Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tháng 9.1969, tôi đến nhận công tác tại Ban Quân bưu Tây Ninh, gặp một người đàn bà chừng 50 tuổi, dáng vẻ gầy gò, vận bà ba đen, vai quàng khăn rằn với dáng vẻ đặc trưng của người phụ nữ Nam bộ.
Thời gian đầu tôi chưa hiểu bà làm công tác gì ở đây, chỉ thấy lâu lâu lại làm việc với ban lãnh đạo, sau đó bà đi đâu vắng chừng trên dưới một tuần lễ mới về. Sau này tôi mới biết bà tên Nguyễn Thị Giờ, quê ở Phước Chỉ, Trảng Bàng (cơ quan chúng tôi thường gọi là cô Ba Giờ), hoạt động trong đường dây bí mật vùng giải phóng với vùng địch tạm chiếm.
Nhờ có tấm căn cước do cấp trên lo, việc đi lại của bà giữa hai vùng ta và địch tương đối dễ dàng. Nhiệm vụ của bà là lấy tin tức từ các cơ sở cách mạng trong vùng địch về cung cấp cho Thường vụ Tỉnh uỷ và Ban Quân bưu. Ngoài ra, bà còn là đầu mối liên lạc giữa gia đình cán bộ kháng chiến trong vùng địch, tiếp tế tiền bạc, quà cáp, quần áo, thuốc men cho thân nhân trong chiến khu kháng chiến. Cũng có nhiều lần bà gặp lính nguỵ canh gác, bị chúng gây khó dễ, chủ yếu vòi tiền mãi lộ. Những lần đó, với cách cư xử khéo léo, bà đều qua chốt gác trót lọt.
Khoảng tháng 8.1972, ông Nguyễn Thành Lập là cán bộ lãnh đạo Ban Quân bưu Tây Ninh cử bà đi công tác ở vùng ấp chiến lược thuộc huyện Gò Dầu. Không may lần ấy bà bị địch bắt, đánh đập, tra hỏi, gặp lúc bà phát bệnh nặng, chúng đưa vào nhà thương Tây Ninh điều trị rồi bà qua đời tại đó.
Đi cùng với bà lúc đó còn có người con gái nhỏ tên Uẩn, 12 tuổi. Vì tuổi còn quá nhỏ, Uẩn không biết xử lý ra sao, đành để bà nằm đó rồi về quê báo cho người thân. Sáng hôm sau trở lại, nghe bảo vệ bệnh viện nói là đêm qua người ta đã đem chôn bà ở nghĩa địa Đất Thánh rồi. Thế là Uẩn thẩn thờ quay về.
Sau giải phóng, khu nghĩa địa Đất Thánh được giải toả để xây chợ, phần mộ chí của bà Ba Giờ cũng mất tăm từ đó.
Ngày 13.1.1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 27/TTg công nhận bà Nguyễn Thị Giờ là liệt sĩ chống Mỹ. Bà còn 3 người con trai đều tham gia kháng chiến chống Mỹ và đã hy sinh, gồm: liệt sĩ Nguyễn Văn Hoàng, du kích xã Phước Chỉ bị biệt kích địch bắn chết sau năm 1960; Nguyễn Văn Quang, chiến sĩ Ban Quân bưu Tây Ninh, hy sinh năm 1972 tại ngã ba Vịnh và Nguyễn Văn Oanh, chiến sĩ Ban Quân bưu Tây Ninh, hy sinh năm 1973 tại xã Bến Củi. Tất cả những người hy sinh kể trên đến nay chưa tìm được hài cốt.
Năm 1960, chồng bà đau bệnh, mất ở Phước Chỉ. Bà chỉ còn sót lại một người con gái tên là Nguyễn Thị Uẩn, 63 tuổi, đang sống ở ấp Trâm Vàng, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu. Do sinh ra trong chiến tranh, điều kiện nuôi dưỡng khó khăn nên Uẩn cũng không được khoẻ mạnh, nhanh nhẹn như nhiều người khác.
Bà Nguyễn Thị Giờ được công nhận là Bà mẹ VNAH theo Quyết định số 998/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký ngày 7.7.2009.
Đất nước hoà bình. Máu của những chiến sĩ tử trận đã hoà vào từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Không thể kể hết công lao to lớn của những gia đình đã đóng góp xương máu cho sự nghiệp giải phóng đất nước như gia đình bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Giờ. Bài viết này là một nén tâm nhang tôi dâng lên kính viếng hương hồn bà và các anh hùng liệt sĩ.
Mai Lâm Thuận
(Nguyên Chánh văn phòng Ban Quân bưu Tây Ninh trước năm 1975)