BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thuở cha ông đi mở cõi

Những biến động về địa danh hành chính

Cập nhật ngày: 24/08/2016 - 02:45

Bản đồ An Nam đại quốc hoạ đồ của giám mục Jean Louis Taberd vẽ năm 1838 có đạo Quang Phong và Núi Chiêng (Bà Đen).

Đến năm 1757, việc xác lập địa giới vùng đất mới (Nam bộ ngày nay) cơ bản đã xong. Người Việt từ các miền xuôi lên vùng Tây Ninh khai hoang lập ấp ngày càng nhiều, nhất là sau khi quân đội nhà Tây Sơn đánh đuổi quân Nguyễn Ánh, chiến tranh liên miên khắp các dinh, trấn miền đồng bằng Gia Định.

Tháng 10 mùa đông năm Kỷ Hợi (1799), sau khi khôi phục được hầu hết đất Gia Định, Nguyễn Ánh cho sắp xếp lại các đơn vị hành chính và quốc phòng, thành lập đạo Quang Phong trên địa bàn Tây Ninh nay, thuộc dinh Phiên Trấn. Đạo sở đặt tại thôn Cẩm Giang. Một số thôn cũng được thành lập như: Cẩm Giang Tây, Thạnh Đức, Thanh Phước, Bình Phú, Bình Tịnh (nay là An Tịnh). Đó chính là tổ chức hành chính đầu tiên có trên địa bàn Tây Ninh. Đạo là một đơn vị hành chính khá đặc biệt và không bắt buộc (phải có) trong hệ thống hành chính thời nhà Nguyễn. Đứng đầu đạo là Quản đạo, có trách nhiệm chủ yếu là việc coi giữ an ninh quốc phòng. Vì thế sau khi lên ngôi vua, các thôn của đạo Quang Phong đều được đặt thuộc tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân Bình. Lúc này, phủ Gia Định đã trở thành trấn Phiên An quản một phủ, bốn huyện và tám tổng.

Mùa xuân năm Minh Mạng thứ 17 (1836), triều đình mở cuộc kinh lý Nam kỳ do hai quan khâm sai đại thần là Trương Đăng Quế và Trương Minh Giảng phụ trách. Một trong hai mục tiêu của kinh lý này là đo đạc ruộng đất đã khai phá trên toàn miền đất mới. Mùa thu năm ấy (1836), căn cứ kết quả kinh lý mà triều đình cho lập phủ Tây Ninh. Phủ nằm về phía Tây Bắc thành Gia Định. Phía Bắc giáp ranh giới Chân Lạp. Phía Nam đến giáp huyện Bình Dương phủ Tân Bình và huyện Cửu An, phủ Tân An. Phía Đông đến ranh giới huyện Bình Long, phủ Tân Bình. Phía Tây đến ranh giới nước Chân Lạp. Phủ Tây Ninh có hai huyện Tân Ninh và Quang Hoá. Phủ lỵ đặt tại TP Tây Ninh hiện nay, đến năm 1838 cho xây thành phủ tại vị trí Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh ngày nay. Phủ kiêm lý (trực tiếp cai quản) huyện Tân Ninh. Thành huyện Quang Hoá đặt tại thôn Cẩm Giang, trên vị trí bảo Quang Hoá cũ (có từ năm 1824).

Ở chi tiết này, cả tác giả sách “Đại Nam nhất thống chí” và tác giả Nguyễn Đình Tư (bài Tây Ninh xưa và nay, Tạp chí Xưa Nay số 96, năm 2001) đều bị lầm lẫn. Đó là chi tiết: “huyện Quang Hoá ở về phía Tây Bắc phủ cách 29 dặm (khoảng 16 km)”. Cự ly thì đúng nhưng hướng thì sai. Thực tế huyện Quang Hoá (Cẩm Giang hiện nay) nằm ở hướng ngược lại, tức phía Đông Nam của phủ.

Thời Pháp thuộc, sau hoà ước Nhâm Tuất (1862), ngày 12.8 chính quyền thực dân lập lại phủ Tây Ninh. Phủ gồm 3 huyện: Tân Ninh, Quang Hoá, Bình Long. Trước đó Bình Long thuộc phủ Tân Bình. Huyện Tân Ninh gồm 3 tổng: Hoà Ninh, Hàm Ninh, Mỹ Ninh với 27 làng. Huyện Quang Hoá gồm 2 tổng: Triêm Hoá, Giai Hoá với 26 làng. Ngày 3.2.1866, chính quyền Pháp giải thể 2 huyện Tân Ninh, Quang Hoá để lập hai Sở Thanh tra Tây Ninh và Quang Hoá. Huyện Bình Long đã giải thể và nhập về Sở Thanh tra Sài Gòn.

16.8.1867, Sở Thanh tra Quang Hoá đổi thành Sở Thanh tra Trảng Bàng. Bộ máy cai trị cũng được chuyển tới làng Gia Lộc.

5.6.1871, Sở TT Trảng Bàng bị giải thể, nhập với Sở Thanh tra Tây Ninh, trở thành một đơn vị hành chính mới có tên là hạt Tham biện Tây Ninh.

Đến ngày 20.12.1899, toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định, kể từ ngày 1.1.1900, các hạt Tham biện ở Nam kỳ đều đổi thành tỉnh. Đơn vị hành chính tỉnh Tây Ninh xuất hiện từ đó đến ngày nay (theo Vương Công Đức trong “Trảng Bàng phương chí”. Còn theo Nguyễn Đình Tư, ông lại viết các Sở Thanh tra là Hạt Thanh tra; và Hạt Tham biện là Sở Tham biện).

Năm 1903, Pháp cho thành lập quận Trảng Bàng gồm 4 tổng: Hàm Ninh Hạ (6 làng), Mỹ Ninh (5 làng), Triêm Hoá (5 làng) và Giai Hoá (6 làng).

Đến năm 1930, lại lập thêm quận Thái Bình gồm 7 tổng Hoà Ninh (9 làng), Hàm Ninh Thượng (4 làng), Giai Hoá (6 làng) chuyển từ quận Trảng Bàng qua, Khán Xuyên (5 làng), Bang Chrum (2 làng); Tabel Jul (3 làng) và Chơn Bà Đen (4 làng). Năm 1942, quận Thái Bình đổi tên là Châu Thành.

Năm 1948, chính quyền lập thêm quận Gò Dầu Hạ, sau đó giải thể (9.1954), rồi lập lại (3.1955). Cho đến tháng 1.1957, các đơn vị hành chính tỉnh Tây Ninh gồm 3 quận: Châu Thành (6 tổng, 29 xã), Gò Dầu Hạ (có 3 tổng, 16 xã), Trảng Bàng (1 tổng, 7 xã). Đến tháng 4.1959 lại chia quận Châu Thành làm hai quận: Phước Ninh và Phú Khương. Tháng 5.1959, đổi tên quận Gò Dầu Hạ và Trảng Bàng thành hai quận mới Hiếu Thiện và Khiêm Hanh. Tháng 7.1961 tách quận Khiêm Hanh, lập thêm quận Phú Đức. Đến tháng 10.1963, tách quận Phú Đức (Trảng Bàng) về tỉnh Hậu Nghĩa, đổi lại tên cũ Trảng Bàng. Năm 1965 xoá bỏ cấp tổng; tới trước năm 1975, Tây Ninh còn 45 xã thuộc 4 quận: Hiếu Thiện, Khiêm Hanh, Phú Khương và Phước Ninh.

Về phía chính quyền cách mạng, kể từ sau Nam bộ kháng chiến ngày 23.9.1945 chính quyền cách mạng (vẫn tồn tại song song với các chính quyền thân Pháp, Mỹ) đã bãi bỏ cấp quận, cấp tổng. Về quy mô vùng, miền thì năm 1951, Xứ uỷ Nam bộ cho sáp nhập một số huyện của tỉnh Gia Định và Chợ Lớn vào Tây Ninh thành tỉnh Gia Định Ninh.

Tháng 5.1951, huyện căn cứ địa Dương Minh Châu được thành lập gồm 5 xã, với dân số khoảng 10.000 người.

Năm 1950, thị xã Tây Ninh được thành lập trên cơ sở các xã khu vực tỉnh lỵ. Một số xã ở các huyện Trảng Bàng, Châu Thành cũng được nhập thành liên xã như: Đôn Thuận Lợi (từ Đôn Thuận và Thuận Lợi), Hảo Đước, Hoà Hội, Thái Bình thành xã Đước Hoà Bình.

Tháng 10.1954, Liên khu uỷ miền Đông lại quyết định tách Tây Ninh trở lại theo ranh giới cũ.

Năm 1956, khu vực các xã vùng Toà thánh Tây Ninh có đông chức sắc tín đồ đạo Cao Đài được thành lập huyện gọi là huyện Toà Thánh; có lúc huyện này sáp nhập với huyện Dương Minh Châu nhưng đến tháng 3.1961 lại tách ra, chính thức thành lập huyện Toà Thánh gồm 4 xã: Trường Hoà, Ninh Thạnh, Long Thành và Hiệp Ninh.

Cũng năm 1961, Ban Cán sự Bến Cầu được thành lập và đến đầu năm 1962, chính thức có thêm huyện Bến Cầu. Và huyện Gò Dầu thì tách khỏi Trảng Bàng. Kể từ đây, chính quyền cách mạng có 5 huyện, một thị xã gồm: Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, Dương Minh Châu, Toà Thánh và thị xã Tây Ninh. Đến tháng 6.1972, huyện Tân Biên được thành lập gồm 5 xã: Hoà Hiệp, Sóc Thiết, Mỏ Công, Kà Tum và Tân Hưng.

Thành phố Tây Ninh hôm nay.

Sau 30.4.1975, bộ máy hành chính tỉnh Tây Ninh được sắp xếp lại. Huyện Toà Thánh lấy tên theo tên quận cũ là huyện Phú Khương, đến 14.3.1979 lại đổi tên thành Hoà Thành. Toàn tỉnh có một thị xã và 7 huyện, 68 xã phường, thị trấn. Đến 13.5.1989 huyện mới Tân Châu được thành lập (tách ra từ 2 huyện Tân Biên và Dương Minh Châu).

Năm 2016, Tây Ninh tiếp tục xây dựng và khi cần thiết lập thêm các xã mới. Đến nay đã có một thành phố (đô thị loại 3), 8 huyện trong đó có 6 thị trấn (đô thị loại 5) và hai thị trấn vừa được công nhận đô thị loại 4 làm tiền đề để nâng cấp hai huyện lên thị xã. Tiến trình biến động các đơn vị hành chính, cụ thể hơn khi có dịp sẽ xin trở lại.

NGUYỄN QUANG VĂN

(Tập hợp từ các sử, sách viết về Tây Ninh, từ triều Nguyễn đến nay)