BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhớ mùi cơm rượu 

Cập nhật ngày: 12/07/2020 - 09:04

BTN - Thoáng đó mà đã qua tết giữa năm hay còn gọi là Tết Đoan ngọ. Lòng chợt xôn xao bao nhiêu nỗi niềm. Nghe như đâu đây mùi cơm rượu vẫn còn vương vít tơ lòng.

Tết Đoan ngọ còn được dân gian gọi bằng cái tên dân dã là tết giết sâu bọ. Các loài sâu bọ sẽ bỏ chạy hoặc chết lăn quay vì nhà ai cũng có bữa cỗ “giết sâu bọ” với trái cây đầu mùa, bánh ú nước tro. Và tất nhiên là không thể thiếu món cơm rượu. Chắc hẳn các nhà khoa học sẽ cười thầm trong bụng vì bữa cỗ “giết sâu bọ” của người dân.

“Sâu bọ” chết vì cái bánh ú nước tro béo ngọt hay trái nhãn thơm phức? Nó chết vì say la đà mùi cơm rượu nếp hay vị chua chua ngọt ngọt của quả chôm chôm? Nhưng theo quan niệm dân gian truyền lại từ bao đời nay, đây là lúc giao mùa, lúc nắng bắt đầu già, thời điểm mà mọi sinh vật hội tụ hoả khí, do đó các loài “sâu bọ” thuận lợi sinh sôi, tàn phá.

Chính vì thế mà phải “giết sâu bọ”. Cứ vào sáng sớm ngày mùng 5, khi vừa thức dậy phải “giết sâu bọ” ngay. Chỉ cần ăn một chén con cơm rượu cay cay, thêm men say nồng, khiến “sâu bọ” say lăn quay tức thì. Bà tôi còn nói ăn cơm rượu nếp vào ngày này còn có ý nghĩa là xua đi những điều không may mắn, đón những điều tốt lành, tăng thêm sức khoẻ.

Không biết thực hư thế nào, “sâu bọ” có say chết không, chứ riêng tôi chỉ cần ngửi men rượu nồng cay ấy thôi cũng đã đủ lâng lâng, ngây ngất bởi cái mùi thơm nồng, bởi mùi men cay khiến ta phải say cả đời.

Muốn có được món cơm rượu ngon phải lắm công phu. Cái món dân gian ấy lại cần một phong cách chưng cất vương giả. Nếp nấu cơm rượu phải là thứ nếp ngon nhất, lại còn phải là nếp lứt. Hạt nếp còn giữ nguyên lớp cám vàng đục, dịu mơ. Rồi xôi làm rượu cũng không chỉ hấp một lần.

Khi xôi gần chín, nhắc chõ xôi xuống, để hơi nguội, rưới chút nước lạnh vào rồi hấp lại vừa đủ độ theo kinh nghiệm của bà mẹ quê. Sau đó đãi ra nia, chờ cho xôi âm ấm mới xới cho vào rổ bên dưới có lớp lá chuối. Cứ một lớp xôi là rắc một lượt men. Tôi thấy bà tôi tỉ mỉ vò xôi lại thành từng viên nho nhỏ, xinh xinh.

Sau đó lấy lá chuối hoặc lá sen đậy ủ rổ xôi cho kín. Xôi nếp được ủ trong hương cỏ cây, hồn thảo mộc, nên lãng đãng hương đồng gió nội, ướp đượm cái tinh tuý của đất trời thì ngất ngây, la đà là chuyện đương nhiên.

Tôi nhớ bà tôi, người bà hiền hậu ngày xưa từng nói, cơm nếp dễ xôi nhưng để cho nó thành cơm rượu vừa ngon lại vừa “giết sâu bọ” được cần phải có một loại men rượu đặc biệt. Đó là một thứ sản vật trân quý, gia truyền. Phải gọi là một thứ “bí kíp” công phu. Mỗi lò men có một bí quyết riêng. Nếu xôi nếp là phần cốt, thì men rượu là linh hồn phảng phất hương vị đặc trưng.

Đã chọn men lò nào là phải chung thuỷ cả đời. Vì chỉ cần đổi men là cái tuý hồn đã không còn của ngày xưa nữa. Thậm chí, nếu chọn phải loại men không ngon, không đạt chất lượng chắc chắn cơm rượu sẽ bị sượng, không ngấm và sẽ chẳng còn hương vị đặc trưng của cơm rượu nữa.

Nước rượu nhỏ từ xôi nếp ủ men là tinh hoa trời đất được chưng cất mà trở nên tinh tuý. Có vị ngọt, nhẹ nhàng, hương nếp hoà cùng hương thuốc bắc của men; có vị cay nhẹ, tê tê đầu lưỡi. Chính vì thế, nhấp chút rượu này ta sẽ cảm nhận được hương vị ngọt ngào, ngất ngây mà không tê say, nghiêng ngả. Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, nhiều giá trị vật chất và tinh thần cũng thay đổi theo dòng biến thiên của cuộc đời, nhưng những nét phong tục truyền thống vẫn được nhiều gia đình lưu giữ. Và làm cơm rượu nếp là một trong những điều mà các bà, các mẹ vẫn nhắc nhở con cháu. Đó cũng chính là lưu giữ một nét văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Đỗ Thu Trang


Liên kết hữu ích