Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Nhức nhối nạn phá rừng trồng (tt)
Thứ tư: 11:05 ngày 02/11/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Khi trồng xen cây rừng thì cây cao su sẽ được vun bón tối đa để phát triển, từ đó mà số phận cây rừng chắc chắn sẽ “hẩm hiu”.

Bài liên quan:

>> Nhức nhối nạn phá rừng trồng (kỳ trước)

Nhiều diện tích tán cây rừng bị hạn chế phát triển để trồng cây nông nghiệp

Theo dự án 661, kế hoạch trồng mới rừng ở Tây Ninh đến năm 2009 phải đạt 7.900 ha. Đến năm 2008, toàn tỉnh thực hiện được hơn 4.000 ha. Từ năm 2009, công tác trồng rừng được cải thiện rất đáng kể do toàn tỉnh quyết tâm thực hiện Quyết định 875 của UBND tỉnh về giải quyết tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp không đúng mục đích để chuyển sang trồng rừng. Trong 3 năm- từ 2009 đến 2011, diện tích trồng mới rừng ở Tây Ninh tăng thêm trên 3.500 ha. Đến nay, Tây Ninh đã trồng rừng được hơn 7.500 ha. Tuy nhiên, con số này đang bị đe doạ bởi tình trạng lén lút phá rừng trồng đang ngày càng gia tăng đến mức đáng lo ngại.

Theo ý kiến một số chủ rừng, địa phương và ngành chức năng liên quan thì nguyên nhân chủ yếu là do trong công tác giao khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và triển khai các chính sách khuyến khích trồng rừng vẫn còn nhiều bất cập. Trước tiên, trong hợp đồng nhận khoán trồng rừng giữa Ban quản lý dự án rừng và người nhận khoán không có quy định thời gian, quy trình đối với việc trồng xen cây nông nghiệp. Vì thế cho nên người nhận khoán cứ trồng xen cây nông nghiệp trên diện tích trồng rừng hết năm này đến năm khác. Gần đây có một số “đại gia” nhận khoán trồng rừng hoặc sang nhượng lại hợp đồng trồng rừng để chuyển sang trồng xen cây cao su. Khi đã trồng cây cao su xen cây rừng thay thế cây phụ trợ thì cây cao su phải tồn tại ít nhất là 20 năm và sẽ được vun bón tối đa để phát triển, từ đó mà số phận cây rừng chắc chắn sẽ “hẩm hiu”.

Bất cập kế đến là việc xác định hành vi vi phạm. Thế nhưng việc làm cho cây rừng chết dần thì lại rất khó xác định hành vi vi phạm, bởi lẽ có nhiều diện tích trồng rừng sang nhượng hợp đồng nhiều lần nên không thể xác định đời chủ hợp đồng nào làm cho cây chết. Riêng việc rong nhánh cây rừng cũng rất khó ghép tội vi phạm vì trong nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, thì không có hành vi “mé nhánh” cây rừng. Ngoài ra, theo một số địa phương thì mức độ xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe. Hiện nay, 1 ha trồng xen cây mì có thể cho lợi nhuận đến hơn 30 triệu đồng, trong khi hành vi gây hại cây rừng chỉ bị phạt có 5- 10 triệu đồng, cho nên có hộ sẵn sàng vi phạm.

Tuy nhiên, bất cập lớn nhất, cũng là nguyên nhân sâu xa nhất khiến cho nhiều hộ nhận khoán trồng rừng tìm cách phá hoặc hạn chế cây rừng phát triển là về thu nhập từ việc trồng rừng. Theo quy định, những hộ nhận khoán trồng rừng được ngân sách đầu tư 15 triệu đồng/ha để trồng rừng trong vòng 3 năm. Bình quân mỗi năm 1 ha trồng rừng chỉ được đầu tư có 5 triệu đồng là quá thấp. Sau đó, người trồng rừng có thu nhập chủ yếu từ việc tỉa thưa cây phụ trợ. Tuy nhiên, theo một số hộ đã trồng rừng thì thu nhập từ việc tỉa thưa cũng chẳng được bao nhiêu- trong những năm đầu khi đến tuổi tỉa thưa chỉ thu được mỗi năm có vài triệu đồng, chủ yếu là bán nhánh để làm nguyên liệu giấy. Trong khi đó, nếu trồng mì thì thấp nhất cũng thu nhập được hơn 20 triệu đồng/ha.

Cây cao su trồng xen thay thế cây phụ trợ

Ngoài ra, một số chính sách khuyến khích trồng rừng chưa đến được với người trồng rừng. Theo quy định thì các hộ nhận khoán trồng rừng sẽ được hưởng các chính sách khuyến khích như: được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, được vay vốn từ quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia, các nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác, vốn ODA của các nước, các tổ chức quốc tế và các nguồn vốn vay khác và được sử dụng rừng sản xuất và quyền sử dụng đất lâm nghiệp được giao làm tài sản thế chấp khi vay vốn tại ngân hàng. Thế nhưng, thực tế cho đến nay rất hiếm hộ tham gia trồng rừng được tiếp cận các chính sách khuyến khích này.

Sơn TrẦn

(Còn tiếp)

 

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục