Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhớ thầy lớp Năm và cô lớp Nhì
Thứ hai: 00:25 ngày 13/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo thời gian, những thầy cô giáo xưa cũng lần lượt rời khỏi bộ nhớ của chúng ta, chỉ trừ thầy cô thật “ấn tượng”. Phần tôi, mãi mãi nhớ và biết ơn thầy dạy lớp Năm và cô dạy lớp Nhì. Mỗi năm, khi cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới, tôi lại nhớ da diết về người thầy, người cô năm xưa.

Trường Nam tiểu học Tây Ninh xưa (ảnh minh hoạ).

Tính từ lúc chập chững bước chân vào trường mầm non đến khi nhận bằng tốt nghiệp đại học, mỗi người được rất nhiều thầy cô giáo dạy dỗ. Biết là nhiều người, nhưng có lẽ ít ai nhớ được con số chính xác, cụ thể là mình đã học bao nhiêu thầy cô.

Theo thời gian, những thầy cô giáo xưa cũng lần lượt rời khỏi bộ nhớ của chúng ta, chỉ trừ thầy cô thật “ấn tượng”. Phần tôi, mãi mãi nhớ và biết ơn thầy dạy lớp Năm và cô dạy lớp Nhì. Mỗi năm, khi cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới, tôi lại nhớ da diết về người thầy, người cô năm xưa.

Xưa, xã tôi không có trường mẫu giáo. Trẻ em đến tuổi đi học vào thẳng trường tiểu học. Các khối lớp bậc tiểu học hồi đó không tính theo thứ tự 1, 2, 3, 4, 5 như ngày nay, mà gọi: lớp Năm (lớp 1), lớp Tư (lớp 2), lớp Ba (lớp 3), lớp Nhì (lớp 4) và lớp Nhất (lớp 5).

Toàn xã chỉ có một trường tiểu học với 10 lớp (mỗi khối 2 lớp). Sở dĩ tôi không bao giờ quên thầy dạy lớp Năm (lớp 1) của mình không chỉ vì thầy là người thầy đầu đời của tôi, mà còn là ân nhân giúp tôi được đi học đúng độ tuổi của mình.

Năm ấy, tôi vừa đủ tuổi vào học lớp Năm. Nhưng tôi không có may mắn được cha mẹ dẫn đi học như hầu hết trẻ nhỏ khác. Bởi mẹ tôi đã về cõi vĩnh hằng, sau vài năm bị bạo bệnh.

Mẹ tôi mất trước ngày khai trường hơn một tháng. Nỗi mất mát lớn lao, nỗi đau vô hạn khiến ba tôi không muốn đứa con nhỏ nhất nhà (tức là tôi) sớm rời tổ ấm gia đình. Ba chỉ muốn tôi quanh quẩn ở nhà, để vài năm nữa “trọng trọng” rồi đi học cũng không muộn.

Nhưng tôi thì mê đi học lắm, nên quyết “đấu tranh tới cùng” với ba để được đi học. Ngày khai trường đã đến, thấy anh tôi và trẻ con trong xóm í ới gọi nhau đi học, tôi khóc lóc đòi ba dẫn đi.

Lúc ấy, ba tôi vội vã đi làm mướn cho kịp giờ. Lấy chiếc nón cời bước vội ra cửa, ba còn quay lại căn dặn anh tôi đi học cho cẩn thận, rồi kêu chị giữ tôi không cho đi đâu. Nghe vậy, tôi chạy ra sân ôm cứng chân ba mà khóc nức nở.

- Hu… hu… ba cho con đi học!

Ba đứng lại nhìn vào mắt tôi mà đôi dòng lệ ông chực trào. Quá thương con, nhưng lỡ hứa đi làm thuê cho người ta, không thể bỏ được, ba đành giao cho anh tôi dẫn đi học. Ba cất giọng nghẹn ngào:

- Ba lỡ hứa đi làm cho người ta rồi, không bỏ ngày công được, con đi với anh con đó.

Chờ có thế, tôi vội buông chân ba, hí hửng chạy theo anh và hoà cùng trẻ con hàng xóm đến trường. Tôi vội vã đến không kịp thay quần áo (mà cũng chẳng có quần áo mới để thay) và đầu trần, chân đất, không có sách vở, cũng chẳng giấy tờ hay tiền bạc.

Trường làng tôi cũ kỹ rêu phong, chắc được xây dựng lâu lắm rồi. Nhưng đối với tôi, ngôi trường khi xưa to lắm. Trong sân trường, có nhiều người lớn dẫn trẻ em đi học. Có đứa nắm chặt tay mẹ, hoặc ôm chân ba không dám rời.

Tôi thì kè kè anh không dám rời nửa bước. Rồi trống trường điểm ba hồi. Lũ trẻ bỏ cuộc chơi chạy nhanh đến trước cửa lớp xếp hàng. Anh tôi không xếp hàng, mà dẫn tôi đến bên ông thầy anh vừa học năm rồi. Thầy cao, gầy, tóc pha sương, gương mặt hiền từ. Anh khoanh tay lễ phép, nói lí nhí gì đó với thầy mà tôi nghe không rõ. Tôi chỉ thấy thầy gật đầu. Rồi anh quay ra dặn tôi:

- Mày đứng đây, chút nữa theo thầy vào lớp. Giờ tao phải vào học. 

Nói xong, anh vội chạy về lớp Tư của anh. Nghe lời anh dặn, tôi cứ đứng một chỗ bên bậc thềm nhìn ra con đường đá xanh lô nhô trước trường. Sân trường giờ trở nên vắng lặng. Học trò cũ, mới đều vào lớp. Có đứa còn được mẹ cùng vào lớp ngồi kế bên. Trong khi đó, tôi vẫn còn đứng trên bậc thềm nhìn mông lung ra đường. Bỗng tôi giật mình, vì có một bàn tay nóng ấm, trìu mến xoa lên đầu tôi. Tôi quay lại, thì ra là thầy. Giọng thầy hiền từ, đôn hậu nói nhỏ vừa đủ tôi nghe:

- Con vào lớp đi!

Nói xong thầy cầm tay tôi dẫn vào lớp học và cho tôi ngồi ở đầu bàn nhất vì tôi “đẹt” nhứt lớp. Rồi thầy lại hỏi tiếp:

- Con tên gì?

Tôi lí nhí:

- Dạ con tên Lành.

- Còn họ của con, con họ gì?- Thầy lại hỏi tiếp.

Khổ nỗi chưa, họ là gì? Từ nào giờ tôi chỉ có biết tên thôi. Còn họ gì làm sao tôi biết được! Một thoáng suy nghĩ, tôi nhớ lại hôm mẹ mất, ông thầy tụng kinh có đọc tên mẹ là Trần Thị… vậy là tôi vội nói:

- Dạ con họ Trần! Trần… Trần… Thị… Lành!

Thầy lại cười hiền từ:

- Trần Văn Lành chớ con.

Hỏi xong, thầy lên bàn làm việc ghi họ tên tôi vào sổ.

Không có giấy khai sanh, không đóng tiền trường, không có sách vở, viết chì, bảng con, phấn trắng gì cả; cũng không có cha mẹ dẫn đi học, chỉ có lời xin của người anh vừa học xong lớp Năm của thầy, vậy mà thầy cho tôi vào. Thầy lớp Năm của tôi đã về với tổ tiên lâu lắm rồi. Vậy mà mỗi lần đến ngày khai trường là tôi nhớ thầy nhiều lắm. Bởi, nếu không được thầy thương, chắc tôi phải đi học muộn hơn độ tuổi của mình, ít nhất là một năm.

Hết lớp Năm, lên lớp Tư, rồi lớp Ba, tôi vẫn mang họ “Trần”. Ðến năm học lớp Nhì, tôi được đổi từ họ “Trần” của mẹ sang họ “Nguyễn” của cha. Sự thay đổi họ này không phải do ba tôi làm khai sinh, hay làm đơn từ xin đính chính gì cả, mà nhờ sự quan tâm thương yêu của cô giáo lớp Nhì của tôi.

Cô họ Phạm, không phải là người xã tôi. Nghe nói cô từ thị xã (nay là thành phố Tây Ninh) xuống. Lúc ấy cô ở trọ nhà một đồng nghiệp cách trường hơn một cây số. Cô cũng chính là cô dạy lớp Nhì của anh tôi trong năm học trước đó. Ngày đầu tiên lên lớp, để cô trò làm quen nhau, cô nhìn danh sách học sinh rồi đọc tên và kêu học sinh đứng dậy cho cô biết mặt. Ðến tôi, cô nhìn hơi lâu, rồi hỏi:

- Lành! Em có phải là em ruột của em Sung học lớp cô năm rồi không? Cô thấy em giống em Sung quá.

- Dạ! Ðúng rồi thưa cô. Anh Sung là anh ruột của em.

Nghe tôi trả lời, cô nhìn vô sổ lần nữa, rồi hỏi lại tôi:

-Em với Sung là anh em ruột, sao Sung họ “Nguyễn” còn em lại họ “Trần”?

Trả lời câu hỏi của cô, tôi kể lại câu chuyện ngày đầu đi học của mình và nói họ tên cho thầy lớp Năm ghi vào danh sách, như tôi nêu phần trên. Nghe tôi kể lý do vì sao tôi có họ “Trần”, cô cười hiền từ và nói:

- Vậy để cô sửa họ của em lại thành họ “Nguyễn” theo họ cha nha.

Tất nhiên là tôi lễ phép gật đầu và “dạ”.

Vậy là nhờ cô lớp Nhì mà tôi được đổi lại họ của mình. Biết tôi mồ côi mẹ, nhà nghèo khó, lại nhỏ con, đen đúa nhưng rất chăm chỉ học hành và ngoan ngoãn, nên cô rất thương. Cô thường động viên, an ủi, giúp đỡ tôi nhiều điều. Nhờ vậy mà năm học lớp Nhì của cô, học lực của tôi cũng thuộc tốp 5 trong lớp.

Hết bậc tiểu học trường xã, tôi học lên trung học trường quận (huyện). Cô lớp Nhì của tôi dạy trường tiểu học vài năm, rồi xin chuyển về quê. Từ đó đến giờ tôi chưa được gặp cô lần nào, chỉ cầu mong cô luôn mạnh khoẻ, sống được tròn trăm tuổi.

T.L

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục