Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đến với thơ hay
Những câu thơ chạm đáy lòng
Chủ nhật: 07:33 ngày 28/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhà thơ Phạm Quốc Ca tên thật là Phạm Ðình Ca, sinh ngày 5.3.1952 tại Diễn Kỳ, Diễn Châu, Nghệ An. Ông là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, tiến sĩ Văn học, từng giảng dạy ở Ðại học Ðà Lạt, rồi Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Ðồng, hiện sống và viết tại Ðà Lạt.

Ðà Lạt, thành phố ngàn hoa, điểm đến du lịch, và đặc biệt nơi có Nhà sáng tác thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, do đó thường có rất nhiều văn nghệ sĩ trong cả nước lui tới. Nhà thơ Phạm Quốc Ca, trong vai trò “chủ nhà” thường xuyên tiếp xúc và đối ẩm với anh em. Bài thơ “Ðối ẩm với người xa” ra đời trong một lần đối ẩm ấy.

Mở đầu bài thơ là những bộc bạch tâm sự rất thật của nhà thơ: “Bạn đến rồi đi như mây trắng/ Ta buồn như đỉnh Lang Bian/ Tựa khung cửa sổ ngồi độc ẩm/ Cuối năm nở muộn đoá quỳ vàng”. Sự liên tưởng so sánh rất thú vị, khi sự lui, tới của bạn “như mây trắng”, còn tác giả thì buồn giống “như đỉnh Lang Bian”, một ngọn núi cao của Ðà Lạt, trong những ngày không có mây, riêng mình độc ẩm và chợt nhìn thấy “đoá quỳ vàng” nở muộn trong một ngày cuối năm, nhắc nhớ nhà thơ đến những cảm xúc: “Rượu ngấm mang mang hồn viễn xứ/ Thơ ai chợt đến tự ngàn xa/ Chưa được một lần chung đắng ngọt/ Lời thương sao chạm đáy lòng ta?”.

Sống và công tác nhiều năm tại thành phố Ðà Lạt, nhưng nhà thơ vẫn tự thấy mình là người “viễn xứ” bởi xa quê, nhớ quê luôn trĩu nặng tâm hồn, nên mới cảm cái cảm giác “mang mang hồn viễn xứ” mà nhận thấy “lời thương” “chạm đáy lòng ta”.

Một cảm giác buồn, nhung nhớ: “Cuối trời tràm đước ta chưa đến/ Ngắm vườn xanh rợp trắng chim bay/ Chưa được lách xuồng trên kênh rạch/ Mời cả mặt trời ngả nghiêng say”. Mà người bạn xa cùng “đối ẩm” ấy là người miền Tây, thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nên mới có hình ảnh “cuối trời tràm đước” nơi tác giả chưa một lần đặt chân đến, và cả chưa “lách xuồng trên kênh rạch, ngắm vườn xanh rợp trắng chim bay” cùng với cái ao ước phóng khoáng, hào sảng “mời cả mặt trời ngả nghiêng say”. Khổ thơ thật đẹp và cũng thật hay.

Từ cái “say” hào sảng và phóng khoáng đó, nhà thơ chợt nhận ra “cái say” của cuộc đời mình: “Ta say hát nửa đời cay cực/ Chớm tuổi năm mươi đã bạc đầu/ Ta say hát lòng ai nhân hậu/ Chưa từng gặp mặt nhớ thương nhau”. Ðể rồi: “Cùng khát chân trời, đời lận đận/ Người tha hương thương kẻ tha hương/ Xin nâng ly rượu/ Mời đối ẩm/ Người cách xa ta vạn dặm đường”.

Với những cảm xúc của “đời lận đận” song lại rất tinh tế, chia sẻ “Người tha hương thương kẻ tha hương”. Cái hay, độc đáo của thơ từ “độc ẩm” để nhớ lại, rồi liên tưởng đến những cuộc tương phùng, “đối ẩm” với bạn bè xa, bởi cảm nhau “tấm lòng nhân hậu” và thương nhau vì cùng “tha hương” đã khiến người đọc như lặng đi vì những xúc cảm và sẵn sàng cùng tác giả, tiến sĩ, nhà thơ “xin nâng ly rượu” cùng đối ẩm dẫu có cách “xa vạn dặm trường”.

CHÍNH VŨ

Tin cùng chuyên mục