn, vô cùng phức tạp nên Người đặc biệt quan tâm căn dặn trong Di chúc.

Về phong trào cộng sản thế giới, Người bày tỏ sự đau lòng vì bất hòa của các đảng cộng sản anh em. Người mong rằng “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”.

Nói về một số việc riêng, trước lúc đi xa Người “không có điều gì phải hối hận” vì suốt đời Người đã phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân hết sức, hết lòng “như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”, chỉ “tiếc là tiếc rằng không được phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Người căn dặn “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Có thể nói, dù được viết trên mặt sau của một tờ tin tham khảo nhưng những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò trong Di chúc không chỉ là tâm nguyện, tình cảm, niềm tin, trách nhiệm của Người đối với Tổ quốc, nhân dân, sự nghiệp cách mạng mà đó còn là một công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền, một bản phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta thời kỳ sau chiến tranh.

Những thành tựu trong 50 năm thực hiện

Với tất cả tình cảm kính yêu vô hạn và niềm tin tuyệt đối vào lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng và con đường cách mạng mà Đảng ta và Bác Hồ đã lựa chọn, nỗ lực xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta đã làm thỏa lòng mong ước của Người: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thực hiện ý nguyện của Người, chúng ta đã nỗ lực khắc phục các hậu quả của chiến tranh và bắt tay vào thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, sau hơn 30 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, một bộ phận vươn lên khá giả.

Vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao và có uy tín lớn trên thế giới. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Những thành tựu đó đã tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ta luôn kiên định, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; lấy xây dựng và chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, hàng đầu, lâu dài; dựa vào dân để xây dựng Đảng, giám sát Đảng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chỉ rõ 27 biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định về trách nhiệm nêu gương, trước hết là người đứng đầu, trong đó là các Ủy viên Trung ương, Ban Bí thư và Bộ Chính trị…

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, không khoan nhượng theo nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệbất kể người đó là ai”, đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào Đảng. Đặc biệt, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị năm 2003, Chỉ thị 03-CT/TW năm 2011, Chỉ thị 05-CT/TW năm 2016 đã dần trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, tự giác của hầu hết tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, được quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng, là biểu hiện sinh động của sự kính yêu Bác, niềm tin vào con đường và sự nghiệp cách mạng của Người.

50 năm, tròn nửa thế kỷ, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân nhận thức sâu sắc hơn tầm vóc, giá trị của Di chúc, cùng nhau đoàn kết, phấn đấu thực hiện thành công tâm nguyện cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Di chúc và những di sản của Người để lại mãi mãi là động lực to lớn, là ngọn hải đăng dẫn dắt Đảng ta, dân tộc ta trên con đường đi tới tương lai tươi sáng.

Thắng Nguyễn

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục