Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong 10 tháng năm 2011, số vụ phá rừng trồng bị phát hiện là 46 vụ, tăng hơn cùng kỳ năm trước đến hơn 30 vụ.

Trong thời gian gần đây, tình trạng phá bỏ rừng trồng đã gia tăng đến mức “nhức nhối”. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm (CCKL) Tây Ninh, trong 10 tháng năm 2011, số vụ phá rừng trồng bị phát hiện là 46 vụ, tăng hơn cùng kỳ năm trước đến hơn 30 vụ và diện tích rừng bị phá tăng đến hơn 7 lần. Trong số đó có 2/3 số vụ phá rừng trồng.
Phá rừng trồng- ngày càng phức tạp
![]() |
Một khoảng rừng bị đốt phá |
Một trong những vụ phá rừng trồng nổi cộm được phát hiện và truy cứu trách nhiệm hình sự là vụ ông Nguyễn Văn Đằng. Vào tháng 6.1997, ông Nguyễn Văn Đằng ký hợp đồng trồng rừng với Ban quản lý Khu rừng Văn hoá lịch sử (KRVHLS) núi Bà trên diện tích 1 ha với mật độ là 500 cây/ha- trong đó có 400 cây teck, sao, dầu và được bổ sung 100 cây ăn trái. Đến năm 2010, ông Đằng lén lút khoanh gốc, cưa hạ. Khi lực lượng bảo vệ rừng phát hiện thì ông Đằng đã khoanh gốc, cưa hạ đến 73 cây teck, dầu, sao trên diện tích gần 1.500 mét vuông với khối lượng thiệt hại là hơn 3,6m3. Hành vi phá rừng trồng với mức độ vi phạm như vậy đã vượt mức xử phạt hành chính và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. CCKL đã ký quyết định khởi tố ông Đằng về tội huỷ hoại rừng và chuyển giao hồ sơ cho Viện Kiểm sát và Phòng Cảnh sát Điều tra xem xét tiếp tục xử lý.
Không cưa hạ cây rừng trồng như ông Đằng, nhưng cũng đã gây thiệt hại không nhỏ cho cây rừng là trường hợp của bà Nguyễn Thị Hoà (xã Tân Hội, Tân Châu). Năm 1994, một hộ dân nhận khoán trồng rừng theo mô hình C tại KRVHLS Chàng Riệc với diện tích 3,2 ha. Sau đó, bà Nguyễn Thị Hoà chuyển nhượng lại phần diện tích trồng rừng này. Tháng 4.2011, khi cây rừng đã hơn 15 năm tuổi, bà Hoà thuê người vào dọn đất để trồng xen cây nông nghiệp rồi lén lút… rong nhánh, chặt đọt tất cả 531 cây dầu trên toàn bộ diện tích 3,2 ha mà bà đã chuyển nhượng. Sự việc sau đó bị phát hiện. Hành vi này không làm cho cây rừng chết ngay, nhưng cũng đã gây thiệt hại không nhỏ đến 3,2 ha diện tích rừng trồng nên CCKL Tây Ninh đã lập hồ sơ trình và đề nghị UBND tỉnh xử phạt bà Hoà 50 triệu đồng.
Đó chỉ là một vài vụ phá rừng trồng cụ thể trong những vụ phá rừng trồng bị lực lượng kiểm lâm phát hiện. Điều đáng lo là số vụ phá rừng trồng đang ngày càng nhiều và phức tạp. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm nay, tình trạng phá rừng trồng gia tăng đến “chóng mặt”. Theo CCKL trong 9 tháng đầu năm 2011, đã có đến 42 vụ phá rừng trồng bị phát hiện với tổng diện tích là 22,23 ha. So với cùng kỳ năm trước, số vụ phá rừng trồng năm nay tăng đến 31 vụ- gấp gần 3 lần và số diện tích rừng bị phá tăng đến 19,5 ha- gấp hơn 7 lần. Trong tháng 10, có thêm 4 vụ phá rừng trồng bị phát hiện với diện tích 2,8 ha. Các vụ phá rừng trồng chủ yếu xảy ra ở Khu rừng Phòng hộ (KRPH) Dầu Tiếng, KRVHLS núi Bà và Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát. Tuy nhiên, số vụ vi phạm và diện tích rừng trồng bị thiệt hại nêu trên chỉ là những vụ bị lực lượng bảo vệ rừng phát hiện được. Còn không ít vụ lén lút phá rừng trồng tinh vi hơn nên rất khó bị phát hiện.
Theo ngành chức năng, tình trạng lén lút phá bỏ rừng trồng gia tăng theo sự gia tăng giá cả một số loại nông sản- nhất là khoai mì. Vì lợi nhuận nên có một số hộ dân nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng lén lút chặt, phá cây rừng trồng để sản xuất nông nghiệp. Ngoài hình thức chặt hạ cây rừng như những năm trước, trong những năm gần đây nhiều hộ chuyển sang hình thức “khéo” hơn là rong nhánh cây rừng, chỉ chừa vài chùm lá trên ngọn. Việc rong nhánh không làm cho cây rừng chết ngay, nhưng chắc chắn sẽ khiến cây rừng còi cọc không thể phát triển. Đây cũng có thể được coi là hành vi “phá rừng” do gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây rừng. Tệ hơn là có một số hộ lén lút khoanh vỏ cây hoặc bơm thuốc vào gốc để cho cây chết dần. Việc phá cây theo hình thức này chắc chắn sẽ làm cho cây rừng bị chết nhưng lại rất khó phát hiện. Đặc biệt, theo Ban quản lý KRPH Dầu Tiếng thì trong thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng phức tạp hơn là “thuê người khác vào chặt phá rừng trồng của mình”. Tuy nhiên, hình thức “thuê người phá” như thế này khó có thể ghép tội, xử phạt chủ nhận khoán trồng rừng được do không có đủ chứng cứ xác định.
![]() |
Một trong những cây rừng trồng bị cưa hạ |
Trong 2 năm gần đây còn phát sinh thêm tình trạng đáng lo ngại nữa, có ảnh hưởng đến sự phát triển rừng trồng, đó là việc trồng xen cây cao su với cây rừng trồng- nhất là ở KRPH Dầu Tiếng. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Tân Châu thì tình trạng trồng xen cây cao su với cây rừng thay thế cho cây phụ trợ đang ngày càng gia tăng trên địa bàn huyện (hơn 350 ha). Tuy nhiên, theo nhiều nguồn thông tin khác thì diện tích rừng được trồng xen cây cao su có thể gấp đôi con số mà Phòng Nông nghiệp huyện Tân Châu nắm được. Cây cao su trồng xen vào cây rừng cả ở những diện tích rừng được trồng từ nhiều năm trước lẫn những diện tích rừng mới được trồng. Điều đáng lo nhất khi trồng cao su xen cây rừng là tình trạng mé nhánh cây rừng sẽ gia tăng. Thực tế đã có những khoảnh rừng trồng xen cao su thì cây rừng bị mé trụi như “cây đèn cầy” để có khoảng không cho cây cao su phát triển. Còn đối với những diện tích rừng mới trồng thì sẽ dẫn đến nguy cơ là cây rừng không phát triển nổi do cây cao su che khuất.
Khi triển khai thực hiện Dự án 661 trên địa bàn tỉnh từ năm 1999 đến năm 2008, công tác trồng rừng gặp rất nhiều khó khăn và thường không đạt kế hoạch do nhiều diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Từ sau khi toàn tỉnh quyết liệt triển khai Quyết định 875 của UBND tỉnh về giải quyết tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích để chuyển sang trồng rừng vào giữa năm 2009 thì diện tích trồng rừng mới đạt kế hoạch. Theo Sở NN&PTNT, trong 3 năm từ năm 2009 đến 2011 diện tích trồng mới rừng ở Tây Ninh tăng “đột biến” đạt trên 3.500 ha. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền và ban quản lý các dự án rừng trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, thực tế chưa chắc con số diện tích rừng trồng này được giữ vững do không phải tất cả các hộ đã thực hiện trồng rừng đều tận tâm chăm sóc cây rừng. Trong đó có không ít hộ chẳng những không chăm sóc mà còn lén lút tìm mọi cách để hạn chế cây rừng phát triển hoặc làm chết cây rừng- cho dù ai cũng biết đó là hành vi vi phạm. Vì sao vậy?
Sơn TrẦn
(Còn tiếp)