Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhờ trồng rừng, Thái Bình có nơi nuôi ngao lớn nhất VN
Thứ sáu: 17:40 ngày 19/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn chứng như trên khi chủ trì cuộc họp lần thứ 8 của Uỷ ban quốc gia về biến đổi khí hậu tổ chức ngày 18-5.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn chứng nhờ trồng rừng ngập mặn, Thái Bình trở thành nơi nuôi ngao lớn nhất VN, vì vậy, trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng yêu cầu cần cả biện pháp “phi công trình” - Ảnh: chinhphu.vn

Theo Thủ tướng, trong ứng phó với biến đổi khí hậu cần tính cả biện pháp “phi công trình”. Thủ tướng cho biết, nhờ trồng rừng ngập mặn mà hiện nay Thái Bình trở thành nơi nuôi ngao lớn nhất Việt Nam. Vì vậy, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trong đó điều quan trọng là huy động nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu.

Tại cuộc họp, các ý kiến đều nhìn nhận thời gian qua, biến đổi khí hậu tác động nhanh, mạnh hơn đến nước ta, biểu hiện rõ rệt nhất là thời tiết cực đoan, thiên tai diễn ra liên tiếp, ngày càng nặng nề.

Các ý kiến đều cho rằng, nguyên nhân chính là do con người với các hành vi như phát thải khí nhà kính, phá rừng, khai thác nguồn nước ngầm quá mức, khai thác cát sỏi trên sông…

Nhất trí với các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên bị ảnh hưởng lớn, trực tiếp và nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì vậy, cần đưa giải pháp thiết thực hơn để ứng phó, nhất là đối với đồng bằng sông Cửu Long.

“Sạt lở nghiêm trọng là do nguyên nhân gì, độ lún, ngập của các đô thị đồng bằng sông Cửu Long diễn ra làm sao, giải pháp nào. Biến đổi khí hậu đang đến rất nhanh, cần có giải pháp tốt hơn, quyết liệt hơn”, Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh việc tăng cường vai trò của hội đồng tư vấn của Ủy ban, với sự tham gia của các chuyên gia giỏi, mạnh bạo trong phản biện chính sách, Thủ tướng yêu cầu mọi cấp, mọi ngành, hệ thống chính trị, người dân phải hiểu rõ hơn tác động của biến đổi khí hậu và biện pháp ứng phó.

“Nếu người dân mà không nhận thức được thì chúng ta đổ tiền, đổ của vào cũng không đạt kết quả. Nếu tiếp tục xây đô thị bằng đê bao, lúc cao, lúc thấp, anh sau làm cao hơn anh trước, không có quy hoạch thì không bao giờ thành công”-Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần có một quy hoạch hay kế hoạch tổng thể của Ủy ban quốc gia để hình dung các loại công việc, trước hết là xử lý được một số vấn đề cấp bách như khai thác cát trái phép, khai thác nước ngầm.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, các thành viên của Ủy ban, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, trước hết ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, một số quy hoạch quan trọng bức thiết, tránh tình trạng “nóng đâu phủi đó”, chỉ nhìn trước mắt, không nhìn lâu dài.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên-Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài chính phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất, kịp thời nhất, tránh mất vốn, thủ tục phải nhanh chóng, thuận lợi, công khai minh bạch.

Giao Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên- Môi trường theo dõi chặt chẽ, cập nhật, dự báo, đánh giá kịp thời về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2016-2017 tại đồng bằng sông Cửu Long cũng như tình hình mưa lũ thời gian tới để có phương án chủ động hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương ứng phó, hạn chế thiệt hại.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền Trung tiếp tục nghiên cứu, cập nhật những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và các thách thức đối với địa phương để đưa vào kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, khuyến khích chủ động liên kết tiểu vùng, liên kết vùng.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Ngoại giao trao đổi với các nước thượng nguồn sông Mekong và thượng nguồn các sông lớn chảy vào Việt Nam để có cơ chế trao đổi thông tin thủy văn về mùa lũ và mùa kiệt để chủ động ứng phó, quản lý.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục