BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhớ suối Lâm Vồ có chiếc ghe năm

Cập nhật ngày: 02/11/2011 - 12:02

Con đường đi núi Bà Đen ngày xưa là con đường đất đỏ gập ghềnh và rất hẹp, chỉ qua khỏi trung tâm tỉnh lỵ Tây Ninh vài trăm mét đã thấy trùng điệp rừng hoang. Đi qua những cánh rừng ấy quả hết sức nguy hiểm vì đó là nơi cư ngụ của chúa sơn lâm. Trên lộ trình đó, du khách đi ngang qua một chiếc cầu gỗ dài hàng chục mét nối liền hai bờ của con suối Lâm Vồ. Suối Lâm Vồ ngày trước rất rộng và sâu, các loại ghe thuyền có thể lưu thông. Suối chảy từ khu vực Vườn Điều (nay là xã Ninh Thạnh) ra rạch Tây Ninh.

Gọi là suối Lâm Vồ vì nó chảy ngang qua một xóm nhỏ cùng tên mà từ năm 1903, cụ Tô Ngọc Đường, một thành viên trong Văn Đàn Quốc Biểu, nhóm thơ tiền phong ở Tây Ninh ra đời tại Gò Chẹt (thị xã Tây Ninh) đã nhắc đến trong bài thơ lục bát diễn ngâm khá dài: “ĐƯỜNG ĐI TỪ TÂY NINH LÊN ĐẢNH NÚI ĐIỆN BÀ TỤC GỌI ĐIỆN BÀ ĐEN”:

Hai bên đường sá nghiêng chinh

Xe đi vừa khỏi châu thành quanh vô

Hỏi thăm đây gọi là mô?

Tục danh là xóm Lâm Vồ chẳng ngoa…

Con suối Lâm Vồ

Dân gian cho rằng từ “Lâm Vồ” gắn liền với địa thế của chiếc cầu, là một trong những nơi mà cọp thường xuất hiện ngày xưa. “Lâm” có nghĩa là rừng mà “vồ” là từ dân gian chỉ động tác hung hãn của loài cọp, bằng sức mạnh của mình chúng thường tấn công người và các loài vật khác. Thực ra Lâm Vồ chính là tên một loại cây cũng là một cây thuốc ở khu vực Nam bộ đã đi vào địa danh Việt Nam. Theo một tư liệu tra cứu, “Lâm Vồ” có nguồn gốc từ chữ Khmer: Đơ bô tức cây tra lâm vồ, tra bồ đề, tên khoa học là Thespesia populnea (L)soland  thuộc họ bông (Malvaceae) là một loại cây gỗ cao 5-6m. Ở nước ta cây thường mọc bên bờ sông, rạch, phổ biến nhất là ở Nam bộ và nhiều nhất là ở huyện Ba Tri (Bến Tre). Ngày xưa có thể ở hai bên con suối Lâm Vồ có mọc nhiều cây này nên cả khu vực, dòng suối và cây cầu gỗ đều mang cùng tên Lâm Vồ.

Thời gian trôi qua, chiếc cầu gỗ ngày xưa không còn nữa. Có còn chăng là con suối Lâm Vồ cứ thầm lặng chảy, những tháng mưa, nước cuồn cuộn màu vàng đục. Nhiều người tìm đến đây để câu cá. Tuy nhiên hai bên suối ở cả hai bên đường dù vẫn còn phảng phất nét hoang sơ với nhiều bóng cây xanh nghiêng xuống nhưng tình trạng vệ sinh thì quá kém, nhiều nhà vệ sinh mọc ngay hai bên bờ suối.

Nhắc đến chiếc cầu và con suối Lâm Vồ, những người cao tuổi ở Tây Ninh hẳn còn nhớ đến một hình ảnh khác gắn liền đó là chiếc ghe năm mà dấu vết của nó vẫn còn để lại từ những năm 1960 trở về trước. Gọi là ghe năm (ghe năm chèo) vì đó là một loại ghe độc mộc dài khoảng 10m, hai bên gắn 4 cây chèo, sau lái có một cây chèo nữa. Để điều khiển chiếc ghe này trên sông nước phải có đủ năm người. Muốn làm được chiếc ghe này, người ta phải tìm một cây cổ thụ, khoét ruột và đục một chiếc ghe liền trong thân cây. Xưa người ta thường sử dụng loại ghe này để di chuyển được nhanh chóng. Hồi đó, ghe năm rất phổ biến. Theo “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức thì ở đất Gia Định xưa chỗ nào cũng có ghe thuyền để di chuyển, giao thương, đánh cá và cả để ở. Đất Tây Ninh phần lớn thuộc hệ sinh thái rừng cây Đông Nam bộ có nhiều loại gỗ quý hiếm như sao, dầu, vên vên, kiền kiền, bằng lăng… nên việc thực hiện các loại ghe thật dễ dàng và nhanh chóng.

Theo vào tư liệu lịch sử, khoảng năm 1780-1782, trên đường chạy trốn sự truy đuổi của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh cùng quân binh ẩn náu tại những cánh rừng gần núi Bà Đen, nơi đó có một khu vực được dùng làm nơi hội họp quần thần (gọi là sân chầu). Ghe năm là phương tiện duy nhất chở lương thực của quân Nguyễn Ánh dừng tại suối Lâm Vồ rồi từ đó đi đường bộ đến nơi trú đóng. Theo truyền thuyết dân gian mà tác giả Huỳnh Minh có kể lại trong quyển “Tây Ninh xưa và nay”. Có một lần khi chiếc ghe năm của Nguyễn Ánh vừa neo lại suối thì quân Tây Sơn bất thần ập đến. Chúa tôi đành bỏ lại chiếc ghe năm chạy thục mạng. Về sau chiếc ghe ấy vẫn trơ trọi cùng nắng gió thời gian vì chẳng bao giờ còn trở lại với chủ cũ. Tháng năm chồng chất trôi qua, chiếc ghe ngày ấy bị vùi lấp dưới lòng suối Lâm Vồ chỉ còn một cái lái nhô lên khỏi mặt nước. Chuyện chưa rõ thực hư nhưng thời còn bé lúc đi viếng núi Bà Đen cùng với gia đình, khi ngang cầu Lâm Vồ tôi vẫn thường trông thấy cái phần lái chiếc ghe năm nhô lên tại một đoạn suối khô cạn. Bây giờ thì cái lái đó không còn nữa, có còn chăng là trong chuyện kể của dân gian. Và hình ảnh của những chiếc ghe năm mãi mãi chỉ là ký ức của những người cao tuổi. Xóm nhỏ Lâm Vồ đã được mở rộng trong khu vực thị xã Tây Ninh ngày nay. Chiếc cầu gỗ ngày nào cũng đã đi vào quá khứ.

PHAN KỶ SỬU