BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những bất cập trong thực hiện chính sách đãi ngộ và bố trí cán bộ xã

Cập nhật ngày: 08/07/2010 - 05:41

Vừa qua Chính phủ có ban hành Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22.10.2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức xã, phường, thị trấn (xã) và những người hoạt động không chuyên trách. Nghị  định có hiệu lực thực hiện kể từ ngày 1.1.2010. Ngày 27.5.2010 liên Bộ Nội vụ-Tài chính-Lao động - Thương binh & xã hội có ban hành Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT, hướng dẫn thực hiện Nghị định 92/2010/NĐ-CP.

Kể từ năm 1995 đến nay Chính phủ đã có tới 4 Nghị định quy định về chế độ đãi ngộ và bố trí cán bộ xã. Nghị định sau có nhiều điểm mới, nhất là chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã ngày càng được quan tâm, nâng cao hơn, hoàn thiện hơn so với Nghị định trước. Tuy nhiên lần này Nghị định 92/2010/NĐ-CP từ khi  chưa thực hiện, đã có ảnh hưởng gây tâm lý băn khoăn đối với lực lượng cán bộ “không chuyên trách” (KCT) đang làm việc ở xã. Nghị định quy định phụ cấp của những người hoạt động KCT chỉ được hưởng không quá 1 lần mức lương tối thiểu, và mỗi xã chỉ được “hợp đồng” số lượng nhất định, nhiều nhất không quá 22 người, ít nhất 19 người. Trong thực tế hiện nay, tại nhiều xã lực lượng cán bộ KCT nhiều hơn số lượng quy định, vì một số chức danh tăng thêm người (2 người)như: Chỉ huy phó xã đội, Phó trưởng Công an, Phó Chủ tịch MTTQ, Phó Bí thư Xã đoàn (chưa tính số cán bộ làm công tác Đảng, nếu có tính thì số đồng chí làm công tác này cũng chỉ được hưởng như những người hoạt động KCT). Và lực lượng này nhiều khi lại đảm nhiệm khối lượng công việc nhiều hơn lực lượng “chuyên trách”, và phải thay thế vị trí “chỉ huy” (tuy tạm thời) khi người “trưởng” đi học, nghỉ phép… Nói là hoạt động “bán chuyên trách” nhưng nhiệm vụ thì không ai giao cho làm một nửa, hay một phần; thời gian làm việc cũng phải thực hiện nghiêm túc 8 giờ trong một ngày (nội quy cơ quan, rồi điểm thi đua), ngoài ra còn phải làm cả ngày nghỉ, làm đêm (hội họp và vận động quần chúng nhân dân ở ấp, tổ). Trong khi mức lương tối thiểu chung đã được nâng từ 650.000 đồng lên 730.000 đồng kể từ ngày 1.5.2010 (đến nay chưa được hưởng), cán bộ, công chức xã thì được lên lương, còn người hoạt động KCT thì lại bị “hạ lương” từ 940.000 xuống còn 730.000 đồng/tháng.

Cán bộ xã đa đoan công việc nhưng chế độ rất khiêm tốn. Trong ảnh: Vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam tại một cuộc họp ở xã.

Đáng nói là cấp phó BCH xã đội, Phó Công an xã, phụ cấp cũng chỉ bằng lực lượng dân quân thường trực (?!). Và những người hoạt động KCT không thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc này xem ra trái với tinh thần Bộ Luật Lao động (?). Nếu đem so sánh thì người hoạt động KCT ở xã không được pháp luật, mà cụ thể là Bộ Luật Lao động bảo vệ như một người lao động phổ thông, được doanh nghiệp hợp đồng lao động có thời gian từ 3 tháng trở lên (?). Và đương nhiên là người hoạt động KCT khi nghỉ việc (không được bổ nhiệm nữa, hoặc tự xin nghỉ) thì không được hưởng bất kỳ chế độ ưu đãi nào.

Những điều trăn trở, bất cập khi triển khai thực hiện Nghị định 92/2010/NĐ-CP đối với lực lượng hoạt động KCT ở xã mong được các cấp có thẩm quyền xem xét. Cụ thể là tại Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Tây Ninh đang họp trong tuần này, chúng tôi mong rằng cơ quan đại diện ý chí, nguyện vọng của nhân dân Tây Ninh sẽ có hướng giải quyết thoả đáng để đội ngũ cán bộ KCT yên tâm cống hiến công sức (dù là nhỏ bé) cho sự nghiệp xây dựng quê hương.

NGUYỄN KHẮC LUÂN