BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhớ rừng 

Cập nhật ngày: 01/03/2020 - 11:59

BTN - Về với Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát một ngày nắng như đổ lửa. Cánh rừng khộp khô khốc, lớp lá vàng khô rải thảm dưới chân đầy đe doạ, lại thêm những trảng cỏ cháy đen càng đậm vẻ “khủng bố”...

Cây vên vên hơn 200 tuổi, cây di sản Việt Nam ở Vườn QG Lò Gò -Xa Mát. Ảnh: ĐHT

Vậy mà, anh chàng dẫn đường cười tươi rói: nhìn vậy thôi chứ có gì đâu. Mấy trảng cỏ cháy do tụi em “đốt chủ động” (khoanh vùng đốt trước để bảo vệ rừng), 4 chòi canh lửa, trực phòng cháy chữa cháy 24/24... Sẵn sàng nên không sao đâu chị. 

Tôi leo lên chòi canh chính giữa trưa, ngó bốn phía rừng xanh ngắt, lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật. Vừa nghe chuyện “canh lửa” chống cháy rừng vừa thầm cầu ông trời đổ mưa đi, cho cỏ vàng tơ lại mọc, hoa nắp ấm lại nở, suối Đa Ha réo rắt nước tràn về, những con thú rời tổ kiếm ăn, và để làm nguội bớt những “cái đầu” chực chờ bốc cháy.

“Rồi sẽ có mưa, nay mai thôi chị”- anh bạn hướng dẫn viên (HDV) thủ thỉ. “Cái đáng lo đâu phải là trời”. Hắn nói vậy khi dẫn chúng tôi vào thăm nhà trưng bày các tiêu bản của Vườn, rất nhiều lá, nhiều hoa, nhiều xác động vật được giữ lại.

Một đứa bé đưa tay chạm vào bình formol đựng tiêu bản một con cu li, giọng sợ hãi: sao lại giết nó vậy chú? T, anh chàng HDV vội trả lời, giọng nghe như phân trần: không phải, đây là tang vật thu được của mấy người săn bắt thú rừng. Khi đến tay chúng tôi thì mấy con thú này chết rồi, nên được giữ lại làm tiêu bản phục vụ nghiên cứu khoa học và tìm hiểu môi trường rừng.

Nhìn mấy con rắn hổ mang chúa nằm cuộn vòng trong bình, đã chết nhưng vẫn rất đáng sợ, ai đó thì thào: đi rừng mà gặp con này là chết chắc! T vội nói: không đâu, đây là hổ mang chúa. Nó hiền lắm, mắt nó ban ngày có thấy đường đâu, chẳng động đến ai bao giờ, nếu đừng tấn công nó thì nó chẳng bao giờ cắn người.

Nếu tấn công, nó sẽ ngóc 1/3 thân lên, mà toàn thân nó dài 7m, thì đáng sợ lắm. Ngày xưa, kẻ thù của nó là đại bàng, nó chủ yếu đánh nhau với con này. Nhưng giờ, kẻ thù chính của tụi nó là CON NGƯỜI, và chúng thua cuộc rồi!

Trong khuôn viên VQG còn có khu nuôi giữ động vật quý hiếm, cũng là được giành lại từ tay thợ săn. Tụi tôi tròn mắt nhìn con rái cá nước uốn cong mình vặn vẹo trong chuồng: nó làm gì vậy? À, bạn HDV trả lời, nó làm trò để xin ăn đó. Nhưng nó là rái cá nước mà, có phải khỉ đâu.

Mãi lâu T mới trả lời: nó mất tính hoang dã rồi. Vừa dẫn khách tham quan qua từng chuồng thú vừa thuyết minh rành rọt. Này là trăn gấm, này là vượn, kia là rái cá, à, các bạn thấy con chim trĩ này không, bộ lông xanh đỏ tím vàng rất đẹp mắt đó là trĩ trống nghen. Trĩ trống phải trau chuốt đẹp đẽ thì mới “cua” được vợ.

Con mái ngược lại, càng xấu càng mộc mạc dễ lẫn vào lá cây càng tốt. Bởi chim trĩ mái có nhiệm vụ sinh sản truyền giống, nên nếu quá đẹp sẽ bị chim khác tấn công, không thể nuôi con được. Mỗi một đôi trĩ sẽ nhận ra nhau, và bằng cách nào đó, ví như trĩ trống xoè cái đuôi sặc sỡ để dụ dỗ trĩ mái, làm trĩ mái loá mắt, “ngã gục”, sau đó theo “chàng” về dinh, đào cái hố đẻ 8, 9, 10 cái trứng nối dòng nối dõi cho “chàng”.

Có khi nào đẹp mã “giẻ cùi” không ta? Là nói trĩ trống, đẹp quá thì bị nhiều trĩ mái tán tỉnh không? T. cười: không bị trĩ mái tấn công, nhưng đúng là trĩ trống càng đẹp thì sức đề kháng càng yếu, dễ bệnh tật. Vì muốn đẹp thì phải chải chuốt, mà lo chải chuốt thì thời gian đâu mà tập luyện. Như người thôi!

À, mà các anh chị cô bác nhìn con này nè, chim hồng hoàng đó. Hay lắm ạ. Hồng hoàng sống một chồng một vợ, lỡ như một con chết đi con còn lại sẽ tuyệt thực chết theo. Lấy nhau rồi, hai vợ chồng tìm một bọng cây, con mái chui vào trong đẻ trứng, con trống ở ngoài tìm cách xây bít hốc cây lại, chỉ chừa một lỗ nhỏ đủ đưa thức ăn vào trong.

Từ đó nhiệm vụ tìm thức ăn cho chim mái là của chim trống. Tụi hồng hoàng ngây thơ lắm, tưởng che hốc cây vậy thì không ai tìm ra, đâu có dè mấy người đi bắt chim, chỉ cần lên cây cao, thấy hốc cây nào có lỗ nhỏ nhỏ như vậy là chắc chắn có thể hốt cả mẹ lẫn con. Chim bố bay về thấy tổ đã mất, kêu gào thảm thiết rồi tuyệt thực chết luôn. Vậy có khi nào chim trống “quên” không mang thức ăn về không? Có cô gái hỏi thầm. Không bao giờ, trừ phi, nó bị kẻ thù giết chết. Kẻ thù nó là ai? Con người!

Nào trăn gấm khổng lồ, nào hổ mang chúa oai phong, nào vượn, nào khỉ nhanh nhẹn, nào công nào trĩ xinh đẹp, nào rái cá, cu li ranh mãnh... giờ khuất mình trong những cái chuồng làm bằng lưới B40, hay cuộn tròn trong bình formol phục vụ các công trình nghiên cứu khoa học hoặc tham quan học tập. Chúng tập trung nơi đây là nhờ cán bộ Vườn quốc gia cứu hộ, được chăm sóc, nuôi dưỡng, nhưng... cái chúng cần là rừng thì không thể quay về, vì “đã không còn khả năng tự bảo vệ nữa rồi”.

Tiếng một nhóc cứ thắc mắc: sao người ta phải săn bắt thú rừng chi vậy? Sao người ta cứ phải phá rừng chi vậy? Mình cũng cần nhà, mình cũng cần gia đình. Thì tụi nó cũng vậy chứ!

Ngẩn ngơ quay ra về, đến tận cổng, mới nghe tiếng con vượn- loài linh trưởng gần nhất với con người, cất tiếng hú. Tiếng hú khắc khoải của kẻ nhớ nhà, mà chẳng còn đường- để trở lại!

LÊ DUY