BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhớ nhớ, quên quên 

Cập nhật ngày: 01/07/2022 - 23:59

BTN - Đời như giấc mộng, vô thường lắm! Nửa đêm ở bệnh viện, thi thoảng lại nghe tiếng khóc, xé toạc đêm mùa hạ- vốn đã hầm hập nóng, càng làm cho những người dễ mủi lòng như tôi tưng tức ngực.

Nửa đêm, ở Phòng săn sóc đặc biệt khoa Nội B, tỉnh N, trừ những bệnh nhân nặng lúc nào cũng chìm trong mộng mị, còn lại đều nhộn nhạo, có người rơi nước mắt khi thấy Thành quỳ bên giường bệnh của Thắng- cha nó, người rung lên, tiếng khóc kìm nén trong lồng ngực thỉnh thoảng lại bùng lên hực hực. Nó buộc lòng phải trói cha nó, vì ông cứ liên tục rút kim luồn truyền nước, máu phun ra đầy drap giường. Bàn tay quen tháo lưới, vá lưới chỉ cần bấm được nút gút, trói cách nào Thắng cũng tháo được.

Sau ngày mình đối ẩm với mình gần 2 lít rượu, đương ngủ trên võng, chợt nhiên Thắng chới với lăn xuống đất, miệng sùi bọt mép, răng cắn vào lưỡi toé máu. Thành ôm ông lên chiếc xe ba bánh, hộc tốc đưa vào bệnh viện cấp cứu. Được 3 hôm, ổn ổn, ông được đưa lên Phòng săn sóc đặc biệt của khoa Nội B. Thắng tỉnh dậy, nhưng mấy ngày thiếu cử, ông miên man rơi vào cơn sảng rượu.

Thành: Ráng chút đi ba, truyền hết hai chai nước, con tháo dây cho ba, nhen ba!

Thắng: Tiếng của ai thỏ thẻ bên tai, nếu ta không lầm… tiếng của thím Tạ... Huê Đàn có phải?

Thành: Là con mà ba. Con là thằng Thành nè.

Thắng: Thì ra là thím đó à! Ô kìa, tội tình chi mà thím quỳ luỵ, sao thím không cười lên đi mà mặt ủ mày chau. Thím có tội gì đâu?

Thành: Con có tội… trói cha.

Thắng: Nghe thím nói mà lòng ta thêm thắc mắc? Có lý nào… Có lý nào vợ lại trói chồng? Không đâu... thím lầm rồi! Vợ tôi nào dám hai lòng, nó yêu tôi lắm thím à! Nó thương tôi lắm thím à! Nó thề thốt với tôi nhiều lắm thím à!

Người nuôi bệnh giường kế bên: - Hình như ổng sảng qua tuồng cổ rồi Thành?

Thành: Má con hồi xưa đi hát cải lương, ba con mê bả, nên học thuộc tuồng nhiều lắm. Hồi xưa ba con đâu có nhậu dữ dằn vậy, má con mất, ổng buồn, uống riết lún luôn.

Thắng: Ngày đầu… tương kiến ta đảo điên tâm hồn... vì nàng. Mắt long lanh … à ha… long lanh sáng ngời như ngàn vì sao, mi uốn cong như liễu, môi như hoa đào, thề với nhau suốt đời quyết không đổi dời như chim liền cánh liền cánh... uyên ương mãi mãi bên nhau.

Thành: Ba đừng có gồng, dây siết đau tay.

Thắng: Thím cho tôi hỏi, tôi làm đây là vì ai vậy thím?

Thành:...!!!

Thắng: Ha ha... Và còn vì ai nữa?

Thành: Vì… tụi con.

Thắng: Vì nàng?... ha ha… Ta phò cha nàng tiến trên vinh quang rồi… chuốc lấy đau thương nhục nhã. Thím đã không thương cũng nghĩ chút tình… chứ nỡ đâu thím tuyệt tình như vậy hả thím? Tôi đâu có ở bạc với thím sao thím lại ở bạc với tôi. Thà rằng thím để giặc cứ giết tôi thì tôi không đau bằng thím trói chồng giao cho giặc.

Thành: Ba ơi…

Thắng: Thôi thím về đi!

Mấy đêm thức trắng, người rã rời, nằm dưới chân giường bệnh của mẹ tôi, tôi cố lắng nghe cơn miên man sảng rượu của Thắng- lớn hơn tôi một tuổi, quanh năm chài lưới trên sông Vàm, miệt Gò Nổi, Thanh Điền. Hình như Thắng tưởng mình đương đứng trên sân khấu, vào vai Từ Hải Thọ gặp vợ là Tạ Huê Đàn trước khi bị xử bá đao. Hai bàn tay bị trói cố múa máy mấy ngón tay, giọng ề ề cất lên, nghe câu được, câu mất. Kể ra, ảnh thuộc lời còn hơn mấy cha nhắc tuồng cầm bổn đứng sau cánh gà.

Thắng: Tạ Huê Đàn… liệu ta có nên uống chén rượu này không? Vì đây... là chén rượu cay… xé dường thừa uất hờn dâng đáy ngực, ánh mắt người yêu tuôn ra lệ ngọc tống biệt người yêu đi về cõi xa mờ nhưng hình bóng nàng vẫn trọn kiếp tôn thờ, trong phút cuối ta định phân phải trái như hổ trong lòng đành tự hoại vuốt nanh kia.

Trời ơi! Phải chăng danh vọng uy quyền, song sắt thuyền quyên đã xoá tuổi tên của Từ Hải Thọ, chén rượu giao bôi ngày xưa đã vỡ, chén rượu hôm nay là lần gặp gỡ sau cùng. Danh vọng chán chường ta cúi mặt bâng khuâng.

Ta không khóc sao bờ môi thấm dòng lệ mặn. Vĩnh biệt nhau đôi đàng chia cách một cách đi về trắng lệ phù sương. Nhưng thôi nói thì nói vậy thôi chứ gì cũng là tình nghĩa vợ chồng ta sẽ uống cạn cho Huê Đàn nàng vừa dạ.

2.

54 tuổi, Thảo vẫn độc thân, bảo là “kén cá, chọn canh” thì chỉ đúng một phần, chủ yếu là mấy năm qua, bà già đổ bệnh nằm có một chỗ, không khác gì người thực vật, một tay anh chăm chút, tắm rửa, cho ăn… làm gì có thời gian mà rà rê.

“Suy cho cùng, bây giờ tự dưng rước người ta về, bắt người ta chịu khổ với mình, tội nghiệp”- Thảo nói. Nuôi bệnh lâu năm, anh đưa bà đi từ Chợ Rẫy qua 115, đến Bình Dân, mãi đến sau này anh mới đưa bà về Đa khoa tỉnh, cũng vì vậy nên anh rành mấy kỹ thuật đơn giản của điều dưỡng như thay nước biển, rút kim, tiêm thuốc tiểu đường, xông khí dung… Ở Phòng săn sóc đặc biệt, ai cũng gọi anh là “bác sĩ Thảo”.

Thành quỳ cạnh giường bệnh, Thắng tháo được dây trói chân, bung giò đạp một phát vào ngực thằng nhỏ, nó quỵ xuống sàn. “Anh Tám, anh chơi tui hả, anh lừa đổ rượu cho tui uống rồi đưa tui ra đám tràm trói tui, cho kiến vàng cắn tui hả.

Đ.mẹ, thằng này hiền, nhưng ghét nhứt thứ lừa thầy, phản bạn nhen”- Thắng trừng mắt nhìn thằng con, nhưng trong cơn sảng rượu lại hoá ra cha Tám bạn nhậu nào đó. Thành ôm ngực, nén cơn đau ngồi dậy, nước mắt trào ra ràn rụa.

“Bác sĩ” Thảo lao tới, vừa ghị chân Thắng xuống giường, vừa la Thành: “Thương thì cho roi, cho vọt… mày thương ba mày thì cột ổng cho chắc, truyền nước xong thì tháo ra, cột lỏng lỏng cũng như không”. “Con sợ gút chặt quá, ba con gồng đau tay ổng”- Thành lí nhí.

- Còn mày nữa, ở đâu chen vô chuyện tao với anh Tám, mày coi chừng tao, tao kiện tới huyện, tới tỉnh, tới Trung ương. Tao đi bắt lươn, mắc gì lừa tao nhậu rồi trói tao- Thắng quay sang chửi “bác sĩ” Thảo.

- Ông ngon hén, giỏi thì nằm xuống truyền nước xong rồi chơi tay đôi với tui!- “bác sĩ” Thảo cười cười.

Phụng- nhà ở miệt Trường Tây, hơi quá tuổi “thanh niên”, cũng độc thân, nuôi mẹ tai biến 2 năm nhổm dậy níu tay áo “bác sĩ” Thảo: - Thôi anh, ổng đang lên cơn mà, phụ thằng nhỏ cột ổng lại, truyền nước xong rồi tính.

Hai chân, hai tay bị cột chặt xuống thành giường, thêm một tấm drap giường chằng ngang ngực, Thắng co rúc, vùng vẫy một cách bất lực. Chai dịch truyền nhỏ từng giọt, từng giọt chậm rãi - như từng giọt cà phê phin giữa đêm, buồn rũ rượi. Có lẽ quá mệt, mà cũng có lẽ thuốc an thần bắt đầu ngấm, Thắng ngước lên trần nhà, mắt mờ mịt:

“Mỵ Nương… Mỵ Nương…

Trăng hỡi trăng khuya sao đoạn trường… vì đâu lỡ dở tơ duyên mong tìm quên lãng… cớ sao u tình chất nặng mang….bóng ai chập chờn giữa dòng trôi…. đau xé tim tôi…

Mỵ Nương ơi gặp gỡ mà chi rồi phải chia ly vĩnh viễn… ta không mơ cung son chẳng dám yêu người ngọc nhưng tại trời cao se duyên lộn mối để ngàn năm ta ôm khối si tình…

Ta muốn quên nhưng bóng hình ai trong giấc ngủ cứ hiện về, khối u tình ấy sẽ hoà vào dòng sông vắng.. để trọn đời ta vĩnh biệt tình ai.. đến bây giờ mới hiểu chữ tương tư.. cũng là lúc sức tàn lực kiệt… tay run run nâng cây sáo trúc mượn gió chở đi cả tấm chân tình…”.

Nghe tiếng ca, Thành hức lên thành tiếng, trong tiếng nấc, nó nói với “bác sĩ” Thảo: - Ba con nhớ má con. Ổng hay hát bài này cho bả nghe!

3.

Mùa này, trời nóng như điên, bệnh nhân vô khoa Nội B “nườm nượp”, giường để dọc cả hành lang, toàn người già, cả những ca nan y mà Chợ Rẫy, 115 “gửi về” tỉnh cho bớt quá tải. Đêm đó, cả phòng gần như không ngủ, một vài người nuôi bệnh ngoài hành lang cũng tò mò đứng nhìn qua cửa sổ, nhưng không một ai nỡ trách móc Thắng. Có người đoan chắc, đời thường Thắng là người chí thú làm ăn, quanh năm chỉ biết ruộng đồng, bò trâu, lươn, cá…

Có lẽ thật vậy, vì trong cơn sảng rượu, ngoài cú đạp trả thù cha Tám “lừa thầy, phản bạn”, còn lại vẫn là những hồi tưởng vụn vặt tình làng - nghĩa xóm rồi xuống giọng năn nỉ: “Anh gỡ trói đi, để tui xuống mí ruộng bắt 2 con lươn về nấu canh chua cho con thằng Thành, để nó xổng, uổng lắm, chừng 2 ký à!”.

Chai dịch truyền vừa rớt giọt cuối cùng, điều dưỡng tháo chai rồi dặn Thành cố giữ cây kim luồn trên tay để còn truyền tiếp. “Bác sĩ” Thảo toát mồ hôi hột khi phụ Thành gỡ mớ dây trói cột gút. Vừa được “tự do”, Thắng vùng dậy: “Tui đi dìa! Đ.má, tui không chơi với anh nữa. Anh Tám, mai mốt đừng ló mặt chó của anh qua nhà tui rủ nhậu nhen!”. Đô rượu tầm 2 lít nên liều thuốc an thần có vẻ như không xi-nhê gì với Thắng.

Thành chạy theo cha, bá vai: “Bạn bè chọc ghẹo nhau cho vui, làm gì giận dữ vậy? Khuya rồi, đường bờ tối tăm, thôi đêm nay anh ngủ lại nhà tui, mình kể nhau nghe chuyện bà Kim Sen đóng Lưu Kim Đính múa thương giải giá Thọ Châu”.

- Không à, vợ tui để tui nhớ, tui khắc trong tim, trong óc tui nè. Vợ tui, anh không có quyền nhắc tới bả… Tự dưng bả bỏ tui một mình chơ vơ, đời này còn có gì vui nữa hả anh? Bả mất, tui thề với lòng mình, từ giờ không ra sông Vàm nữa, ghe tui kéo lên bờ bỏ đó, anh thích thì kéo về xài đi! Đ.má, giờ tui chỉ biết phụ thằng Thành nuôi mấy con bò, rảnh thì nhậu cho quên cuộc đời chán như dế nhủi này. Anh để tui dìa, lôi kéo mần chi? - Thắng nhừa nhựa, chân vẹo xiêu, gồng người kéo Thành ra tận cửa phòng.

Loanh quanh chắc được 10 phút, lại thấy Thành cố dìu Thắng về giường. Nó cũng leo lên giường nằm, ôm ghịt cha trong vòng tay của mình. Cơn sảng rượu khi có, khi không. Giờ thì Thắng nhận ra thằng con trai mình, nhưng vẫn khẳng định người trói mình khi nãy là “cha Tám mất dạy”. Bứt rứt, Thắng định giật cây kim luồn. Thành chộp tay lại: “Nó là con bướm mà, để nó đậu đó cho vui, biết đâu là má con về!”.

- “Tao nhớ… má mầy!” - Thắng hực lên, nước mắt trào ra, giọng cà lăm hẳn.

4.

Đời như giấc mộng, vô thường lắm! Nửa đêm ở bệnh viện, thi thoảng lại nghe tiếng khóc, xé toạc đêm mùa hạ- vốn đã hầm hập nóng, càng làm cho những người dễ mủi lòng như tôi tưng tức ngực. Ở cấp cứu, chỉ trong một đêm, đã thấy 3 người ra đi, trong đó có cô gái còn rất trẻ, rất đẹp và một chàng trai 18 xin về nhà vì chấn thương sọ não nặng.

Ở Phòng săn sóc đặc biệt, khoa Nội B, dường như có một góc “phong thuỷ” (tôi nghĩ vậy), chỉ mấy ngày, đã có 2 ca “bóp bóng” đưa về nhà. Sống cho đáng sống, khó lắm! Nhìn tình cảm người thân dành cho người đã khuất, có thể cảm được đời họ đã sống như thế nào. Sống gần 90 mới chết vì già, chưa hẳn đã là phúc, biết đâu những ngày sống dài ngoằng đó là chuỗi rền rĩ cô độc, người thân chẳng buồn ngó ngàng, nằm trơ trọi trên băng ca, người bốc mùi thum thủm.

Thành không kể vì sao má nó mất, chỉ nói, bà ra đi khá đột ngột sau cơn tai biến, cha nó thất thần suốt mấy tiếng đồng hồ, rồi bỗng dưng vùng ra sông lôi chiếc ghe lên bờ, kêu xe kéo về nhà. Không ai hiểu vì can cớ gì Thắng lại thề không bao giờ ra sông Vàm nữa, nhưng Thành biết: Đâu còn ai theo ông, chòng chành trên ghe gỡ từng con cá trên tấm lưới vá chằng, vá chịt; đâu còn ai ca cho ông nghe Dạ cổ hoài lang mỗi khi ông khó ngủ.

- Má con hồi xưa có đi theo đoàn hát hả Thành? - tôi hỏi dò, hy vọng đó là người quen vì thân không ít đào, kép.

- Có, nghe ba con kể, bà đi nhiều đoàn, ca thì ngọt, nhưng không “ăn đèn” nên chỉ toàn đóng vai tì nữ. Lần đoàn về Thanh Điền, không biết bằng cách gì, mà khi đoàn rời đi, bà kiên quyết ở lại, về với ba con luôn. Ổng cưng bả lắm, không bao giờ để má con làm gì nặng, cũng không cho bà theo ghe, sợ nắng ăn da. Bà nài nỉ lắm, nói là ra ngắm sông, ngắm bông lục bình tim tím, ổng mới chịu.

Chỉ là những đoạn tâm sự ngăn ngắn khi Thắng thấm thuốc ngủ vùi trên giường bệnh, chẳng cần trói cột, và cũng quên cả chuyện “cha Tám mất dạy lừa thầy, phản bạn”. Đời này, trăm bề khổ ải, có khi nhớ nhớ - quên quên, người chung thuỷ chơn chất như Thắng, hoá ra lại hay!

“Từ là từ phu tướng

Bảo kiếm sắc phong lên đàng

Vào ra luống trông tin chàng

Năm canh mơ màng

Em luống trông tin chàng

Ôi gan vàng quặn đau í a

Đường dù xa ong bướm

Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang

Đêm luống trông tin bạn

Ngày mỏi mòn như đá vọng phu

vọng phu vọng ngóng trông tin chàng

sao nỡ phũ phàng

chàng là chàng có hay

đêm thiếp nằm luống những sầu tây

bao thuở đó đây sum vầy

duyên sắc cầm đừng lạt phai.

nàng nguyện cho chàng

hai chữ an bằng an

trở lại gia đàng

cho én nhạn hiệp đôi í a…”.

Đ.H.T