Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Như một tiếng thở dài
Chủ nhật: 18:26 ngày 15/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du gồm 24 câu theo thể 6/8, ghi lại một cảm giác không yên: Ngẩng trời cao, cúi đất dày/ Cắn môi, tay nắm bàn tay của mình. Sao lạ vậy?

Hãy lược qua vài nét về thân thế và sự nghiệp của người đang nằm dưới ngôi mộ mà nhà thơ đến viếng. Ðó chính là đại thi hào Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, xuất thân trong một gia đình quý tộc nhiều đời làm quan to dưới thời vua Lê chúa Trịnh.

Nguyễn Du mất năm 1820, lúc 54 tuổi, được an táng ở Huế. 4 năm sau mới cải táng đưa về quê nhà ở làng Tiên Ðiền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Thi hào Nguyễn Du đã có một cuộc đời đầy bi kịch trong thời buổi mà nhân dân phải sống trong tai ương, hiểm hoạ.

Ông sống như một người dân thường nên thông cảm sâu sắc với kiếp người bị đầy đoạ và điều đó khiến tác phẩm của ông chứa một chiều sâu nhân văn chưa từng có trong văn học Việt Nam thời trung đại.

Nguyễn Du chính là người đầu tiên của văn chương Việt được nhân loại tôn vinh là danh nhân văn hoá thế giới.

Trong Truyện Kiều- tác phẩm nổi tiếng của ông có một nhân vật tên là Ðạm Tiên làm nghề ca hát, tài sắc vẹn toàn nhưng số phận hẩm hiu và phải chết yểu.

Cuộc đời Ðạm Tiên luôn luôn ám ảnh nàng Kiều: Ðau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung hoặc Kiếp hồng nhan tự thuở xưa/ Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu! Mộ của nàng: Sè sè nắm đất bên đường/ Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.

Mở đầu bài thơ Vương Trọng đã dùng hình ảnh mộ Ðạm Tiên để so sánh với mộ cụ Nguyễn Du: Tưởng rằng phận bạc Ðạm Tiên/ Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Ðiền nằm đây.

Mộ của một người đã hai lần được tôn vinh là danh nhân văn hoá thế giới mà thế này đây sao? Hỏi trời, trời im, hỏi đất, đất lặng; cắn môi tự hỏi mình…

Sự so sánh trên là một chi tiết rất đắt! Nó làm tăng thêm độ nặng của chủ đề bài thơ. Nhìn rộng ra chung quanh cồn bãi hoang vắng và câu thơ: Cụ cùng thập loại chúng sinh năm kề.

“Thập loại chúng sinh” là tên một bài tế mười loại người cùng khổ nhất của Nguyễn Du, sống thì lay lắt, chết thì không có mộ. Mộ cụ bây giờ nằm chung với những ngôi mộ vô chủ đó? Thật cay đắng.

Tác giả Vương Trọng đã đứng bên mộ của vĩ nhân hồi lâu mà vẫn còn ngỡ ngàng: Lặng im bên nấm mộ rồi/ Không tin mình đã đến nơi mình tìm! Bởi sự tan hoang, tàn tạ của quang cảnh chung quanh mộ: Hút tầm chẳng cánh hoa lê/ Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non/ Xạc xào lá cỏ héo hon/ Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi.

Nhìn gần rồi trông xa, quan sát kỹ, tuyệt nhiên không có gì của sự trân trọng cả- hoa không, cành không, một vầng cỏ ấm cũng không, đến nỗi: Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu. Ðọc lên nghe buồn nhức nhối, tái tê…

Câu thơ Thanh minh trong những câu Kiều/ Rưng rưng con đọc dưới chiều Nghi Xuân. Xin nhắc lại những câu thơ của Nguyễn Du viết về thanh minh mà nhà thơ Vương Trọng đã nhẩm đọc ở Nghi Xuân chiều hôm đó: Bước lần theo ngọn tiểu khê/ Nhìn xem phong cảnh có bề thanh thanh/ Nao nao dòng nước uốn quanh/ Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Những câu thơ của cụ Nguyễn Tiên Ðiền vào loại tuyệt bút, khiến nhà thơ đương đại phải thốt lên: Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân/ Phong trần còn để phong trần riêng ai…

Bài thơ không trách móc, lên án ai nhưng nghe như một tiếng thở dài xa xót. Ðược biết, sau khi bài thơ trên được công bố trên báo, một số cá nhân, tổ chức đã chung tay, chung sức về Tiên Ðiền dựng lại phần mộ cụ Nguyễn Du. Ðiều đó cũng cho thấy sức lay động của một bài thơ hay.

Người Láng Ngang

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục